Đủ chiêu chiều thượng đế xem Euro, quán cà phê vẫn ế ẩm

(Dân trí) - “Năm nay ế khách quá, ghế ngồi không hết mà đầu tư sửa sang gần trăm triệu, cứ thế này chắc âm vốn mất”, chị Hải Hạnh, chủ quán cà phê bóng đá trên đường Nguyễn Đức Thọ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) ngao ngán nói về tình cảnh quán cà phê bóng đá mùa Euro này vắng hoe.

Đầu tư trăm triệu, doanh thu nhỏ giọt

Theo khảo sát của phóng viên, hàng loạt quán cà phê bóng đá nằm bên cạnh sân vận động Mỹ Đình dù luôn mở cửa tới 2h sáng, trang bị màn hình xem khổ lớn nhưng vẫn “ế ẩm”. Điển hình là trận cầu giữa Bỉ - xứ Wales khởi tranh ngày 2/7 (đêm qua), rất ít khách đến xem. Mặc dù quán khá rộng, ghế đẹp và đặc biệt dù nhân viên xuống tận lòng đường mời khách nhưng vẫn không có người vào xem bóng đá.

Đủ chiêu chiều thượng đế xem Euro, quán cà phê vẫn ế ẩm - 1

Tại một quán cà phê số 43, đường Nguyễn Hữu Thọ, một trong số ít người hiếm hoi xem bóng đá ở đây cho hay: "Tôi trốn vợ ra đây xem bóng đá không đi xe máy nên phải xem ở gần, nhưng ra rồi thấy chán quá vì ít khách nên không có bạn xem cùng, thiếu không khí bóng đá, trong khi quán chỉ có máy chiếu nên chất lượng hình ảnh hơi tệ".

Theo một chủ quán cà phê, sở thích xem bóng đá giờ đây thay đổi, không chỉ có màn hình đẹp, máy lạnh thậm chí có cả phục vụ đẹp, ăn mặc mát mắt mới hút khách.

"Trung bình nếu mở quán cà phê bóng đá, phải đầu tư hệ thống âm thanh, âm ly với khoảng 50 triệu đồng; nặng nhất là tivi, tivi đẹp hiện nay cũng phải 30 triệu cho tivi 55 inch hoặc gần 100 triệu cho các loại tivi có độ sắc nét cao, máy lạnh điều hòa cũng phải trang bị đủ cả... Để đón thượng đế xem bóng chủ cũng phải chi hết tầm 200 triệu đồng nếu làm mới. Còn với quán cải tạo, số này tùy thuộc vào họ”, chủ quán cà phê số 43 Nguyễn Hữu Thọ cho hay.

Đủ chiêu chiều thượng đế xem Euro, quán cà phê vẫn ế ẩm - 2

Mất tiền thuê PG, MC… vẫn không ăn thua

Đặc biệt, kinh doanh cà phê bóng đá cũng có cạnh tranh rất lớn, nhiều chủ quán cho hay: Ngoài chi phí đầu tư mới, các quán cà phê muốn kéo khách phải treo băng rôn, PR rầm rộ; quảng cáo bắt mắt, tiếp thị đến khách quen, thậm chí thuê PG về phục vụ mời khách, rót bia... thuê MC dẫn chương trình chi phí khá đắt.

"Bây giờ cạnh tranh từng tý một, hết các chiêu trò thuê PG, tiếp viên xinh phục vụ bia, giao đồ uống cho khách thì đến lượt phải trang hoàng phòng chiếu sao cho cảm giác rộng rãi, ngập tràn bóng đá, ngập tràn Euro... Những ngày gần Euro, các quán có không gian rộng đều làm chương trình quảng bá, PR với các mẫu xinh, miễn phí đồ uống như uống 5 bia tặng 1; dịch vụ đặt phòng xem bóng đá khuyến mại đồ uống…”, chủ một quá cà phê cho hay.

Đủ chiêu chiều thượng đế xem Euro, quán cà phê vẫn ế ẩm - 3

Mặc dù chăm chút cho mùa bóng như vậy, nhưng theo anh Hùng Thắng (chủ quán cà phê tại phố Huế), trung bình giá đồ uống mùa bóng tăng 30- 50%, từ 30.000 đồng lên 55.000 đồng/cốc cà phê, bia rượu cũng chỉ tăng được từ 3.000 - 5.000 đồng/chai là cùng.

“Nếu khách chỉ uống trà thì bán được đúng giá cũng méo mặt rồi. Nếu quán ít khách có thể số tiền đầu tư lỗ, và thực tế là chúng tôi đang lỗ vì số tiền bỏ ra đầu tư khá lớn song doanh thu mỗi ngày hiện không đủ trả lương nhân viên”, anh Thắng cho hay.

Theo anh Nam, một khách xem đá bóng tại phố cổ cho hay: "Dân xem đá bóng thường chọn những quán quen, có đông "cạ" của mình để hò hét và uống cho thoải mái. Tuy nhiên, khi đời sống nâng cao, đòi hỏi của khách cũng phải lớn dần, không ai thích đang ở nhà xem tivi 40 inch độ nét cao, giờ ra quán mất tiền lại chỉ xem qua máy chiếu; cũng chẳng ai có hứng khi quán xá nóng nực, ngột ngạt mùi khói thuốc; tiếp viên gọi mãi mới được đồ uống, ra lại mặt mày cau có".

"Không phải quán cà phê nào cũng làm cà phê bóng đá được, chỉ những quán lớn, phòng rộng và có lượng khách đông cùng với các dịch vụ đi kèm tốt thì mới có doanh thu tốt và thực tế một số quán cà phê vẫn hốt bạc mỗi mùa giải vì khách đến đông, dùng đồ uống nhiều nên lãi lớn", một cổ động viên cuồng nhiệt bóng đá cho hay.

Nguyễn Tuyền