Dự thảo giá đất TPHCM 2008: Giá cao, ai có lợi?

Trong cuộc họp dưới sự chủ trì của UBND TPHCM, lãnh đạo Sở Tài chính đã trình bày dự thảo xây dựng bảng giá đất năm 2008. Theo đề xuất của Sở Tài chính, giá đất tại hầu hết các tuyến đường trên địa bàn TP đều tăng.

Giá đất tăng 2-3 lần

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thị Nhơn cho biết bảng giá đất năm 2008 được xây dựng nhằm phục vụ cho 4 mục đích: tính thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ quyền sử dụng đất; tính giá trị quyền sử dụng đất khi nhà nước giao đất nhưng không thu tiền sử dụng đất; tính lệ phí trước bạ; tính tiền bồi thường đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất nếu gây thiệt hại cho Nhà nước.

Các mục đích khác như bồi thường, giải tỏa sẽ được áp giá theo nguyên tắc sát giá thị trường.

Cơ sở để xây dựng bảng giá đất cho năm 2008 là Nghị định 123 của Chính phủ cùng với nhiều quy định pháp luật khác về đất đai.

Sở Tài chính dự kiến trong năm 2008 toàn TP có 2.390 đường, tuyến đường sẽ điều chỉnh giá so với bảng giá đất năm 2007 theo hướng tăng lên. Ngoài ra còn bổ sung 209 đường, tuyến đường mới và loại bỏ 16 đường, tuyến đường.

Dự kiến nhiều tuyến đường sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba so với bảng giá đất năm 2007. Ví dụ đường Đồng Khởi (quận 1) dự kiến tăng lên 81 triệu đồng/m2 trong năm 2008 (so với 43 triệu/m2 như hiện nay), hoặc đường Trương Định tăng từ 11,9 triệu/m2 ( tăng lên 22,4 triệu/m2).

Tại quận Tân Phú, tuyến đường có giá cao nhất hiện nay chỉ 5,8 triệu đồng/m2 nhưng theo đề xuất sẽ tăng lên 15 triệu đồng/m2. Không chỉ đất ở đô thị được tăng lên mà đất nông nghiệp cũng vậy.

Bà Nhơn giải thích bảng giá đất của những năm trước thỏa mãn cho nhóm đối tượng thực hiện nghĩa vụ tài chính  nhưng lại chưa thỏa mãn nhóm bị giải tỏa đền bù. Mục đích xây dựng bảng giá đất theo hướng tăng lên nhằm mục đích tăng thu.

Mừng hay lo?

Hầu hết các vị đại diện UBND các quận, huyện tham dự cuộc họp đều băn khoăn về đề xuất tăng giá đất của Sở Tài chính.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND quận Tân Phú, cho rằng cần phải xem lại việc định giá đất theo hướng tăng gấp 2-3 lần so với bảng giá đất năm 2007.

Tân Phú hiện nay còn hơn 1.100 “sổ hồng”, “sổ đỏ” người dân chưa đến nhận vì không có tiền để nộp thuế. Giá đất thấp như vậy mà người dân còn gặp khó khăn, nếu tăng lên như dự kiến của Sở Tài chính thì liệu có ổn?

Ông Hạnh đề nghị nên giữ nguyên giá đất như năm 2007, nếu tăng thì chỉ tăng những đường, tuyến đường nào vừa được nâng cấp.

Ông Lê Minh Huệ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cũng tỏ ra băn khoăn vì hầu hết những người dân ở ngoại thành còn nghèo. Nếu xây dựng bảng giá đất quá cao sẽ gây thêm khó khăn cho người dân.

Mặc dù Nghị định 84 của Chính phủ cho phép người dân ghi nợ tiền sử dụng đất, nhưng đến lúc nộp thì lấy giá đất tại thời điểm nộp để tính. Như vậy cũng sẽ không giải quyết được khó khăn cho người dân.

Tình trạng người dân đã làm giấy chứng nhận nhưng không đến nhận do chưa có tiền nộp thuế khá phổ biến tại các quận, huyện, nhất là ở ngoại thành.

Một số ý kiến đề xuất cần tính lại giá đất ở những con đường, đoạn đường trước kia là hai chiều nhưng nay trở thành một chiều nên nhà, đất bị rớt giá.

Những quận, huyện ngoại thành nên điều chỉnh giá ở một số tuyến đường vừa được nâng cấp, sửa chữa, không nên tăng giá một cách đại trà. Mục đích tăng thu chưa thấy, nhưng trước mắt đã thấy ảnh hưởng đến người dân.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cho biết sau khi các quận, huyện đóng góp ý kiến cho dự thảo bảng giá đất năm 2008, UBND TP sẽ trình HĐND TP trong kỳ họp cuối năm để xem xét thông qua.

Ông Nguyễn Hữu Tín cũng lưu ý Sở Tài chính trong tình hình thị trường bất động sản đang nóng như hiện nay thì việc xây dựng bảng giá đất quá cao là hết sức nhạy cảm, cần phải xem lại.

Bảng giá đất phải được xây dựng trên tinh thần đảm bảo quyền lợi của người dân, đẩy nhanh tiến độ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Dự kiến trong tuần tới, lãnh đạo UBND TP sẽ thông qua bảng giá đất năm 2008 trước khi trình HĐND TP.

Theo Đỗ Bình Minh
Báo SGGP