Đường cao tốc Việt Nam: Đường ngắn, giá cao ngất ngưởng!

(Dân trí) - Một báo cáo chính thức từ bộ Xây dựng cho hay, giá xây đường cao tốc tại Việt Nam chủ yếu chiều dài dưới 100 km, tuy nhiên giá thành lại cao gấp từ 1,4 đến 1,7 lần so với các nước Trung Quốc, Châu Âu hay Mỹ.

Bộ Xây dựng vừa hoàn thành báo cáo suất vốn đầu tư xây dựng công trình đường ô tô cao tốc gửi Thủ tướng Chính phủ. Trong báo cáo nhiều trang này, bộ Xây dựng đề nghị suất đầu tư đường cao tốc 4 làn xe bình quân là 15,91 triệu USD/km.
 
Trong đó, khu vực đồng bằng bình quân là: 16,63 triệu USD/1km. Khu vực miền núi, trung du là: 9,42 triệu USD/1km. Khu vực miền Trung là: 10,56 triệu USD/km.
 
Suất đầu tư đường cao tốc 6 làn xe khu vực đồng bằng là: 23,1 triệu USD/1km.
 
Đây là báo cáo chính thức đầu tiên công bố những số liệu cụ thể về suất vốn đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc tại Việt Nam. Trước đó, những số liệu đưa ra về suất vốn đầu tư thường được các chuyên gia trong ngành Giao thông và Xây dựng tiên lượng trên nhiều thông tin từ các nhà thầu và điều kiện thi công thực tế.
 
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình
 
Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo từ bộ Giao thông cho hay, hiện  nay Việt Nam đã đưa vào khai thác sử dụng khoảng 150km. Theo kế hoạch đến năm 2015 xây dựng khoảng 600km đường cao tốc.
 
Một số tuyến đã khai thác sử dụng như: Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, Đại lộ Thăng Long (Láng - Hòa Lạc) với quy mô từ 4 đến 6 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp.
 
Hiện nay đang triển khai các dự án: Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai, đường vành đai III giai đoạn 2, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và đang chuẩn bị các dự án: Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Dầu Giây - Phan Thiết, Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ.
 
Trên cơ sở báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (tổng hợp 13 dự án xây dựng đường ô tô cao tốc), sau khi quy đổi giá về thời điểm quý II/2012, bộ Xây dựng cho rằng suất vốn đầu tư bình quân cho 1 km toàn tuyến đường ô tô cao tốc (bao gồm cả cầu và đường) vào khoảng 15,91 triệu USD/km (đường 4 làn xe); khoảng 23,1 triệu USD/km (đường 6 làn xe).
 
Những tuyến có suất vốn đầu tư cao nhất là những tuyến đi qua các vùng, khu vực phải xây dựng nhiều cầu như:  Tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận, tuyến Mỹ Thuận – Cần Thơ, Long Thành – Dầu Dây (4 làn xe) có suất vốn đầu tư cho 1 km: từ 17 triệu – 22 triệu USD/km. Riêng tuyến Bến Lức – Long Thành có suất vốn đầu tư là 37 triệu USD/km (do phải xây dựng khoảng 25,7 km cầu trên tổng số 57,8 km chiều dài tuyến).
 
Những tuyến có suất vốn đầu tư cao thứ 2 là những tuyến đi qua các khu vực cần phải xử lý nền đất yếu lớn như: Tuyến 4 làn xe: Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh – Trung Lương có suất vốn đầu tư : từ 10,75 – 11,85 triệu USD/km.
 
Tuyến 6 làn xe: Hà Nội – Hải Phòng, Láng - Hòa Lạc có suất vốn đầu tư: từ 20,34 - 25,86 triệu USD/km.
 
Những tuyến còn lại có suất vốn đầu tư dưới 10 triệu USD/km là những tuyến có tỷ lệ chiều dài cầu và tỷ lệ chiều dài cần xử lý đất yếu trên tuyến không lớn.
 
Qua số liệu trên, bộ Xây dựng cho rằng suất vốn đầu tư đường cao tốc tại Việt Nam so với một số nước trên thế giới cũng có sự khác biệt lớn. Cụ thể, so với trung Quốc: Nếu tính bình quân thì suất vốn đầu tư đường cao tốc (4 làn xe) của Việt Nam cao hơn của Trung Quốc 1,4 lần.Suất vốn đầu tư đường cao tốc (6 làn xe) của Việt Nam cao hơn của Trung Quốc 1,74 lần.
 
So với các nước Châu Âu (Đức, Bồ Đào Nha, Hungari, Áo): suất vốn đầu tư đường cao tốc (6 làn xe) của Việt Nam cao hơn 1,63 lần.
 
Bộ Xây dựng đánh giá, các dự án đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc tại Việt Nam là thường có chiều dài không lớn (chủ yếu dưới 100km). Ngoài ra, dự án phải xây dựng nhiều công trình cầu vượt, cầu chui dân sinh và các nút giao, đường gom, đường nối, các công trình phòng hộ, chiếu sáng,…theo yêu cầu của địa phương và dân cư tại khu vực đường cao tốc đi qua.
 
Mặt khác, điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp nên các tuyến đường thuộc khu vực đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng Nam bộ phải xử lý nền đất yếu, xử lý sụt trượt, kiên cố hóa công trình với khối lượng lớn.
 
Một yếu tố nữa tác động tới giá thành đường ổ tô cao tốc là công tác giải phóng mặt bằng thường chậm trễ, nên thời gian xây dựng dự án bị kéo dài khiến chi phí phát sinh nhiều nên làm tăng tổng mức đầu tư.
 
Tuy đưa ra những con số cụ thể và có so sánh với các nước có điều kiện tương đồng hoặc khác biệt về công nghệ, tuy nhiên bộ Xây dựng vẫn thận trọng cho rằng “việc so sánh này chỉ là tương đối vì  không có thông tin chi tiết về suất vốn đầu tư đường ô tô cao tốc của nước ngoài”
 
Thông Chí