Đua thẻ ATM

VCB quyết hoàn thành sớm mục tiêu phát hành 1 triệu thẻ Connect24 ngay trong tháng 9. Agribank ấp ủ tham vọng "phủ sóng" ATM trên toàn quốc với chiêu miễn phí, thậm chí giao định mức mở thẻ cho từng nhân viên. ICB cũng đang lẳng lặng để đi tới đích 200.000 thẻ vào cuối năm nay.

Chương trình khuyến mãi dịp 30/4 tiến hành ở các tỉnh thành ngoài TPHCM và Hà Nội đã mang về cho Ngân hàng Ngoại thương (VCB) thêm 100.000 thẻ, nâng tổng phát hành trên toàn quốc lên con số 700.000. Trưởng phòng Quản lý thẻ VCB Nguyễn Tú Anh tiết lộ đang lên kế hoạch chào đón khách hàng thứ 1 triệu trong tháng 9, hoặc chậm lắm là tháng 10. Với đà tăng trưởng như hiện nay, con số 1,2 triệu khách hàng hoàn toàn nằm trong tầm ngắm của "đại gia" thẻ này.

 

Không giấu tham vọng tiếp tục chiếm lĩnh thị trường, bà Tú Anh cho biết VCB sẽ giảm phí mở thẻ tới 70% đối với các khách hàng ở ngoài Hà Nội và TPHCM. Khách còn được tặng kèm thẻ bảo hiểm hay hưởng lãi suất ưu đãi trong 3 tháng đầu sau khi mở tài khoản. Một sản phẩm độc đáo cũng sớm được tung ra là dịch vụ đầu tư tự động, khi số dư trong tài khoản đạt một ngưỡng nào đó khách hàng có thể uỷ quyền cho ngân hàng tự động chuyển sang hình thức đầu tư khác có lợi hơn. Trong lúc này, VCB đã kết nối thành công với VMS Mobifone để tiến tới thu cước điện thoại di động qua ATM ở TP HCM và Hà Nội trong nay mai. Dịch vụ nạp tiền vào tài khoản qua ATM cũng đang được chạy thử, chỉ chờ ngày thực hiện.

 

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng đang tăng tốc để phát triển mảng dịch vụ bán lẻ đầy tiềm năng này trên diện rộng. Agribank đang nắm trong tay 165.000 thẻ, chưa kể số tăng thêm sau chương trình khuyến mãi mừng 30 năm thống nhất đất nước. Chính sách miễn phí, sự linh hoạt trong khâu tiếp thị của một số chi nhánh (có nơi giao định mức mỗi nhân viên phải mời được 100 chủ thẻ mới) đã mang về hơn 30.000 khách hàng mới cho Agribank sau một tháng tiến hành khuyến mãi.

 

Với số thẻ phát hành thêm trong 4 tháng đầu năm, Ngân hàng Công thương (ICB) đang có trong tay tròn 100.000 thẻ. Trưởng phòng Thẻ và Dịch vụ ngân hàng điện tử Dương Quang Khánh tỏ ra dè dặt khi nói về chiến lược phát triển mảng thị trường thẻ thời gian tới, tuy nhiên cũng không giấu tham vọng đạt được con số 200.000 trong năm nay. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kín tiếng hơn cả và hiện mới đạt con số hơn 76.000 thẻ.

 

Đi đôi với chiến dịch mời gọi thêm khách hàng mới, các ngân hàng cũng tiếp tục đầu tư mạnh cho hạ tầng cơ sở, nhập thêm máy móc. ICB đang vận hành 135 máy ATM, dự kiến sẽ nâng lên 200 vào cuối năm. VCB có khoảng 400 máy ATM và chuẩn bị đầu tư thêm để đạt con số hơn 800 máy với 12 ngân hàng cùng liên kết. Agribank cũng sẽ phủ sóng toàn quốc với 600 máy vào cuối năm nay, so với hơn 200 máy hiện nay.

 

"Vào thời điểm cách đây một năm, không ai có thể ngờ thị trường thẻ Việt Nam phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Nếu như năm ngoái, sự cạnh tranh giữa các nhà băng bắt đầu sôi động thì sang năm nay, khi mà Hiệp định Thương mại Việt Mỹ chuẩn bị có hiệu lực với lĩnh vực ngân hàng, sự cạnh tranh đó sẽ càng quyết liệt hơn nhằm chiếm lĩnh thị phần", ông Nguyễn Minh Phương nhận định.

