Đừng để "dính bẫy" ở châu Phi
(Dân trí) - Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) cảnh báo, đã xảy ra hiện tượng doanh nghiệp châu Phi lừa tiền đặt cọc của nhà nhập khẩu Việt Nam và không chịu giao hàng.
Không ít doanh nghiệp Việt vì cả tin, hám lợi đã mắc bẫy kinh doanh với các đối tác châu Phi
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Trước đó, năm 2012, Bộ Công thương cũng đã dẫn chứng một loạt các trường hợp doanh nghiệp Việt Nam bị lựa đảo do tâm lý chủ quan, hám lợi, nghiệp vụ ngoại thương hạn chế.
Để tránh những rủi ro và tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại thị trường châu Phi, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á lưu ý, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các đoàn nghiên cứu chính sách, khảo sát thị trường do Bộ Công Thương và các cơ quan xúc tiến thương mại tổ chức; tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế tổ chức tại mỗi nước và các cuộc hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp song phương.
Song song với đó, các doanh nghiệp cũng được khuyến nghị nên chủ động tìm kiếm thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh trên các trang web chính thức như trang www.vietnamexport.com, trang www.moit.gov.vn của Bộ Công Thương Việt Nam, qua Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) cũng như các Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam châu Phi như Angieri, Ai Cập, Maroc, Nam Phi, Nigeria. Hạn chế việc tìm kiếm và giao dịch với khách hàng qua các trang mạng internet.
Liên quan đến vấn đề thanh toán xuất nhập khẩu, Bộ Công thương lưu ý, doanh nghiệp nên đề nghị đối tác sử dụng L/C không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín, đồng thời hạn chế cho khách hàng trả chậm. Tuyệt đối không nên sử dụng hình thức thanh toán D/A (Document Acceptance - nhờ thu chấp nhận chứng từ) đối với các khách hàng ở Châu Phi bởi một khi khách hàng đề nghị hình thức thanh toán này, rất có thể doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị mất hàng.
Nếu sử dụng hình thức thanh toán D/P, doanh nghiệp Việt Nam cần phải kèm theo điều khoản tiền đặt cọc (deposit). Tùy từng mặt hàng, doanh ghiệp cần đưa ra các mức % deposit để bảo đảm an toàn cho các đơn hàng của mình (tốt nhất là 30% trở lên).
Về nhập khẩu hàng từ châu Phi, doanh nghiệp cần tiến hành kiểm định hàng hóa thông qua tổ chức giám định quốc tế có uy tín tại nước sở tại trước khi đưa hàng lên tàu (qua các công ty như Bitec International SA, Văn phòng Veritas). Doanh nghiệp Việt Nam nên cố gắng đàm phán với nhà cung cấp để không phải đặt cọc tiền hoặc đặt cọc tối thiểu. Đối với những đơn hàng đầu tiên, chỉ nên mua với khối lượng nhỏ.
Khi đàm phán và ký kết hợp đồng với đối tác châu Phi, các doanh nghiệp nên lựa chọn những phương thức giao hàng, thanh toán an toàn, có lợi về mình, để tránh trường hợp nhà nhập khẩu không nhận hàng nhằm ép giảm giá. Hợp đồng phải quy định rõ cơ quan giải quyết tranh chấp (trọng tài hay tòa án) để làm cơ sở cho việc giải quyết khi tranh chấp phát sinh.
Nhập khẩu từ châu Phi tăng 30% trong nửa đầu năm Châu Phi là một thị trường cung cấp các loại nguyên liệu đầu vào quan trọng cho Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt 742,7 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2013. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ khu vực này vẫn là hạt điều, bông, gỗ và sắt thép phế liệu, kim loại. Bên cạnh đó, Việt Nam nhập khẩu trở lại mặt hàng khí đốt hóa lỏng từ Angola và Nigeria, sản phẩm đá quý và kim loại quý từ Maurtitus, thức ăn gia súc và nguyên liệu từ Tanzania. Thị trường có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất là Bờ Biển Ngà (Côte d’Ivoire), đạt giá trị 100 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2013. Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm hạt điều (65 triệu USD), bông (31,8 triệu USD), gỗ và sản phẩm gỗ (1 triệu USD). |
Bích Diệp