Đua nhau giảm giá: Cửa cuối cùng cho bất động sản

Không còn hy vọng về các gói giải cứu và sức chống đỡ cũng đã đến hồi cạn kiệt, các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) dường như đang có những bước chuyển biến thực sự trong tư duy. Giảm giá là giải pháp sống còn trong thời điểm hiện tại.

Cao cấp tới bình dân đồng loạt giảm giá

 

Thông tin từ các nhà đầu tư trên sàn giao dịch Hòa Phát Land cho biết, sáng 16/10 dự án Mandarin Garden sẽ chào bán quy mô lớn đợt 2 với mức giá thấp hơn nhiều so với đợt trước đó thông qua hình thức giao nhà xây thô. Theo đó, giá căn hộ Mandarin Garden giảm xuống còn 28 triệu đồng/m2. Và có lẽ đây sẽ lại là một cú “sốc” lớn đối với thị trường BĐS ở mảng BĐS cao cấp, sau vụ hạ giá xuống 10 triệu/m2 tại dự án Đại Thanh ở mảng BĐS bình dân.

 

Có thể nói, mức giá 28 triệu đồng/m2 là 1 bước đột phá ở phân khúc cao cấp - vốn  đã 1 thời đứng vững ở mức 2.000 - 3.000 USD/m2.

 

Cũng ở mảng cao cấp, chủ đầu tư Dự án Golden Land cũng mở bán căn hộ với 3 loại giá khác nhau, dao dộng từ 22,7-27 triệu đồng/m2 (so với mức giá cũ 34 triệu đồng/m2) tùy theo hình thức giao nhà xây thô, nội thất cơ bản hay nội thất cao cấp.

 

Ở mảng bình dân, Xí nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 Lai Châu tuần vừa qua đã gây náo động thị trường với thông tin giảm mạnh giá căn hộ trong tổ hợp chung cư Đại Thanh (nằm trên đường 70, ngã tư cầu Tó, quận Hà Đông - ngoại thành Hà Nội) xuống chỉ còn 10 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT), thấp hơn cả nhà ở thu nhập thấp mà nhiều dự án trên địa bàn Hà Nội đã bán.

 

Trên thực tế, doanh nghiệp này không áp dụng mức giá nói trên với tất cả các căn hộ, mà chỉ với các căn hộ 1 phòng ngủ loại diện tích 36m2, 38,4m2 và 47,3m2 khu CT10, và các căn còn lại tầng 30-31 CT8 chung cư Đại Thanh, nhưng động thái này đã thực sự thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, khách hàng.

 

Cũng chính Xí nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 Lai Châu hồi tuần đầu tháng 9 đã quyết định giảm thêm giá bán chung cư VP3 Linh Đàm (quân Hoàng Mai) thêm 3 triệu đồng/m2, nâng tổng số tiền giảm qua 2 đợt lên tổng cộng 10 triệu đồng/m2. Như vậy, mức giá căn hộ hiện tại còn 22 - 23 triệu đồng/m2.

 

Trước đó, sáng 2/10, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã chính thức cho mở cửa căn hộ mẫu dự án Thanh Bình nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, TPHCM cho khách hàng tham quan để chuẩn bị chào bán ra thị trường.

 

Theo đó, Hoàng Anh Gia Lai sẽ bán “phá giá” 620 căn hộ với giá trung bình từ khoảng gần 20 triệu đồng/m2 trở lên (giao nhà thô và chưa thuế giá trị gia tăng), đúng như bầu Đức đã tuyên bố tại đại hội cổ đông thường niên năm 2012, tổ chức cuối tháng 4 vừa qua. Theo đó, mức giá nói trên chỉ bằng khoảng 50% so với các dự án có cùng vị trí. Dự án Thanh Bình nằm cách quận 1 khoảng 1,5km, nơi mà 1 số dự án có mức giá khoảng trên 30 triệu đồng/m2.
 
Đua nhau giảm giá: Cửa cuối cùng cho bất động sản

 

Trong 1 động thái mới nhất, Hiệp hội BĐS Việt Nam và CLB Bất động sản Hà Nội cũng vừa cho biết, 2 đơn vị này sẽ tổ chức 1 phiên chợ BĐS với sự tham giá của 50 dự án BĐS bán ưu đãi vào ngày 19-21/10 sắp tới tại Hà Nội.

 

Mức giá các sản phẩm được chào bán dao động từ 14-25 triệu đồng/m2 cùng với nhiều ưu đãi được khoảng 30 chủ dự án như Vinaconex, Viglacera, Hanco9, Hải Phát, Hồng Hạc Đại Lải (với các dự án như Berriver Long Biên, Flamingo Đại Lải, The Pride)… cùng phối hợp với các ngân hàng như Seabank, Bưu điện Liên Việt, Maritime Bank đưa ra.

 

Những diễn biến trên cho thấy 1 tín hiệu nữa cho thấy các đơn vị trong lĩnh vực này đang nỗ lực thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh thị trường BĐS đang ở thời điểm khó khăn nhất từ trước tới nay. Các chủ đầu tư buộc phải điều chỉnh lại giá bán, không còn dám cố thủ với lòng tham lợi nhuận cao, thậm chí chấp nhận thua lỗ.

