Đừng quá thổi phồng tác hại Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với Việt Nam
(Dân trí) - "Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chúng ta cũng đừng đẩy quá cao tác động của nó đối với kinh tế Việt Nam. Hãy nghĩ rằng chúng ta có lợi trong chiến lược và địa chính trị. Đừng quá thổi phồng và gây tâm lý hoang mang với các nhà đầu tư".
Đây là khẳng định của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam, cải cách và triển vọng trong một thế giới nhiều biến động tổ chức sáng nay (20/7) tại Hà Nội.
Chia sẻ với báo giới ông Cung cho rằng: Thực ra trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, chúng ta cũng có lợi nhiều hơn là có hại. Nhiều người đẩy đến mức có hại, về mặt kinh tế thực không có tác động nhiều.
Theo ông, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra hiện nay, về bản chất có đơn thuần là sự đáp trả về kinh tế đơn thuần, khi Mỹ cho rằng Trung Quốc cố tình hạ giá đồng tiền để hưởng lợi vào Mỹ và lo ngại hàng công nghệ cao từ Trung Quốc lấy đi công ăn việc làm của nước này?
- Đây là cuộc tranh giành về chiến lược chính trị, không chỉ là cuộc chiến thương mại đơn thuần vì thế nó có thể sẽ kéo dài, quy mô có thể thay đổi tùy vào bối cảnh của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, cuộc chiến này kéo dài bao lâu là câu chuyện khó có thể đoán được.
Tôi cho rằng đây cuộc chiến về địa kinh tế và cả địa chính trị nữa, rõ ràng Trung Quốc đã thách thức siêu cường của Hoa Kỳ, trước mắt là về kinh tế và Hoa Kỳ sẽ không muốn nhìn thấy điều đó và họ đã hành động.
Trong cuộc chiến thương mại lần này, rõ ràng các bên sẽ lôi kéo liên minh. Tuy nhiên, hiện nay các nước không muốn thay đổi trật tự này, họ cũng không quá tin vào sự thay đổi trật tự bởi vì Trung Quốc có nhiều chính sách bất định, họ không muốn Trung Quốc dẫn dắt cuộc chơi.
Nhiều nước cho rằng Trung Quốc mà dẫn đầu cuộc chơi rất khó đoán định nên có thể nói Trung Quốc hiện nay rất khó lôi kéo liên minh. Ngay cả khi Trung Quốc lôi kéo EU thì các nước EU cũng không quan tâm đến lời mời để lập liên minh.
Nhiều người cho rằng, hai nền kinh tế hàng đầu có mối quan hệ mật thiết với kinh tế Việt Nam trả đũa nhau, sẽ khiến Việt Nam chịu nhiều thiệt hại, quan điểm của ông là gì?
- Tác động tổng thể của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể khiến tăng trưởng, tổng cầu kinh tế thế giới giảm. Tuy nhiên xuất khẩu của chúng ta không phải những mặt hàng nhạy cảm về cầu. Với Trung Quốc chúng ta chủ yếu nhập nhiều của họ than đá và nguyên liệu sản xuất điện tử.
Bên cạnh đó, các mặt hàng Hoa Kỳ đánh thuế Trung Quốc phần lớn là công nghệ cao. Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hàng Trung Quốc ngay thời điểm hiện nay sẽ không xuất sang Việt Nam, bởi những mặt hàng này nằm trong diện đánh thuế là hàng "Made in China 2025" và Việt Nam không đủ dung lượng.
Còn với Mỹ, hàng của họ có xuất sang Việt Nam hay không? Câu trả lời là "Có", hàng hóa chủ yếu là đậu tương, ngô, nông sản. Điều này có thể khiến giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam. Hàng hóa này có thể vào Việt Nam và cạnh tranh với nông sản Việt Nam nhưng chúng ta không quá lo ngại nhiều, chúng ta rất có lợi.
