Dự án LNG tỷ đô ở miền Tây gần 2 năm nhận chủ trương đầu tư giờ ra sao?

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Theo Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, nhìn nhận thực tế của dự án điện khí hóa lỏng Bạc Liêu thì phía tỉnh cũng như nhà đầu tư quan ngại sâu sắc về tiến độ của dự án tỷ đô này.

Sáng 14/10, UBND tỉnh Bạc Liêu có cuộc họp trực tuyến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, ban ngành liên quan về tiến độ thủ tục đầu tư dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, dự án điện khí LNG Bạc Liêu do Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE) của Singapore làm chủ đầu tư, có số vốn khoảng 4 tỷ USD.

Dự án có tổng công suất thiết kế 3.200 MW, xây dựng tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu), được tỉnh Bạc Liêu trao quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 1/2020. Đây được xem là dự án đầu tư trực tiếp có 100% vốn nước ngoài (FDI) lớn nhất vùng ĐBSCL từ trước tới nay.

Dự án LNG tỷ đô ở miền Tây gần 2 năm nhận chủ trương đầu tư giờ ra sao? - 1

Phối cảnh dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu (Ảnh: CTV).

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, dự án đã có bước tiến quan trọng, đó là đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt đánh giá tác động môi trường; bến cảng khí hóa lỏng của dự án đã được phê duyệt đưa vào quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050…

Ông Phạm Văn Thiều, theo quy định, dự án phải vận hành 750 MW vào năm 2024 và toàn bộ vào năm 2027. Để đảm bảo tiến độ này thì hợp đồng mua bán điện phải được ký kết chậm nhất trong năm 2021, nếu trễ hơn thì không đảm bảo tiến độ theo yêu cầu quy định của Thủ tướng.

Do đó, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu kiến nghị các Bộ, ban, ngành sớm xử lý các vướng mắc, trong đó có 3 vấn đề thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở ký kết hợp đồng mua bán điện.

Dự án LNG tỷ đô ở miền Tây gần 2 năm nhận chủ trương đầu tư giờ ra sao? - 2

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, dự án điện khí LNG Bạc Liêu vẫn còn một số vướng mắc (Ảnh: CTV).

Cụ thể, trình Thủ tướng phê duyệt cơ chế bảo đảm nhà nước để thực hiện dự án theo quy định tại Điều 11, Luật Đầu tư, Điều 3, Nghị định 31 của Chính phủ; trình Thủ tướng phê duyệt đấu nối truyền tải điện 500KV (bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia) đáp ứng theo tiến độ của dự án Điện khí LNG Bạc Liêu. 

"Trong thời gian chờ Thủ tướng phê duyệt cơ chế bảo đảm Nhà nước, đề nghị Bộ Công Thương sớm thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, đồng thời cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty TNHH Điện khí Bạc Liêu được triển khai ngay việc đàm phán hợp đồng mua bán điện", Chủ tịch Bạc Liêu kiến nghị.

Chủ tịch Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh: "Nhân dân, cán bộ của tỉnh rất quan tâm dự án bởi thu hút vốn FDI đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu và lớn nhất ĐBSCL. Tỉnh mong muốn duy nhất đó là dự án sớm được triển khai bởi góp phần quan trọng phát huy thế mạnh và tiềm năng của tỉnh, đưa Bạc Liêu phát triển thành một trong những trung tâm của cả nước về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ".

Dự án LNG tỷ đô ở miền Tây gần 2 năm nhận chủ trương đầu tư giờ ra sao? - 3

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông tại buổi họp trực tuyến với tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: Huỳnh Hải).

Tại buổi họp, ngoài kiến nghị nói trên của tỉnh Bạc Liêu liên quan đến dự án tỷ đô này, đại diện các cơ quan liên quan như Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước… cũng đã có những ý kiến liên quan đến các kiến nghị của tỉnh và nhà đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định, dự án điện khí LNG Bạc Liêu rất quan trọng, quy mô lớn, có tác động phát triển kinh tế xã hội, phù hợp định hướng phát triển năng lượng… Dự án đã có những bước tiến cụ thể, tuy nhiên còn có những khó khăn, vướng mắc.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, các vướng mắc liên quan đến nhiều Bộ, ngành và quy định pháp luật. "Bộ sẽ tổng hợp các ý kiến của các bộ, ngành một cách khách quan để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xung quanh dự án này", ông Trần Duy Đông cho hay.