 

Giảm giá chưa chắc đã bán được

 

Đúng như dự đoán của nhiều chuyên gia, giá BĐS sản đang giảm mạnh. Động thái đồng loạt giảm giá của 1 số doanh nghiệp BĐS từ Bắc chí Nam gần đây tiếp tục rấy lên 1 niềm tin là làn sóng hạ giá căn hộ thực sự đang diễn ra và có thể còn kéo dài. Điều này dường như không bất ngờ đối với những người làm trong lĩnh vực xây dựng.

 

Giám đốc 1 doanh nghiệp chuyên cung cấp cần cẩu hạng vừa cho các công trình xây dựng tại khu vực miền Bắc cho biết,  trong 6 tháng qua ông không ký được thêm 1 hợp đồng cung cấp cần cẩu nào cho các dự án xây dựng tại Hà Nội nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung.

 

“Hồi đầu năm, công ty bất ngờ ký được vài hợp đồng. Khi đó, 1 số doanh nghiệp BĐS còn tí tia hy vọng về tác dụng của các chính sách hỗ trợ hoặc còn tin rằng thị trường sẽ sớm tan băng. Họ vùng vẫy tìm tiền để tiếp tục triển khai các dự án của mình. Nhưng cũng ngay sau đó, bước vào đầu quý II, và cho tới bây giờ, tất cả đều đã trở lại tình trạng bất động. Đi dọc đường Lê Văn Lương kéo dài, có thể thấy ngay, chỉ còn vài dự án đang thi công một cách nhỏ giọt”, ông giám đốc chia sẻ.

 

Theo vị này, việc các doanh nghiệp BĐS giảm giá và sẽ tiếp tục giảm giá là tất yếu bởi sức chịu đựng của các chủ đầu tư đều đã không còn. Việc cố tình trì hoãn không giảm giá cũng không còn được bao lâu bởi với các khoản nợ cho mỗi dự án khoảng vài trăm tỷ thì lãi vài chục tỷ/tháng thì doanh nghiệp không thể chịu nổi.

 

Theo tính toán của một chuyên gia tài chính, trước đây, khi thị trường sôi động, có những dự án găm hàng, không bán ra ồ ạt mà bán nhỏ giọt, trước tiên cho cán bộ nhân viên trong đơn vị, với giá 2.000, và trên 2.000 USD/m2, thì nay đều rơi vào bế tắc. Cho dù đã xây được gần 10 tầng nhưng giờ xây tiếp cũng khó mà để đấy thì khoản vay 500-600 tỷ đồng sẽ khiến họ chết chìm vì lãi. Khả năng giảm giá là không tránh khỏi, trừ trường hợp chấp nhận phá sản, chịu tội, đẩy nợ cho ngân hàng”.

 

Trong khi đó, các dự án khởi công mới không giảm giá cũng sẽ không có người mua bởi tình trạng chung hiện nay là thị trường còn rất ít người dám đầu cơ BĐS và cũng không có nhiều người có nhu cầu sẵn sàng bỏ tiền ra mua nếu giá không thực sự thấp.

 

Trở lại trường hợp dự án Đại Thanh. Còn nhớ, trước khi quyết định giảm giá xuống 10 triệu đồng/m2, dự án này đã có 1 đợt giảm khá mạnh từ 14 - 14,7 triệu đồng/m2 xuống 13 triệu đồng/m2. Khi đó, thực sự cũng đã có nhiều người dân có nhu cầu, thậm chí dân đầu cơ cũng đã tham gia mua.

 

Tuy nhiên, giao dịch đã không nhiều như thông tin nhiều người nhận được. Việc tiếp tục giảm giá mạnh về 10 triệu đồng/m2 đã phần nào cho thấy doanh nghiệp đang nỗ lực “đẩy hàng” và sức mua thực sự không cao như mọi người nghĩ.

 

Cú hạ giá xuống 10 triệu đồng/m2 cho khách hàng mới của Đại Thanh có thể khiến chủ đầu tư bán được nhiều hàng đợt này. Và rõ ràng, đây cũng là áp lực đối với các doanh nghiệp BĐS khác trong việc buộc phải hạ giá sản phẩm của mình. Với sự hụt hẫng của những người mua trước đó, tâm lý chờ đợi các dự án khác “giảm thực sự” sẽ lại tăng lên.

 

Việc giảm giá và xu hướng bán tháo căn hộ gần đây, theo nhiều chuyên gia, là điều hết sức bình thường. Trong bối cảnh các ngân hàng vẫn đang quay cuồng với đống nợ xấu cao ngất, tiếp tục siết chặt cho vay BĐS thì chuyện doanh nghiệp BĐS níu giữ giá cao, để lãi nhiều sẽ không thể kéo dài được lâu. Thị trường sẽ buộc giá các sản phẩm BĐS trở về đúng với quy luật cung cầu.

 

Theo Huấn Tú

VEF