Dự thảo khung giá mới: Giá nước sẽ tăng gần 4 lần?

Bộ Tài chính đang xây dựng khung giá bán nước sạch. Theo đó tại Hà Nội, TP.HCM tối đa là 18.000 đồng/m3 (gấp gần 4 lần giá phổ biến hiện hành), riêng vùng ven biển tối đa 23.400 đồng/m3.

Tuy nhiên, TP.HCM cho biết tăng theo lộ trình, đến năm 2013 cao nhất là 11.400 đồng/m3 (chưa tính thuế, phí), còn Hà Nội khẳng định chưa có chủ trương tăng giá nước.

 

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo thông tư về việc ban hành khung giá nước sạch sinh hoạt, với mức giá nước sạch cao nhất lên tới 23.400 đồng/m3.
 
Dự thảo khung giá mới: Giá nước sẽ tăng gần 4 lần? - 1
Theo dự thảo, khung giá nước tại vùng nông thôn từ 2.000-11.000 đồng/m3.

 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết: Đây chưa phải là mức chính thức. Bộ Tài chính đang tiếp nhận đóng góp ý kiến của tổ chức, cá nhân. Theo dự thảo thông tư, mức giá tối thiểu ở khu vực đô thị loại 1, đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP.HCM... là 3.500 đồng/m3 và tối đa 18.000 đồng/m3. Đô thị loại 2, 3, 4, 5 từ 3.000-15.000 đồng/m3. Còn khu vực nông thôn là 2.000 - 11.000 đồng/m3.

 

Ở những nơi như vùng ngập mặn, vùng ven biển... nơi người dân đi mua từng gánh nước ngọt thì chi phí để dẫn nước về đến tận hộ là rất cao. Do vậy, giá nước có thể tăng nhưng không vượt quá 30% mức giá tối đa khung giá tiêu thụ nước sạch, tương ứng là 23.400 đồng/m3.

 

Các mức này dựa trên đề xuất của các đơn vị cung cấp nước sạch, của sở tài chính, sở xây dựng... Nguyên tắc xác định giá nước sạch là phải được tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất hợp lý, giá thành toàn bộ trong quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ.

 

Phải nói rõ hơn là chi phí đầu vào cho sản xuất nước sạch luôn tăng. Như hóa chất, lương, các thiết bị khác cũng đều tăng. Đặc biệt, điện chiếm gần 40% trong tổng chi phí sản xuất nước thì năm nay tăng tới 15,28%. Nên giá nước tăng cũng là điều khó tránh khỏi.

Tiến sĩ Hồ Ngọc Hải (chủ tịch Hội Vệ sinh nước sạch và môi trường VN): Cần phải giảm tỉ lệ thất thoát xuống theo lộ trình. Nếu DN nào không giảm được theo mức cam kết thì sẽ không cho tăng giá. Vì theo chính sách quản lý giá nước, Nhà nước sẽ xóa dần bao cấp với mặt hàng này. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách để đảm bảo quyền lợi của người dân. Chứ không thể để tình trạng DN càng kinh doanh, tỉ lệ thất thoát càng lớn và càng thua lỗ. Như thế Nhà nước quá nuông chiều DN.

Như vậy, có thể hiểu giá nước sẽ tăng rất cao trong thời gian tới?

 

Tăng hay không và mức bao nhiêu là thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định theo đề xuất của đơn vị cung cấp nước sạch. Để quyết mức tăng thì sở tài chính, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn và sở xây dựng sẽ thẩm định và phê duyệt. Song mức điều chỉnh sẽ căn cứ vào điều kiện và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương cũng như sự biến động giá cả chung của cả nước.

Bộ Tài chính chỉ ban hành khung giá tối thiểu và tối đa để các địa phương tính toán. Còn đặt trong bối cảnh chúng ta đang tập trung kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội thì khó có chuyện giá nước sẽ tăng mạnh đến mức kịch trần như trong dự thảo đưa ra.

