Dự án giao thông chậm đầu tư vì chưa vay được vốn ODA từ Hàn Quốc

(Dân trí) - Dự án “Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – TP.HCM" vẫn chưa được triển khai thực hiện do gặp vướng mắc về nguồn vốn từ nhà tài trợ Hàn Quốc.

0108_du-an-41-cau-vnf.jpg

Bộ Giao thông Vận tải mới đây có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến việc dừng chủ trương đầu tư Dự án “Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – TP.HCM, giai đoạn 2” (Dự án 41 cầu) sử dụng vốn ODA Hàn Quốc.

Dự án 41 cầu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 17/4/2017 sử dụng vốn vay ODA từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF), nhằm cụ thể hoá Chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn năm 2050.

Đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai thực hiện do gặp vướng mắc về nguồn vốn từ nhà tài trợ. Ngày 11/9/2018, EDCF có văn bản trả lời Bộ Giao thông vận tải về việc chưa thể khẳng định sẽ tài trợ cho dự án 41 cầu yếu trong giai đoạn từ nay đến 2020 do việc thảo luận với Chính phủ Việt Nam về danh mục dự án đến 2020 đã dừng từ tháng 12/2017.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc nâng cấp, cải tạo các cầu yếu là rất cần thiết, cấp bách cần phải thực hiện ngay nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM.

Tuy nhiên, do tính quan trọng và nhu cầu cấp bách đảm bảo an toàn giao thông đường sắt nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 cho 4 dự án đường sắt và 10 dự án đường bộ quan trọng, cấp bách. Trong đó, có dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tổ chức thực hiện các dự án đảm bảo đủ điều kiện, đúng trình tự, thủ tục, hiệu quả đầu tư theo các quy định của pháp luật.

Căn cứ vào tình hình thực tế triển khai dự án, ý kiến của nhà tài trợ EDCF, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ dừng chủ trương đầu tư dự án 41 cầu để có thể xem xét đưa vào trong dự án Cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM.

"Đề xuất dừng chủ trương đầu tư vốn ODA Hàn Quốc để xem xét có thể đưa các cầu yếu vào chuẩn bị triển khai thực hiện ngay vào đầu 2019 sẽ nâng cao an toàn đường sắt, góp phần giảm tai nạn giao thông đường sắt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội", Bộ Giao thông vận tải đánh giá.

Bộ này cũng cho biết, cùng với việc hoàn thành 4 dự án đường sắt quan trọng sử dụng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 sẽ rút ngắn thời gian chạy tàu Bắc – Nam, tiết kiệm chi phí vận chuyển, tăng năng lực lưu thông hàng hoá và hành khách, khai thác hiệu quả công suất của các loại đầu máy lớn đang khai thác trên tuyến, tạo điều kiện phát triển kinh tế…

"Việc dừng đề xuất vay vốn ODA Hàn Quốc cho dự án không tác động đến việc thu hút, vận động vốn vay ODA Hàn Quốc trong lĩnh vực giao thông vận tải thời gian tới cũng như các cam kết với phía Hàn Quốc", Bộ Giao thông vận tải cũng khẳng định.

Phương Dung

bannerchan-bai.gif