Dương Bạch Diệp, bầu Kiên: Số phận đại gia đi siêu xe Rolls-Royce
Bà Dương Thị Bạch Diệp và ông Lê Thanh Thản là hai đại gia vướng vào lao lý trong thời gian gần đây có một điểm chung là đi xe Rolls-Royce. Người ta nói, xe thì xịn nhưng chữ Phantom (bóng ma) nên rất... ám.
Ông Lê Thanh Thản sinh năm 1949 tại Diễn Châu, Nghệ An. Những năm 90, ông thành lập Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu, (sau đổi thành Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 Lai Châu, và nay là Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên), có trụ sở tại Điện Biên.
Năm 1993, ông xây dựng khách sạn tại Điện Biên Phủ, hoàn thành sau 1 năm. Đến 1996, tỉnh Lai Châu đề nghị ông Thản nhượng lại khách sạn Điện Biên Phủ và đối ứng bằng một khu đất giá trị khác. Ông Thản đổi lấy và xây dựng nên khách sạn Mường Thanh. Đây cũng là thời điểm mở đầu cho sự ra đời của thương hiệu Mường Thanh.
Trong giới kinh doanh tại Việt Nam, ông Thản nổi lên với biệt danh "đại gia hút điếu cày đi Rolls-Royce". Sở dĩ ông có biệt danh này vì phong cách giản dị, thích hút thuốc lào và sở hữu chiếc Rolls-Royce Phantom Oriental Sun độc nhất thế giới.
Hồi năm 2014, "đại gia điếu cày" từng gây xôn xao trong giới chơi xe tại Việt Nam khi tậu chiếc siêu xe sang hàng thửa Rolls-Royce Phantom Oriental Sun có 1-0-2 trên thế giới. Không chỉ sở hữu chiếc siêu xe sang Rolls-Royce Phantom Mặt trời Phương Đông, ông còn có hàng loạt xế sang bạc tỷ khác.
Ngày 3/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đề nghị truy tố đối với ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mường Thanh kiêm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bemes, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, về tội Lừa dối khách hàng.
Nữ đại gia Rolls-Royce Phantom đầu tiên
Người đầu tiên mua xe Rolls-Royce Phantom tại Việt Nam là nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp. Chiếc Rolls-Royce Phantom đầu tiên tại Việt Nam đã được đưa về cảng hàng không Tân Sơn Nhất vào đầu tháng 1/2008 và sau đó mang biển số 77L-7777. Vào thời điểm đó, nhiều người cảm thấy biển số của chiếc Rolls-Royce Phantom không đẹp và có thể mang lại điềm xui cho chủ sở hữu.
Bà Diệp sinh năm 1948 tại phố biển Quy Nhơn, Bình Định. Bà tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội năm 1971 sau đó công tác tại Chi nhánh Thủ công Mỹ nghệ Hải Phòng, Công ty Bao bì xuất khẩu của Bộ Ngoại Thương (thời điểm đó) tại TP.HCM.
Trong một lần mua đi bán lại một căn chung cư cũ tại quận 1, bà Diệp đã "bén duyên" với lĩnh vực bất động sản. Từ những vụ mua bán nhỏ, nữ đại gia này lần lượt tích lũy được nhiều tài sản và đất đai.
Bà Diệp sỡ hữu nhiều công ty và tài sản nhà đất có giá trị như Diep Bach Duong's Senla Boutique (Senla Boutique); dự án Khách sạn, trung tâm hội nghị 179Bis Hai Bà Trưng (quận 3); 7 mặt bằng tại 31 Lê Duẩn (quận 1)...
Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị VKSND Tối cao truy tố bà Dương Thị Bạch Diệp về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ hoán đổi tài sản công tại Trung tâm ca nhạc nhẹ thuộc Sở Văn hóa TP.HCM với Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương. Vụ án này đã được khởi tố từ năm 2019.
Siêu xe Phantom Rồng của Bầu Kiên
Đại gia Nguyễn Đức Kiên hay còn gọi là bầu Kiên (SN 1964, Hà Nội), là một trong những cái tên nổi đình nổi đám trong giới ngân hàng.
Năm 2012, bầu Kiên đã làm chấn động giới chơi xe trong nước khi trở thành 1 trong số 33 chủ nhân của chiếc xe hơi siêu sang Phantom phiên bản năm Rồng do hãng xe Rolls-Royce sản xuất. Với số lượng xuất xưởng ít ỏi, không chỉ phải bỏ nhiều tiền bạc, vị tỷ phú này cũng đã dành rất nhiều thời gian và quan hệ để đưa chiếc xe này về Việt Nam với tổng chi phí được xác định khoảng 40 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kể từ ngày 20/8/2012 tới ngày 31/5/2013, bầu Kiên lần lượt bị khởi tố về 4 tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế và Kinh doanh trái phép.
Tổng số tiền mà bầu Kiên và đồng bọn gây thất thoát là hơn 1.695 tỷ đồng. Đây được coi là một trong những đại án tham nhũng của năm 2013, là vụ án khiến nhiều nhân vật máu mặt trong nhiều ngành, đặc biệt là ngành ngân hàng dính "chàm".