Đừng để người trồng lúa không đủ tiền mua gạo
Lúa đông xuân ĐBSCL trúng mùa, bán được giá. Ai cũng nghĩ là nông dân sẽ phấn khởi nhiều lắm nhưng khi phân tích sâu xa về khía cạnh an ninh lương thực và nạn đầu cơ vừa qua, kết hợp hoàn cảnh của nông dân thì có nhiều vấn đề mà chúng ta phải suy ngẫm.
Từ hàng thập kỷ qua, nhiều quốc gia đang phát triển và cả các nước đã phát triển luôn xem an ninh lương thực là vấn đề hết sức quan trọng cho việc phát triển bền vững kinh tế và xã hội.
An ninh lương thực – được định nghĩa nôm na “là cơ hội để người dân có khả năng tiếp cận được lương thực cho cuộc sống hàng ngày”. Về chiến lược an ninh lương thực cũng được tính toán trên cơ sở cung và cầu lương thực ở cấp độ quốc tế, quốc gia, vùng và đến tận địa phương và đặc biệt là cộng đồng và hộ dân.
Chỉ cần hai ngày lên cơn sốt gạo, người nông thôn nhận ra được bài học mà hàng chục năm nay họ chưa bao giờ ngờ tới: dân trồng lúa không đủ tiền mua gạo. |
Dân số ngày càng tăng thì nhu cầu bữa ăn hàng ngày tăng theo. Thêm vào đó, Mỹ và một số nước có chiến lược sử dụng bắp và lúa mì để chế tạo ra dầu sinh học (bio-fuels). Khi kinh tế tăng thì nhiều quốc gia tăng sử dụng thịt lại thêm “cầu” lương thực làm thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, việc cung lương thực ngày càng khó khăn vì đô thị hoá đất nông nghiệp, thiên tai...
Năm 2007 và đầu năm 2008, do các yếu tố ảnh hưởng cung và cầu lương thực như nêu trên, thế giới bị khủng hoảng và giá lương thực tăng lên đột biến. Giá tăng cao lan toả đến nhiều quốc gia trên thế giới, dẫn đến “sốc thị trường” kể cả Mỹ và Việt Nam là nước xuất khẩu gạo cũng không loại trừ.
Khi khủng hoảng về lương thực ai cũng chạy mua lương thực để dự trữ vì sợ không đủ tiền mua nếu giá tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, nhà phân phối thì muốn giữ lương thực lại để bán giá cao hơn.
Điều quan trọng hơn, nhiều nhà đầu cơ cố gắng thu gom lương thực trong dân, kể cả thu gom tại các cửa hàng và tiệm buôn bán lẻ để tích luỹ và chờ giá cao hơn để bán với giá ngày càng cao. Điều này ảnh hưởng rất lớn cho người dân, đặc biệt dân nghèo, không những ở đô thị mà kể cả dân ở nông thôn vì phải mua gạo để ăn hàng ngày.
Đối với nông dân, đặc biệt nông dân ĐBSCL, do hoàn cảnh phải đối mặt với 4 nhà chung quanh mình: (1) nhà mình: chi tiêu gia đình hàng ngày, chữa bệnh, học hành cho con cái, (2) nhà hàng xóm: đám tiệc, giỗ chạp và quan hệ xóm làng, (3) nhà cung cấp vật tư: ứng vật tư sản xuất trước và trả lại sau khi thu hoạch mùa vụ, (4) nhà băng (ngân hàng): vay vốn sản xuất đầu vụ hoặc chi tiêu gia đình và trả nợ cuối vụ.
Do vậy, khi giá vật tư lên cao và giá sinh hoạt tăng, mặc dù giá lúa có tăng, nhưng nông dân dẫn bị khó khăn về thu nhập.
Cách đây khoảng 10 năm, nông dân có thói quen ví lúa, lấy lúa chà gạo để ăn từ từ, hoặc đợi giá lên mới bán lúa ra thị trường. Nông dân và cộng đồng đã tự duy trì khả năng tình trạng an ninh lương thực tại nhà mình, tại địa phương mình.
Nhưng tập quán này không còn nữa chỉ vì bị “4 nhà” vây chung quanh mình và để tránh tình trạng tăng chi phí nên bán lúa tươi là thượng sách và yên tâm mua lại gạo để ăn hàng ngày. Nhưng chỉ cần hai hôm bị “sốc” nông dân hiểu ra rằng kiểu này, có khi người trồng lúa phải bỏ ra số tiền rất lớn để mua gạo.
An ninh lương thực ở cấp hộ và cộng đồng nông thôn đã rơi vào trạng thái tâm lý bất an. Nhà nước phải có giải pháp mạnh về “chống đầu cơ lương thực” và ngay từ bây giờ phải có biện pháp ổn định chứ không chỉ trấn an. Chỉ cần hai ngày lên cơn sốt gạo, người nông thôn nhận ra được bài học mà hàng chục năm nay họ chưa bao giờ ngờ tới: dân trồng lúa không đủ tiền mua gạo.
TS. Nguyễn Văn Sánh
Báo SGTT