1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Dự kiến dành 20.000 tỷ đồng ngân sách hút vốn tư nhân

(Dân trí) - Nhằm khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức PPP (nhà nước, tư nhân cùng làm), dự kiến Bộ KH-ĐT sẽ trình Chính phủ bố trí khoảng 20.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tập trung ở trung ương dành riêng cho mục tiêu này.

Dự kiến dành 20.000 tỷ đồng ngân sách hút vốn tư nhân
Chính phủ sẽ hoàn thiện khung pháp lý về về mua bán và sáp nhập để gia tăng dòng vốn ngoại cho nền kinh tế.

Sáng nay (27/3), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức Hội nghị Tổng kết 25 năm thu hút đầu tư FDI tại Việt Nam.

Theo dự thảo Nghị quyết về các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được công bố tại Hội nghị, Bộ chủ quản cho biết đang nghiên cứu trình Chính phủ phương án bố trí khoảng 20.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tập trung ở trung ương để dành riêng cho việc tham gia vào vốn đối ứng trong các dự án đầu tư theo hình thức công - tư (PPP) được chọn.

Đồng thời, Bộ cũng sẽ hoàn thiện thủ tục hình thành quỹ hỗ trợ chuẩn bị dự án (PDF) nhằm hỗ trợ chuẩn bị các dự án PPP. Dự kiến trong quý II/2013 trình Thủ tướng văn bản hướng dẫn sử dụng quỹ này.

Mục tiêu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra là sẽ chọn được tối thiểu 5-10 dự án đầu tư thực hiện theo mô hình PPP.

Nằm trong kế hoạch này, trong quý IV/2013, Bộ Tài chính sẽ xây dựng Đề án thành lập quỹ cơ sở hạ tầng được đầu tư theo hình thức PPP; ban hành quy định về quy trình, thủ tục giải ngân và quản lý phần vốn tham gia của Nhà nước đối với các dự án PPP.

Với các dự án thực hiện theo phương thức Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao (BOT), cũng trong quý II/2013 Bộ Công thương sẽ trình Chính phủ các bất cập trong quá trình đàm phán, trong đó có 8 dự án BOT về điện đang đàm phán và đề xuất hướng xử lý.

Tại Dự thảo Nghị quyết lần này, các giải pháp để giám sát dòng vốn bằng tiền của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, bao gồm dòng vốn góp bằng tiền, dòng vốn vay trong và ngoài nước cũng được đề cập tới.

Một số nội dung quan trọng khác đó là việc Chính phủ sẽ hoàn thiện khung pháp lý về mua bán và sáp nhập, có giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua hướng dẫn các ưu đãi về thuế, ưu tiên dự án tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ... 

Đây sẽ là những giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam thời gian tới một cách lành mạnh và bền vững hơn.

Bích Diệp