Dự án chậm tiến độ 5 năm vừa khởi động lại có nguy cơ phải dừng

(Dân trí) - Do lãi suất trả ngân hàng “vênh cao” so lãi suất vốn vay do cơ quan nhà nước quy định nên dự án Đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận vừa khởi động hồi tháng 6 đã phải đối mặt với nguy cơ dừng lại, chủ đầu lo không đủ khả năng hoàn vốn và trả nợ.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là dự án trọng điểm quốc gia nằm trong quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam. Sau 5 năm chậm tiến độ do thiếu vốn, dự án đã ký được hợp đồng tín dụng vay vốn với 4 ngân hàng hồi giữa tháng 6, với khoản vay lên tới 8.126 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 tháng, chủ đầu tư đã gửi văn bản “cầu cứu” lên cơ quan chức năng do thiếu khả năng hoàn vốn.

Ông Phan Anh Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết: Hiện trần lãi suất vốn vay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ấn định tại dự án (6,75%/năm) đang thấp hơn rất nhiều so với lãi suất thực tế mà nhà đầu tư đang đàm phán với 4 nhà tài trợ vốn (10,83%/năm).

“Sự chênh lệch lãi suất 3,93%/năm này không chỉ khiến dự án không thể hoàn vốn vay, mà nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ vốn chủ sở hữu, chi phí sử dụng vốn vay với tổng giá trị có thể lên đến 3.639 tỷ đồng” - ông Dũng khẳng định.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau 5 năm chậm tiến độ lại tiếp tục có nguy cơ phải dừng dự án
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau 5 năm chậm tiến độ lại tiếp tục có nguy cơ phải dừng dự án

Theo ông Dũng, trong thời gian chờ đợi cơ quan chức năng quyết định, nhà đầu tư sẽ tiếp tục triển khai dự án bằng nguồn vốn chủ sở hữu. Nhưng nếu vấn đề lãi suất nêu trên không được giải quyết sớm, vốn vay tín dụng chậm giải ngân, dự án không thể hoàn thành vào năm 2020.

“Trong trường hợp không được chấp thuận thì nhà đầu tư sẽ phải dừng dự án để tránh thua lỗ lớn.” - ông Dũng cho biết.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản trình cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Theo Bộ này, thời điểm hiện tại, sẽ có phát sinh chênh lệch lãi suất vốn vay theo hợp đồng tín dụng và lãi suất tối đa được thanh toán trong hợp đồng BOT là khoảng 3,93%/năm, nhà đầu tư phải tự bỏ ra để thanh toán cho bên vay.

Bộ GTVT kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn về lãi suất cho phù hợp thực tế bởi nếu chậm trễ trong việc giải ngân các khoản vay đầu tư, chủ đầu tư sẽ lo ngại mất vốn nếu tiếp tục, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án.

“Trong trường hợp các quy định pháp luật về lãi suất thay đổi, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép ký phụ lục hợp đồng cập nhật, điều chỉnh làm cơ sở để triển khai giải ngân phần khối lượng chưa thực hiện của dự án.” - văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, để triển khai kêu gọi đầu tư thành công Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020 cần tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn vay thương mại đối với dự án đang thực hiện đầu tư.

“Đối với các dự án công tư (PPP), việc phải bù lỗ lãi suất liên tục trong nhiều năm suốt vòng đời dự án sẽ là một gánh nặng lớn đối với nhà đầu tư, việc huy động tài chính cho các dự án PPP sẽ rất khó khả thi, tạo thêm rủi ro tài chính đối với cả bên vay và bên cho vay, giảm tính hấp dẫn về thị trường đầu tư PPP tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Châu Như Quỳnh

Dự án chậm tiến độ 5 năm vừa khởi động lại có nguy cơ phải dừng - 2