“Dư luận nói giá xăng bán lẻ cao hơn thế giới là sai”
(Dân trí) - “Dư luận cho rằng giá xăng dầu trong nước tăng cao hơn giá thế giới là không đúng, là do hiểu sai về phương pháp tính. Ví dụ như khi giá thế giới với xăng tăng 3%, thì ngày 14/1, doanh nghiệp đầu mối tăng từ 15.950 đồng - 16.400 đồng/lít, tức chỉ tăng 2,8%”.
Sức ép tăng giá xăng dầu trong nước đang gia tăng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã cho biết như vậy tại buổi tọa đàm trực tuyến về vấn đề quản lý kinh doanh xăng dầu do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm qua 24/3.
Theo đính chính từ ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex): Từ khi Nghị định 84 có hiệu lực vào ngày 15/12/2009 cho tới nay, các doanh nghiệp đầu mối (trong đó có Petrolimex) điều chỉnh 3 lần đối với mặt hàng xăng; trong đó 2 lần tăng, 1 lần giảm, chứ không phải 5 lần như dư luận nói. Còn nếu tính 5 lần là tính theo thời điểm Nghị định này được ban hành là 15/10 tới nay và khi Nghị định có hiệu lực, doanh nghiệp chỉ điều chỉnh giá xăng 3 lần.
Nói về nguyên nhân tăng giá, đại diện Petrolimex cho biết là do giá quốc tế tăng, hoặc yếu tố tác động tới giá cơ sở tăng. 2 lần điều chỉnh tỷ giá (ngày 26/11 và 11/12) và bản thân giá quốc tế trong giai đoạn này khá cao cũng như khoản trích lập quỹ bình ổn giá tăng từ 200 - 300 đồng, tác động tới giá thành buộc giá xăng tăng.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết thêm, chúng ta hay lẫn 2 khái niệm xăng với dầu. Tuy có cùng nguồn gốc nhưng đây là 2 thứ khác nhau. Lấy xăng làm ví dụ, khi Nghị đinh 84 có hiệu lực, xăng chỉ điều chỉnh 3 lần.
“Tôi xin minh chứng thêm lời của ông Bảo bằng số liệu như sau: Nếu lấy ngày 15/12/2009 làm mốc, giá bình quân 30 ngày trước đó là 79,576 USD/thùng. Ngày 14/1/2010 tăng giá lần đầu, giá bình quân 30 ngày là 82,026 USD/thùng.
Như vậy, trong khi giá thế giới với xăng tăng 3%, doanh nghiệp tăng từ 15.950 đồng - 16.400 đồng, tức là chỉ tăng 2,8%. Tương tự như vậy, từ ngày 14 - 24/1, giá thế giới tăng 3,9%, giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 3,6%. Dư luận cho rằng tăng giá cao hơn giá thế giới là không đúng, là do hiểu sai về phương pháp tính. Chúng ta tính giá là giá bình quân trong 30 ngày, còn lấy giá 1 thời điểm cụ thể là không chính xác”, Thứ trưởng Tú nhấn mạnh.
Cũng theo khẳng định từ đại diện Bộ Công Thương, các lần tăng giá xăng dầu vừa qua là đúng quy trình và đúng mức độ cho phép.
Còn về thời điểm, cá nhân ông Tú cho rằng, việc doanh nghiệp chọn ngày đầu tiên đi làm sau một kỳ nghỉ Tết dài để tăng giá (ngày 21/2), đứng dưới góc độ nào đó quả là chưa “nhạy cảm”. Vì do người dân chưa thực sự quen với việc xác định giá theo thị trường, đặc biệt là giá xăng dầu được giữ rất lâu và tự do hóa theo lộ trình chậm hơn các mặt hàng khác.
“Nhưng chúng ta sẽ phải làm quen với việc điều chỉnh này. Trong một năm, có rất nhiều thời điểm được đánh giá là nhạy cảm, sau Tết sẽ đến các ngày lễ, chẳng hạn như ngày 8/3, rồi 30/4… Như vậy, chúng ta không thể lấy điều này để ngăn cản các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh một cách hợp pháp và thu lợi nhuận một cách hợp pháp”, ông Tú nói.
Giải thích về sự chênh lệch trong cách tính khiến người tiêu dùng nghĩ rằng Petrolimex công bố giá nhập cảng cao hơn 300 đồng/lít so với thực tế. Ông Bảo lý giải: “Ở đây có một sự nhầm lẫn giữa giá CIF (giá của hàng hóa nhập khẩu tính tại biên giới hải quan của nước nhập khẩu trước khi đóng bất kỳ loại thuế nhập khẩu hay thuế khác đánh vào hàng nhập khẩu - PV) và giá FOB (áp dụng cho hàng hóa xuất, nhập khẩu là giá trị thị trường tại biên giới hải quan của “nền kinh tế” từ đó hàng hóa được xuất đi - PV). Trong bảng tính của chúng tôi có tính giá bình quân 30 ngày theo giá niêm yết ở Singapore, đó là giá FOB. Khi tính giá CIF, phải có thêm chi phí về bảo hiểm và vận tải, tương ứng khoảng 300 đồng.
Như vậy, không có sự sai lệch nào cả. Mức giá 87,60 USD/thùng là giá FOB chứ không phải là giá CIF. Chi phí bảo hiểm và vận chuyển này thay đổi theo từng thời kỳ và được Cục Quản lý giá đưa vào tính toán. Cũng phải nói thêm, đây là mức giá cơ sở được tính trên quy định của Nghị định 84 và các yếu tố đầu vào đều do các cơ quan nhà nước ban hành. Nếu tuân thủ theo đúng Nghị định 84 thì bất cứ ai cũng tính được mức giá cuối cùng”.
Nguyễn Hiền