Dự trữ ngoại tệ ít là “nút thắt” trong nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc
(Dân trí) - Mặc dù hiện nay Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc, nhưng dự trữ ngoại tệ ít đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động này.
Đó là nhận định của ông Hoàng Chí Bằng, trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam, tại buổi tọa đàm với các doanh nghiệp Đài Loan tại Hà Nội ngày 18/4.
Ông Bằng nói thêm, bên cạnh những hạn chế như: thời gian giải phóng mặt bằng kéo dài, hay xảy ra tranh chấp làm ảnh hưởng tiến độ dự án; công nghiệp phụ trợ chưa phát triển; phụ thuộc nhập khẩu máy móc và phụ kiện; thì tình trạng cắt điện thường xuyên đang là một cản trở khi đầu tư ở Việt Nam.
"Chính phủ Việt Nam muốn duy trì giá điện thấp để bảo vệ các nhà đầu tư, nhưng chính vì giá điện thấp nên đã dẫn đến không đảm bảo nguồn cung điện và không đảm bảo đầu tư cho các dự án điện, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư ở Việt Nam", ông nói.
Bên cạnh những hạn chế ngắn hạn như vậy, theo ông Bằng, xét về lâu dài, Việt Nam vẫn là thị trường kinh doanh và đầu tư tiềm năng, thậm chí còn hấp dẫn hơn Trung Quốc. Do vậy, các doanh nghiệp Đài Loan "nên đẩy mạnh đầu tư và mở rộng thị trường tại Việt Nam trong các năm tới".
Đoàn "Hiệp hội doanh nghiệp xuất nhập khẩu thành phố Đài Bắc" gồm 40 người, dưới sự dẫn đầu của ông Lưu Quốc Chiêu, chủ tịch Hiệp hội, đang thực hiện chuyến thăm kéo dài 7 ngày để tìm hiểu môi trường kinh doanh và cơ hội hợp tác tại Việt Nam.
Theo ông Bằng, năm 2010, thương mại Việt Nam-Đài Loan đạt kim ngạch 8,419 tỷ đô la Mỹ, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Đài Loan đạt 1,442 tỷ đô la Mỹ và Việt Nam nhập khẩu hàng hóa trị giá 6,976 tỷ đô la Mỹ từ Đài Loan. Cũng trong năm 2010, Đài Loan là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 13 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam.
Đài Loan chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm như: vải vóc, máy móc và phụ kiện, xăng dầu, gang thép, và nhựa sang Việt Nam. Trong khi đó, các sản phẩm chính mà Đài Loan nhập khẩu từ Việt Nam gồm: dệt may, gạo, cao su, thủy hải sản, và máy móc và phụ kiện.
Các doanh nghiệp Đài Loan chủ yếu đầu tư ở khu vực miền nam Việt Nam như: Đồng Nai, Tp. HCM và Bình Dương, tập trung vào các lĩnh vực như: chế tạo phương tiện giao thông, điện tử, xi măng, dệt may, thực phẩm, nông-lâm-ngư nghiệp, cơ khí, cao su, đồ gỗ, dày dép, và dịch vụ, vv… gần đây có đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Các dự án lớn có tổng vốn đầu tư từ 500 triệu đô la trở lên bao gồm: Chinfon, Vedan, Formosa, CT&D, Compal, Foxcom.
Thảo Nguyên