Điều đáng lo ngại là tạm nhập tái xuất nông sản Mỹ vào Việt Nam rồi sang Trung Quốc, nguy cơ này có song chúng ta cần cẩn thận vì Trung Quốc có thể kiểm tra toàn bộ hàng nông sản của Việt Nam, nếu vậy chúng ta sẽ bị khó.
Chúng ta càng phải quan tâm vấn đề sắt thép tạm nhập tái xuất của Trung Quốc sang Hoa Kỳ hoặc sắt thép gắn mác Việt để xuất sang Hoa Kỳ. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể bị vạ lây, khi Hoa Kỳ tung đòn đánh thuế với chính chúng ta. Việt Nam ta cần phải tránh và tránh cho bằng được.
Hiện có nhiều lo ngại khi dự đoán thương mại hàng hóa của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến giữa hai cường quốc, điều này ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư, thị trường chứng khoán, ông đánh giá sao về vấn đề này?
- Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chúng ta cũng đừng đẩy quá cao tác động của nó đối với kinh tế Việt Nam. Thực ra chúng ta cũng có lợi, nhiều người đẩy đến mức có hại, về mặt kinh tế thực không có tác động nhiều.
Hãy nghĩ rằng chúng ta có lợi trong chiến lược và địa chính trị, không quá thổi phồng và gây tâm lý hoang mang với các nhà đầu tư.
Chiến tranh thương mại với Cách mạng 4.0 gắn chặt với nhau. Hiện 75% hàng hóa ở Mỹ tiêu thụ trong nước là hàng sản xuất trong nước, còn 25% là nhập khẩu.
Hàng nhập của Trung Quốc hiện nay vào Mỹ đứng số 1, giá lại tăng cao. Từ năm 2010 về trước các nhà đầu tư Mỹ dồn dập vào Trung Quốc để làm ăn. Nhưng hiện họ đã rút về Hoa Kỳ sau khi ông Trump lên và dự đoán quá trình rút chân của các tập đoàn Mỹ khỏi Trung Quốc sẽ kết thúc vào năm 2025.
Điều này cho thấy, Cách mạng 4.0 tại Mỹ đang thay đổi quan niệm và chi phí sản xuất; kết hợp với chi phí sản xuất Trung quốc gia tăng; cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến sản xuất của các công ty Mỹ ra khỏi Trung Quốc với triết lý: "Nước Mỹ là trên hết!"
Hiện so sánh mức lương và năng suất lao động giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng thu hẹp, sản xuất ở Trung Quốc đối với các doanh nghiệp Mỹ không còn lợi ích nữa. Nếu khi rút về Mỹ, các doanh nghiệp có lợi thế về vận tải có thể sản xuất ở Mỹ có lợi hơn.
Việc doanh nghiệp Mỹ quay đầu về "cố quốc" sẽ khiến cho sự phân bố lại sản xuất rõ rệt, liệu Việt Nam có đón đợi được xu hướng này hay không và chúng ta cần phải làm gì?
- Theo dự đoán của các nhà kinh tế Mỹ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Cách mạng 4.0 và Năng lực cạnh tranh quốc gia của Mỹ lớn lên... sẽ tạo ra cho nước Mỹ thêm 3 triệu việc làm.
Như vậy, khi các nền kinh tế khác suy giảm thì kinh tế Mỹ đi lên, thất nghiệp giảm, chúng ta thấy xu hướng phân bố lại sản xuất.
- Việt Nam có thể đón đợi được phân bố lao động từ Mỹ hay không? Câu trả lời là: Không! bởi các ngành đó chúng ta không đủ năng lực hấp thụ vì năng lực con người và công nghệ của chúng ta không đủ chất lượng, cơ sở chúng ta không đáp ứng được các điều kiện của các ngành công nghệ cao.
Tuy nhiên, ở một số doanh nghiệp cần nhiều lao công vẫn có cơ hội cho Việt Nam và họ có thể sẽ chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam. Chúng ta cần nhìn cuộc Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ở tổng thể, tầm cao hơn.
An Linh (ghi)