 

Thực tế thì số lượng gần 800 máy ATM hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày một tăng trong dân cư. Tỷ lệ bình quân ATM trên đầu người dân thành thị hiện chỉ là 1 ATM/26.000 người. Trong khi đó, gần 10 triệu dân đang làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Việt Nam có khả năng trở thành khách hàng của các loại thẻ ghi nợ hoặc trả trước trong tương lai gần. Những con số thống kê cho thấy, tiềm năng thị trường thẻ Việt Nam nói chung và thẻ ATM nói riêng vẫn còn rất lớn, và các nhà băng mới khai phá một phần rất nhỏ của cả mảnh đất màu mỡ này.

 

Ông Phương thừa nhận sự cạnh tranh giữa các ngân hàng là có, song chưa đến mức phải giành giật khách hàng của nhau. "Khách hàng mua thẻ không phải chỉ dùng một lần mà để hưởng thụ những tiện ích của nó mãi về sau. Vì vậy, điều quan trọng hơn hết là những dịch vụ giá trị gia tăng mà ngân hàng cung cấp. Hơn nữa, khách của ngân hàng A, vốn chỉ có vài ATM, sẽ sẵn sàng chuyển sang dùng thẻ của ngân hàng B nếu nhà băng này lắp đặt máy rút tiền ở khắp mọi nơi và tiện dụng cho khách", ông Phương lý giải cho kế hoạch đầu tư tổng lực vào hệ thống ATM mà Agribank đang theo đuổi. Hơn nữa, theo ông Phương, khi Trung tâm Chuyển mạch Tài chính quốc gia (BankNet) đi vào hoạt động, thành viên nào có nhiều máy hơn, nhiều thẻ hơn sẽ thu nhiều lợi nhuận hơn.

 

Để chạy đua phát triển dịch vụ, một số nhà băng đang thiên về hướng cạnh tranh bằng phí, thậm chí áp dụng những chiêu khuyến mãi có thể làm tổn hại đến các đối thủ cạnh tranh khác. "Giá một chiếc thẻ không lớn, nhưng chi phí dành cho quản lý, vận hành hệ thống và dịch vụ khách hàng lại không nhỏ. Trong kinh doanh dịch vụ, giá đã giảm thì khó có thể tăng trở lại. Do đó, cạnh tranh về phí sẽ không có lợi cho chính ngân hàng và cho sự phát triển bền vững của thị trường nói chung", cán bộ phụ trách về thẻ của một ngân hàng quốc doanh lo ngại. Theo vị cán bộ này, vào giai đoạn mới tung sản phẩm ra thị trường, các ngân hàng có thể áp dụng chiêu thức cạnh tranh về giá, song cũng không nên quá lạm dụng.

 

Sự phát triển quá nhanh về số lượng thẻ phát hành cũng không phải là thành tích mà các ngân hàng trông đợi và đánh giá cao. ICB là một cổ đông sáng lập của BankNet. Hiện BankNet chưa ấn định tỷ lệ phân chia phí giao dịch thu được, nhưng theo mô hình của Trung Quốc, đơn vị phát hành thẻ sẽ được hưởng tỷ lệ lớn nhất. Vì vậy, ông Dương Quang Khánh, Trưởng phòng Thẻ và Dịch vụ ngân hàng điện tử ICB, cho rằng khi tham gia BankNet, ngân hàng nào có nhiều thẻ sẽ có lợi hơn.

 

Sau hơn 3 năm triển khai dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, đến nay có khoảng 20 ngân hàng thương mại thực hiện nghiệp vụ phát hành và thanh toán thẻ, với tốc độ phát triển khoảng 200% mỗi năm. Trong tổng số 1,3 triệu tài khoản cá nhân hiện nay, gần một nửa đã sử dụng thẻ, với số dư khoảng 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Trần Thu Hà, Chủ tịch Hiệp hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, thẻ vẫn chỉ được sử dụng chủ yếu tại ATM để rút tiền mặt. Hệ thống thanh toán tự động chưa quy về một mối nên hầu hết thẻ của các ngân hàng khác nhau không dùng được ở máy của nhau, ngoại trừ những đơn vị trong cùng liên minh. Số lượng điểm chấp nhận thẻ chưa phát triển kịp theo tốc độ phát hành thẻ, khiến một số hệ thống ATM đã có biểu hiện quá tải vào những thời gian cao điểm.

 

Việc tổ chức dịch vụ hệ thống như tiếp quỹ, hoá đơn, xử lý sự cố cũng là một bài toán nan giải khi hệ thống ATM phát triển rộng. Đó là chưa kể tới mối lo tội phạm thẻ đang ngày một gia tăng, tạo áp lực lớn với công tác quản trị rủi ro của ngân hàng.

 

Theo Song Linh

Vnexpress