“Dùng tiêu chuẩn Mỹ, vào Mỹ dễ hơn”
Ngày 7/3 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa trao chứng chỉ chứng nhận sự đóng góp của Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng Việt Nam (STAMEQ) vào thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước.
Sau đây là nội dung cuộc trao đổi của chúng tôi với TS. Ngô Quý Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng.
Thưa ông, dựa trên nền tảng cơ sở nào mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã trao chứng chỉ chứng nhận sự đóng góp của Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng vào thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước?
Trong quá trình hội nhập quốc tế, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, quan hệ buôn bán thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ phải được đẩy mạnh phát triển.
Một trong những nền tảng cơ sở trong quá trình thúc đẩy công nghệ, thương mại và hội nhập chính là hoạt động tiêu chuẩn hoá và đánh giá sự phù hợp mà cả 2 chính phủ và các doanh nghiệp thoả thuận cùng chấp nhận.
Chính vì vậy, Việt Nam đã có những định hướng hợp tác với các cơ quan tiêu chuẩn Hoa Kỳ.
Điểm đặc thù lớn là phía Hoa Kỳ có rất nhiều các cơ quan tiêu chuẩn hoá nhưng hiện có 2 tổ chức tiêu chuẩn hàng đầu là Tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế Hoa Kỳ (ASTM) và Viện Tiêu chuẩn quốc gia Hoa Kỳ (ANSI).
Được thành lập năm 1898, ASTM là một tổ chức xây dựng tiêu chuẩn (SDOs) hàng đầu của Mỹ cũng như trên thế giới.
Hiện nay, các tiêu chuẩn của ASTM là những tiêu chuẩn đánh giá có chất lượng cao và đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Đặc biệt là tiêu chuẩn trong các lĩnh vực như kim loại, dầu mỏ, sơn, hoá chất, chất dẻo, bê tông và xi măng, cao su, dệt may...
ASTM International hiện đang có 139 ban kỹ thuật chính với sự tham gia của khoảng 3.000 các nhà khoa học và kỹ sư từ 120 nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, Viện ANSI hiện đang là cơ quan đầu mối để điều phối việc xây dựng và sử dụng các tiêu chuẩn đồng thuận tự nguyện và đồng thời là đại diện cho nhu cầu và quan điểm của các bên liên quan của Hoa Kỳ trên diễn đàn tiêu chuẩn hoá ở phạm vi toàn thế giới.
Trên tinh thần đó, ngày 7/3 tại Washington, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã trao chứng chỉ ghi nhận và đánh giá cao mối quan hệ hợp tác có hiệu quả giữa STAMEQ và các tổ chức tiêu chuẩn hàng đầu của Hoa Kỳ. Mối quan hệ này sẽ tạo cơ hội cho quan hệ thương mại giữa hai nước mở rộng.
Quan hệ hợp tác giữa hai bên sẽ tập trung vào những lĩnh vực nào? ASTM và ANSI sẽ có những chính sách gì hỗ trợ Việt Nam, thưa ông?
Trong các biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam với ASTM vừa được ký kết đã thoả thuận, phía ASTM sẽ cung cấp miễn phí thường xuyên cho STAMEQ các bộ tiêu chuẩn ASTM và cho phép Việt Nam tham khảo, chuyển dịch dần các tiêu chuẩn đó thành Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), đồng thời phân phối độc quyền ở Việt Nam và quy định về bản quyền tiêu chuẩn.
Cho đến nay, đã có khoảng 60 tiêu chuẩn ASTM được chấp nhận thành TCVN trong đó chủ yếu là các tiêu chuẩn về nhiên liệu và sản phẩm dầu mỏ.
ASTM sẽ cho phép Việt Nam bán những tiêu chuẩn này cho các doanh nghiệp áp dụng với giá rẻ nhưng sẽ phải báo cáo kết quả cụ thể. Bình thường, các tiêu chuẩn này được bán với giá từ 70-80 USD nhưng với Việt Nam sẽ được bán với giá thấp hơn nhiều.
Những tiêu chuẩn này sẽ được quảng bá trên trang web của Tổng cục tại địa chỉ http://www.tcvn.gov.vn để các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu tham khảo và lựa chọn áp dụng. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thực hiện theo các tiêu chuẩn này khi xuất khẩu hàng hoá sang Hoa Kỳ.
Ngoài ra, ASTM sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo chuyên gia và được tham gia là thành viên miễn phí vào tất cả các ban kỹ thuật tương ứng, truy cập mạng điện tử “Members Only”, tham khảo tất cả các thông tin hoạt động của ASTM...
Về phía ANSI, tháng 9/2006, Việt Nam đã ký các văn bản thống nhất quan điểm trong quá trình làm việc với tổ chức ISO và Uỷ ban kỹ thuật điện quốc tế IEC, trao đổi chuyên gia, khuyến khích các tổ chức tiêu chuẩn 2 nước quan hệ tay đôi trao đổi thông tin, dữ liệu, những dự án kinh doanh mạo hiểm khả dĩ...
Tất cả các doanh nghiệp Việt Nam khi áp dụng thành công các tiêu chuẩn này để xuất khẩu sản phẩm hàng hoá sang Hoa Kỳ đều được hưởng lợi.
Những doanh nghiệp hiện đang tiến hành xuất khẩu sang Hoa Kỳ như đồ gỗ, thuỷ sản...khi áp dụng tiêu chuẩn này thì sẽ thuận lợi hơn.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn này có khó khăn gì không? Các doanh nghiệp sẽ phải làm những gì để biết hàng hoá có đủ tiêu chuẩn không?
Việc các doanh nghiệp khi áp dụng các tiêu chuẩn của Mỹ sẽ phụ thuộc vào các loại mặt hàng khác nhau, mặt hàng gì sẽ phải áp dụng tiêu chuẩn.
Nhìn chung, các tiêu chuẩn của Mỹ đòi hỏi khá cao nhưng để vào thị trường Mỹ thì các doanh nghệp phải chấp nhận thực hiện để hàng hoá đáp ứng tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng.
Các tổ chức Hoa kỳ sẽ hướng dẫn cụ thể phép thử với từng tiêu chuẩn. Các doanh nghiệp theo hướng dẫn sẽ phải làm hàng hoá, sản phẩm như thế nào để đạt được những tiêu chuẩn quy định.
Điều quan trọng nhất là bản thân các doanh nghiệp sẽ phải nâng cao trình độ công nghệ sản xuất sản phẩm có chất lượng cao hơn cũng như có các phòng thí nghiệm có thể kiểm tra được các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm.
Nếu doanh nghiệp chưa có phòng thí nghiệm đó thì có thể đến hệ thống các phòng thí nghiệm đã được STAMEQ công nhận.
Doanh nghiệp phía Nam có thể đến Trung tâm Kỹ thuật III (Tp.HCM) phân tích thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng. Ở Hà Nội có thể đến Trung tâm Kỹ thuật I hoặc đơn vị kỹ thuật của Bộ Thuỷ sản, Bộ Y tế...
Khi các trung tâm này thử nghiệm đảm bảo thì cũng có nghĩa sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp sẽ đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng của Hoa Kỳ.
STAMEQ sẽ cung cấp trang thiết bị cho các trung tâm kỹ thuật để có thể thử được các sản phẩm hàng hoá đó đã đáp ứng được tiêu chuẩn quy định hay chưa để có thể xuất.
Theo Phan Anh
VnEconomy