Dừng thanh toán quỹ đất BT: Luật có hiệu lực 8 tháng vẫn phải… chờ Nghị định

(Dân trí) - “Theo một nguồn tin riêng, hôm qua Chính phủ họp bàn về nghị định này và kỳ vọng sẽ ban hành trong tháng 8 để giải quyết vấn đề thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư BT. Nhưng ngay cả thế thì rõ ràng vẫn là chậm quá, gây khó cho cả cơ quan nhà nước và cả doanh nghiệp”, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) nói về những vướng mắc liên quan đến các dự án công tư gần đây.

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 nhưng cho đến nay vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 nhưng cho đến nay vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Nghẽn từ... cơ quan quản lý

Bộ Tài chính mới phát đi đề xuất kể từ ngày 1/1/2018 tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công (đất đai) để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công ty (PPP), trong đó có phương thức xây dựng - chuyển giao (BT) cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định về nội dung này có hiệu lực thi hành.

Điều đáng nói là đề xuất của Bộ Tài chính chậm hơn hiệu lực thực thi của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hơn… 8 tháng, sau khi nhiều dự án ở tình trạng “gạo đã nấu thành cơm”. Không chỉ chậm ban hành Nghị định hướng dẫn trong khi Luật đã có hiệu lực từ 1/1/2018, Bộ Tài chính đã không đưa ra được giải pháp thỏa đáng cho các hợp đồng BT đã ký kết trước khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành.

Nay với đề xuất tạm dừng BT hồi tố từ 1/1/2018, không chỉ nhà đầu tư mà ngay cả chính quyền địa phương cũng lúng túng, gặp khó khăn trong phương án tài chính hoàn vốn dự án vì các hợp đồng BT đã được ký kết, thực hiện trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Công văn chỉ thị của Bộ Tài chính có hiệu lực. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư đã hoàn thành đầu tư công trình BT nhưng chưa được bàn giao quỹ đất hoàn vốn theo thời hạn quy định trong hợp đồng.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 thì lẽ ra tất cả các nghị định hướng dẫn, thông tư phải có để áp dụng cùng thời điểm. Như thế mới đảm bảo tính hiệu lực, nhất quán trong việc quản lý tài sản công.

“Một nhược điểm, hay còn gọi “bệnh” của cơ quan quản lý nhà nước là thiếu tư duy hệ thống, có thể hiểu điều đó nhưng việc chuẩn bị các quy định pháp luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất vẫn luôn là điểm yếu, rất yếu của các bộ ngành. Hiếm có trường hợp nào mà Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các bộ có liên quan lại được ban hành để có hiệu lực đồng bộ với luật”, ông nói.

“Theo một nguồn tin riêng, sáng nay Chính phủ họp bàn về nghị định này và kỳ vọng sẽ ban hành trong tháng 8 để giải quyết vấn đề thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư BT. Nhưng ngay cả ban hành trong tháng 8 này thì rõ ràng vẫn là chậm quá, gây khó cho cả cơ quan nhà nước và cả doanh nghiệp”, ông Châu nói.

“Không quản được thì cấm”?

Một số chuyên gia cho rằng Nghị định về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư nói trên là “điển hình” cho tư duy “không quản được thì cấm”. Việc chậm trễ ban hành các văn bản pháp luật này thuộc trách nhiệm của phía cơ quan quản lý.

“Luật của mình nhiều khi không cụ thể chi tiết như các nước khác nên cần phải có Nghị định hướng dẫn thực hiện. Chậm ban hành nghị định những hơn 8 tháng, theo tôi phải quy định rõ trách nhiệm? Về phía Chính phủ thì cơ quan nào chịu trách nhiệm, chứ không thể để cứ ban hành luật mà không thực hiện, hoặc không thực hiện nghiêm túc trong khi có nhiều vấn đề cần được cụ thể hoá”, Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh bày tỏ.

Nhiều chuyên gia cho rằng để tăng cường thu hút đầu tư, tạo sức hấp dẫn cho các dự án PPP, cần thiết phải ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời, bảo đảm hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, bảo đảm quyền lợi, tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư.

Bàn về câu chuyện BT, TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định: “Về phương thức không có gì phải bàn, nói cách khác tôi làm hạ tầng, anh trả tôi bằng tiền hoặc bằng đất”. Ông Lê Hoàng Châu cũng đồng quan điểm cho rằng phương thức đối tác công tư vẫn là “con đường duy nhất” để phát triển hạ tầng trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp.

TS Lê Đăng Doanh cũng bày tỏ: "Dự án BT theo tôi mặt được huy động được cái nguồn vốn xã hội hoá, tư nhân. Theo tôi, rất nên tạo khung pháp chế để thực hiện BT, BOT nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, có giám sát độc lập".

Phương Dung

Dừng thanh toán quỹ đất BT: Luật có hiệu lực 8 tháng vẫn phải… chờ Nghị định - 2