Được đổi mạng di động vẫn giữ số
(Dân trí) - Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) bắt đầu tham vấn các doanh nghiệp (DN) viễn thông về đề án cho phép các thuê bao chuyển đổi mạng di động mà không cần đổi số thuê bao. Nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra.
Bộ TT-TT cho biết, sau thời gian dài xây dựng chuyên gia đã hoàn thành đề án cho phép các thuê bao chuyển đổi mạng di động mà không cần đổi số thuê bao (ví dụ Thuê bao của mạng MobiFone muốn chuyển sang mạng Viettel thì chỉ cần đăng ký với nhà mạng mới và vẫn được giữ nguyên số thuê bao đã đăng ký ở mạng MobiFone. Khách hàng sẽ trả cước dịch vụ theo quy định bởi mạng chuyển đổi).
Khách hàng hưởng lợi nhiều nhất khi đề án chuyển mạng vẫn giữ số được thực hiện. (Ảnh CTV)
Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng vụ Viễn thông cho biết, mục đích của đề án này nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh chất lượng giữa các nhà cung cấp dịch vụ thông viễn thông và bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.
Việc giữ nguyên số thuê bao cũng dự kiến được áp dụng với cả các thuê bao cố định có nhu cầu chuyển đổi mạng. Đề án tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của DN viễn thông làm cơ sở cho việc chỉnh sửa, sau đó đưa vào thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Lãnh đạo Bộ thừa nhận, việc liên tục cấp thêm đầu số mới cho các mạng di động không thể kéo dài mãi. Trong khi các mạng cũng phải tốn thêm nhiều chi phí để tiếp thị đầu số mới thì các đầu số mới hiện nay vẫn ít được người dùng di động ưa thích.
Vì thế các đầu số mới thường nằm trong diện để khuyến mãi. Tình trạng khách mua sim khuyến mãi dùng một lần là vứt bỏ để chuyển sang khuyến mãi khác vẫn diễn ra lâu nay là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “cháy” kho số liên tục của các mạng di động.
Vì vậy, khi luật cho phép các thuê bao chuyển đổi mạng mà không cần đổi số thuê bao được thông qua, tình trạng cạn kiệt kho số sẽ được khắc phục nhanh chóng.
Lợi ích đã nhìn thấy rõ nhưng một số nhà mạng lại đưa ra những khó khăn trong quá trình thực hiện như: phải chi phí tốn kém để thiết lập lại hệ thống phần mềm tính cước đối với thuê bao chuyển mạng.
Hơn nữa, nếu là mạng không cùng công nghệ (hiện các mạng lớn dùng công nghệ GSM, còn các mạng nhỏ thì dùng CDMA) thì việc chuyển đổi còn phức tạp hơn.
Đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) thì cho rằng, chưa đến mức phải áp dụng cách thức này bởi có thể sẽ gây ra tình trạng cạnh tranh bằng mọi giá để hút khách giữa các mạng. Tập đoàn Viettel cũng bày tỏ quan điểm cần thêm vài năm nữa thì mới đủ điều kiện để áp dụng chính sách mới.
Theo chuyên gia phân tích, sở dĩ ban đầu đề án chưa được các nhà mạng mặn mà ủng hộ là do ngại thay đổi, thậm chí nhà mạng nào đã chiếm nhiều thị phần trên thị trường sợ rằng nếu tạo sự chủ động quá lớn thì dễ mất khách.
Nhưng xét về lâu dài thì đề án sẽ đem lại tiện ích cho khách hàng, tiết kiệm tài nguyên số và khẳng định thực lực của các nhà mạng.
Phạm Thanh