Giá nước luôn tăng trong khi nhiều doanh nghiệp cung cấp nước sạch luôn than lỗ. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

 

Như tôi nói ở trên, chi phí sản xuất nước luôn tăng. Còn việc các doanh nghiệp (DN) kêu lỗ thì hiện chúng ta đã cố gắng đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng và DN. DN muốn có lãi thì phải tái đầu tư để giảm tỉ lệ thất thoát, hao hụt xuống.

 

Hiện ba bộ Tài chính, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Xây dựng đã hoàn thiện dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá nước. Để giá nước điều chỉnh hợp lý, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng thì tỉ lệ hao hụt, thất thoát nước phải được giảm dần theo lộ trình.
 
Dự thảo khung giá mới: Giá nước sẽ tăng gần 4 lần? - 2
Người tiêu dùng đang phải chi trả cho cả khoản nước bị thất thoát.

 

Sắp tới, dự kiến tỉ lệ hao hụt sẽ được giảm xuống 2% so với quy định hiện nay. Cụ thể, đối với mạng cấp nước đã sử dụng dưới 10 năm chỉ được tính hao hụt không quá 23%, mạng cấp nước trên 10 năm là 32%, kinh doanh xen lẫn hai mạng cấp nước này thì tính chung mức 27%. Tuy nhiên, đây chỉ là mức tối đa được tính, còn UBND tỉnh thành sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể của DN để đưa ra tỉ lệ hao hụt.

Giá nước trong hai năm (từ 2009 đến nay) dao động đáng kể: các tỉnh miền Bắc 3.804-5.568 đồng/m3, các tỉnh miền Nam 3.883 - 6.827 đồng/m3, các tỉnh miền Trung 2.695-6.349 đồng/m3. Lợi nhuận doanh nghiệp đạt được: miền Bắc 4-4,4%/năm, miền Nam 4,1-12%/năm, miền Trung 1,7-5,8%/năm. (Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính)

Tỉ lệ hao hụt lên đến 32% là quá cao. Có hợp lý khi người dân phải thanh toán cho cả khoản nước bị thất thoát?

 

Thực tế có nhiều địa phương, tỉ lệ thất thoát nước sạch rất thấp, chỉ hơn 10% như Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, có những địa phương như Hà Nội, TP.HCM tỉ lệ này cao hơn nhiều, lên tới trên 35% do những đường ống được đưa vào sử dụng cách đây 30-40 năm. Để giảm thất thoát, hao hụt nước là rất khó khăn.

 

Bên cạnh đó, khi đi khảo sát mới thấy có những hộ dân mỗi ngày chỉ sử dụng khoảng một xô nước để ăn. Họ vặn nước nhỏ giọt đến mức kim đồng hồ không đủ lực để quay. Cái này sẽ tính vào đâu?

 

Trong hướng dẫn sắp tới, quy định tỉ lệ hao hụt phải được theo dõi tổng kết từ thực tế sản xuất kinh doanh và có các biện pháp quản lý chặt chẽ theo hướng giảm dần để đạt được tỉ lệ hao hụt mà Thủ tướng đã phê duyệt. Đó là đến năm 2015 tỉ lệ thất thoát nước sạch bình quân là 25%, đến năm 2020: 18%, đến năm 2025: 15%.

Để khuyến khích DN giảm tỉ lệ thất thoát, hao hụt nước sạch, Bộ Tài chính cho rằng đối với những đơn vị cung cấp nước sạch phấn đấu giảm tỉ lệ thất thoát xuống so với mức mà UBND tỉnh thành phê duyệt thì sẽ được sử dụng 100% số tiền thu được. Theo đó, 70% số tiền này sẽ dùng để tái đầu tư, còn 30% sung quỹ khen thưởng, phúc lợi của đơn vị cấp nước.

