"Du lịch phát triển, dân rất giàu nhưng ngân sách không thu được"

(Dân trí) - Nêu một số trường hợp như du lịch rất phát triển, dân rất giàu nhưng ngân sách không thu được thuế hay trường hợp hộ kinh doanh cá thể dù làm ăn tốt nhưng không muốn chuyển sang doanh nghiệp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, ngành thuế cần phải nghiên cứu các giải pháp chống thất thu với các hộ kinh doanh cá thể.

"Du lịch phát triển, dân rất giàu nhưng ngân sách không thu được" - 1

Phát biểu tại buổi làm việc của Tổ công tác Chính phủ kiểm tra Bộ Tài chính trong việc thực hiện chỉ đạo, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác - cho biết, tại buổi làm việc hôm nay, Thủ tướng giao 7 vấn đề phải làm rõ thêm.

Tiếp tục tinh giản bộ máy, xuống cơ sở nhiều hơn

Vấn đề đầu tiên được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, dù rất quyết liệt, chủ động nhưng Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính tích cực hơn nữa trong việc tham gia các hội nghị mang tính chiến lược quốc gia do Thủ tướng chủ trì. Trong năm nay, Thủ tướng sẽ chủ trì 13 hôi nghị lớn tầm quốc gia như hội nghị bàn về phát triển logistics, thương mại điện tử, tháo gỡ khó khăn cho ngành xây dựng, đầu tư…

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục đổi mới cải cách, tinh gọn bộ máy. Hiện do là Bộ tổng hợp nên số lượng cán bộ thuộc Bộ Tài chính rất lớn, do đó, phải cải cách thêm theo hướng gọn nhẹ, chuyên nghiệp.

"Cố gắng làm sao để anh em tài chính xuống cơ sở nhiều hơn, để thấy những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và có những thay đổi, tạo điều kiện về chính sách cho doanh nghiệp phát triển", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, Thủ tướng giao Bộ Tài chính phải thực hiện tốt quản lý tài sản công, đảm bảo sử dụng đúng, hướng dẫn cho các đơn vị trong việc mua sắm tài sản công.

Vấn đề cải cách thuế cũng được Thủ tướng lưu ý. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng đề nghị, liên quan đến công tác thuế phải xem xét đến vấn đề nợ đọng thuế rất lớn. Tính đến ngày 31/12/2017, nợ đọng thuế đã lên tới 76.000 tỷ đồng, chiếm tới 8% tổng thu ngân sách.

Xem xét lại về thuế khoán

Đáng lưu ý, theo Bộ trưởng, Bộ Tài chính cần cố gắng làm sao cải cách để doanh nghiệp có thể trực tiếp kê khai, giảm bớt tiếp xúc với người thực thi công vụ. Đặc biệt, ngành thuế cần nghiên cứu giải pháp chống thất thu với các hộ kinh doanh cá thể.

"Ví dụ như du lịch rất phát triển, dân rất giàu nhưng ngân sách không thu được thuế. Hộ kinh doanh cá thể kinh doanh rất tốt nhưng không muốn chuyển sang doanh nghiệp, cần phải xem xét lại về thuế khoán. Hay những vấn đề như một doanh nghiệp hoạt động mạnh mẽ mà thuế môn bài phải nộp chỉ 1,5 triệu đồng, nhưng bà bán nước thuế môn bài đã là 300 nghìn đồng", Bộ trưởng nói.

Vấn đề cuối cùng được nhắc đến liên quan tới hải quan. Dù đã cải cách rất mạnh mẽ, công khai và xử lý nhiều vấn đề tồn đọng trong nhiều năm, Thủ tướng cũng lưu ý thêm, Bộ Tài chính cần cố gắng làm sao quản lý cán bộ hải quan chặt chẽ hơn, hạn chế tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, trong ứng xử, giải quyết vấn đề giấy tờ.

"Kiểm soát kiểm tra làm sao để thực hiện chủ yếu trên hệ thống tinh vi thay vì tay sờ tay cầm, thái độ phải niềm nở. Cán bộ hải quan ở cửa khẩu cũng là thay mặt cho quốc thể rồi. Do vậy, dù đã làm tốt nhưng mong ngành hải quan quyết liệt hơn nữa để đội ngũ này giảm bớt thủ tục rườm rà", ông nhấn mạnh.

Đánh giá về việc thực thi các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho Bộ Tài chính, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao toàn ngành. Trong đó, có những thành tựu nổi bật mà ngành tài chính đạt được như: đảm bảo thu ngân sách năm 2017 tăng 5,9% so với dự toán; chi ngân sách căn cơ, chặt chẽ hơn; quản lý nợ công đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, nợ công giảm từ 64% vào đầu năm 2017 xuống còn 61% vào cuối năm...

"Bộ Tài chính có số lượng văn bản hoàn thiện thể chế lớn nhất trong tất cả các bộ. Bộ Tài chính là một trong những bộ sớm đi đầu trong những cải cách về thuế, hải quan, giảm tiêu cực, giảm trực tiếp tiếp xúc... Đặc biệt trong kiểm tra hàng thông quan đã áp dụng nhiều hình thức, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu", Tổ trưởng Tổ công tác Chính phủ nhìn nhận.

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ0CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ, trên cơ sở 21 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ Tài chính đã tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có quy định về điều kiện kinh doanh để nghiên cứu đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục. Cụ thể, tổng số điều kiện kinh doanh ban đầu là 370 điều kiện, Bộ Tài chính đề nghị bãi bỏ 99 điều kiện, đơn giản hoá 89 điều kiện. Tổng số điều kiện đề nghị cắt giảm và đơn giản hoá 188 điều kiện (50,8%).

Phương Dung

"Du lịch phát triển, dân rất giàu nhưng ngân sách không thu được" - 2