Đua nhau đổ tiền vào đất nền, mua vàng cất két: Huy động vốn trong dân cách nào?
(Dân trí) - Ông Đỗ Văn Sinh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng muốn huy động tốt nguồn lực trong dân, đưa tiền, vàng găm giữ... vào kinh doanh sản xuất phải có một chính sách đồng bộ.
Nhân dịp đầu năm mới Canh Tý 2020, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có cuộc trò chuyện với PV Dân trí:
Năm 2019 kết thúc. Nhìn lại một năm đã qua, ông có nhận định gì về những nỗ lực trên phương diện kinh tế mà chúng ta đã đạt được? Còn điểm gì cần lưu ý thưa ông?
Về tổng quan, Việt Nam được đánh giá rất tích cực trên nhiều phương diện cả kinh tế, xã hội. Chúng ta nằm trong top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực và cả trên thế giới. Chính trị đất nước ổn định, môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện.
Không thể phủ nhận trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam 2019 với nhiều thành tựu đạt được hứa hẹn triển vọng tích cực trong những năm tới.
Tuy nhiên thời gian qua, đâu đó các doanh nghiệp vẫn còn phải than chuyện thủ tục rườm rà, nhũng nhiễu, phải bôi trơn… Những vấn đề này cần được nỗ lực, rốt ráo xử lý hơn nữa trong thời gian tới. Doanh nghiệp có mạnh, quốc gia mới hùng cường.
Như ông có đề cập tới hai chữ “hùng cường”. Vì một Việt Nam hùng cường, một chuyên gia đã từng phát biểu “đừng chỉ nhìn tấm áo vest của doanh nhân, đằng sau đó là mồ hôi, nước mắt để giành tấm huy chương kinh tế”. Ông nghĩ sao về vai trò của họ trong tiến trình tiến tới mục tiêu hùng cường?
Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Chúng ta đều đồng nhất quan điểm như vậy. Không ai có thể phủ nhận vai trò của họ trên con đường trở thành một quốc gia phát triển. Tuy nhiên như tôi đã đề cập, còn nhiều điểm nghẽn cần xóa bỏ để kinh tế tư nhân có thể phát huy tiềm năng, thực hiện được sứ mệnh của mình.
Không chỉ sự nỗ lực từ phía cơ quan quản lý, bản thân doanh nghiệp cũng luôn phải nỗ lực. Họ đứng trước sự tồn tại và phát triển. Điều tôi muốn lưu ý nhất là trong quá trình đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cố gắng chọn công nghệ tiên tiến, đi tắt đón đầu.
Tiếp đến là tìm được thế mạnh của mình. Cái này cơ quan quản lý không làm thay được. Nhưng tất nhiên muốn doanh nghiệp có thể phát huy, phát triển thì rõ ràng với vai trò quản lý, Nhà nước phải tạo khuôn khổ pháp lý thực sự thông thoáng cho họ. Phải hành động, phải làm thật thiết thực, đừng chỉ hô hào khẩu hiệu.
Lãi suất còn quá cao, cần có chính sách đồng bộ để khơi thông nguồn lực
Điều gì khiến ông cảm thấy trăn trở trong nỗ lực xây dựng một hệ thống doanh nghiệp phát triển với nhiều doanh nghiệp mạnh, có sức cạnh tranh hiện nay thưa ông?
Chúng ta ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì môi trường chính trị xã hội ổn định… Đó là những nền tảng quan trọng cho sự phát triển doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có một vấn đề khiến tôi trăn trở, đó là vấn đề lãi suất. Lãi suất chúng ta còn quá cao, doanh nghiệp trong nước đang phải gánh chi phí vốn vay cao hơn các nước khác. Điều này làm giảm tính cạnh tranh.
Lãi suất của nhiều nước trên thế giới chỉ tầm 2-3%, ở Việt Nam dao động quanh mức 10%. Nếu chúng ta không hạ được lãi suất, doanh nghiệp sẽ còn khó khăn.
Trong khi đó, người dân có tiền thì cứ gửi vào ngân hàng lấy lãi cao, không cần phải đầu tư kinh doanh gì. Tuy nhiên muốn hạ lãi suất không hề đơn giản, phải có chính sách tổng thể, đồng bộ.
Tâm lý nhiều người dân vẫn thích cất giữ tiền, mua vàng cất trong két hoặc găm giữ đất nền. Việc huy động nguồn lực trong dân được bàn đến rất nhiều, bởi không thúc đẩy đầu tư, thì mục tiêu năm 2045 Việt Nam thành nước phát triển sẽ gặp nhiều trở ngại. Ông nghĩ sao về câu chuyện này?
Muốn huy động tốt nguồn lực trong dân, đưa tiền, vàng găm giữ vào sản xuất phải có một chính sách đồng bộ. Trong đó, giảm lãi suất là một giải pháp.
Thông thường các nước khác dựa trên hai kênh để huy động, trong đó chỉ thông qua thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu...) mang lại hiệu quả. Rất mừng Quốc hội đã thông qua Luật chứng khoán sửa đổi. Có chính sách đồng bộ, thị trường lành mạnh, minh bạch sẽ thu hút tốt nguồn vốn.
Trái phiếu doanh nghiệp năm 2019 rất phát triển, tuy nhiên còn rất nhỏ so với lượng tiền còn có thể huy động trong dân. Cần có chính sách đồng bộ để khơi thông.
Riêng về việc găm giữ đất nền quá nhiều, sắp tới sửa Luật đất đai cũng phải tính đến chuyện đó. Nhiều chuyên gia tính tới việc sử dụng thuế để hạn chế đầu cơ. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một trong những nội dung được bàn tới, bước đi như thế nào phải tính toán, thích hợp để tạo sự đồng thuận.
Rõ ràng có câu chuyện người ta kiếm được số tiền rất lớn từ đất nền, nhưng xét về mặt kinh tế thì không mang lại lợi ích. Tài sản đó đọng lại, không phát huy, phục vụ kinh tế.
Bao nhiêu bất động sản để hoang rất lãng phí, trong khi đó, đáng lẽ nếu huy động để phục vụ phát triển kinh tế xã hội thì mới phát huy được hiệu quả.
Nhưng cũng phải nói thêm rằng, khi kinh doanh kém hiệu quả, môi trường không thuận lợi… thì dễ có tâm lý găm giữ tài sản cho chắc thay vì đầu tư không hiệu quả.
Do vậy, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tạo môi trường thông thoáng kinh doanh, xây dựng thể chế tốt để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả là cách huy động vốn trong dân hiệu quả.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Nguyễn Mạnh (ghi)