 

Hà Nội chưa có chủ trương tăng giá nước

 

Liên quan đến dự thảo thông tư về khung giá nước sạch đang được Bộ Tài chính hoàn thiện, trao đổi với PV, tổng giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội Nguyễn Như Hải cho rằng đây là một trong những giải pháp giảm bớt khó khăn cho đơn vị kinh doanh nước sạch.

 

Ông Hải cho biết hiện nay với khung giá nước sạch sinh hoạt đang áp dụng quy định mức tối đa không quá 12.000 đồng/m3 thì gần như không chỉ các đơn vị kinh doanh nước sạch của Hà Nội mà cả các doanh nghiệp nước sạch của các tỉnh đều gặp khó khăn chung.

 

Trong bối cảnh tất cả chi phí đầu vào sản xuất nước sạch đều tăng quá lớn, nhưng suốt mấy năm qua giá nước sạch của Hà Nội không được điều chỉnh. Bên cạnh đó bản thân đơn vị kinh doanh nước sạch bây giờ phải tự trang trải chi phí, ngân sách không hỗ trợ. Vì vậy nếu khung giá nước sạch không được điều chỉnh thì việc đảm bảo hoạt động, vận hành đã khó chứ chưa nói đến kinh doanh có lãi, đặc biệt việc đầu tư mới từ lợi nhuận lại càng khó hơn.

 

Theo ông Hải, với khung giá Bộ Tài chính đang dự thảo, về căn bản, các mức khung giá nước sạch sinh hoạt được điều chỉnh hài hòa. Ông Hải cho rằng với khung giá dự kiến, ít nhất cũng giảm bớt một phần khó khăn cho doanh nghiệp trong bù đắp giá, vì giá thấp quá thì không có khả năng thu hồi vốn nên không ngân hàng nào cho vay đầu tư mới, xã hội hóa lại càng khó hơn.

 

Vì vậy, với khung giá mới này, bản thân doanh nghiệp có thể chủ động lộ trình đề nghị điều chỉnh giá, ít nhất việc không giới hạn giá nước không quá 12.000 đồng/m3 có thể cho phép điều chỉnh giá với những trường hợp sử dụng nước vào mục đích kinh doanh để không phải bù lỗ cho những trường hợp sử dụng nước sạch vào mục đích này, đồng thời khuyến cáo việc sử dụng nước phải tiết kiệm.

 

Tuy nhiên, cũng theo ông Hải, việc điều chỉnh khung giá nước sạch mới chỉ là quy định khung, còn việc điều chỉnh giá nước không phải cứ đề nghị là điều chỉnh được ngay mà phải có lộ trình và phải được TP quyết.

 

Trao đổi với PV, Phó chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt cho biết hiện nay TP chưa có chủ trương tăng giá nước sạch nên trong kỳ họp cuối năm của HĐND không có nội dung này.

 

TP.HCM: tăng giá nước theo từng năm

 

Theo ông Bạch Vũ Hải - phó tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco), khung giá nước sạch mà Bộ Tài chính vừa hoàn thiện là khung giá chung cho cả nước.

 

Dựa trên khung giá đó UBND các tỉnh thành sẽ ban hành mức giá cụ thể. Riêng về giá nước tại TP.HCM đã được UBND TP ban hành quyết định 103 (ngày 24-12-2009) đã quy định mức giá cụ thể cho từng đối tượng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2010-2013.

 

Ở thời điểm hiện tại, giá nước cao nhất là 13.500 đồng/m3 dành cho đối tượng kinh doanh - dịch vụ (chưa bao gồm VAT, phí bảo vệ môi trường). Cứ mỗi năm giá nước sẽ tăng 10%. Sau năm 2013, Sawaco căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh, tỉ lệ thất thoát nước... sẽ xây dựng mức giá nước mới để kiến nghị UBND TP xem xét, điều chỉnh và ban hành giá nước mới.

 

Theo Lê Thanh - Xuân Long - Quang Khải

Tuổi trẻ