Dự án bết bát ethanol Bình Phước: "Đắp chiếu" nằm im, lỗ cả nghìn tỷ đồng

(Dân trí) - Theo Kiểm toán Nhà nước, tính đến cuối năm 2018, Nhà máy ethanol Bình Phước thua lỗ khoảng 1.280 tỷ đồng. Dự án cũng không có khả năng trả nợ gốc và lãi vay.

Vì đâu dự án bết bát?

Trong báo cáo kiểm toán dự án Nhà máy sản xuất ethanol Bình Phước, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ một số nội dung như dấu hiệu bất thường trong quá trình thương thảo ký hợp đồng EPC, quy định về quản lý hợp đồng, quản lý chất lượng công trình.

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình sau đó đã giao Bộ Công an kiểm tra, xác minh về những dấu hiệu bất thường tại hợp đồng EPC dự án ethanol Bình Phước, việc lắp đặt thiết bị nhập ngoại không có chứng chỉ chất lượng, chứng nhận xuất xứ, để xem xét, xử lý theo quy định.

Nhà máy ethanol Bình Phước - một trong 12 dự án yếu kém ngành công thương, được khởi công từ năm 2010, có tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt lần đầu là 1.492 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên 1.648 tỷ đồng.

Dự án do Công ty TNHH nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) làm chủ đầu tư với 3 cổ đông. Trong đó có PVOIL và ITOCHU và LICOGI 16.

Dự án bết bát ethanol Bình Phước: Đắp chiếu nằm im, lỗ cả nghìn tỷ đồng - 1

Nhà máy ethanol Bình Phước - một trong 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ được khởi công từ năm 2010, có tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt lần đầu là 1.492 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên 1.648 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, đến thời điểm nhà máy hoàn thành đi vào hoạt động, giá sắn lát đầu vào tăng cao đẩy chi phí sản xuất bio-ethanol lên cao.

Do Nhà nước chưa ban hành lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học nên PV Oil đã không thực hiện cam kết bao tiêu sản phẩm cho OBF, dẫn đến nhà máy khó khăn cả đầu vào lẫn đầu ra. Đây là nguyên nhân chính khiến nhà máy dừng hoạt động từ năm 2013 đến nay.

“Trách nhiệm thuộc về HĐTV PVOIL, Công ty TNHH NLSH Phương Đông, người đại diện vốn của PVOIL tại Công ty TNHH NLSH Phương Đông”, cơ quan kiểm toán nêu rõ.

Vào tháng 6/2017, theo chỉ đạo của Chính phủ, doanh nghiệp đã cố gắng vận hành lại nhà máy nhưng với giá sắn khoảng 6.100 đồng/kg trong khi giá nhiên liệu E100 khoảng 15.000 đồng/lít, Công ty OBF lỗ nặng khi sản xuất ethanol.

Chủ đầu tư xác định tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 19% trên cơ sở hợp đồng bao tiêu 100% sản lượng Ethanol sản xuất ra. Tuy nhiên, trong thoả thuận khung về bao tiêu sản phẩm có điều khoản về "ảnh hưởng bất lợi nghiêm trọng".

Khi lộ trình bắt buộc sử dụng xăng sinh học không được phê duyệt, giá sắn tăng cao (từ 2.000 đồng/kg lên 6.000 đồng/kg), sản phẩm của nhà máy không được PVOIL bao tiêu nên nhà máy không hoạt động.

Do chưa lượng hoá được các rủi ro dẫn tới nhà máy hoạt động bị lỗ, không có thị trường tiêu thụ. Kết quả theo Kiểm toán Nhà nước, vì ngừng vận hành, mỗi năm OBF ước lỗ khoảng 262 tỷ đồng bao gồm 120 tỷ đồng lãi vay, 90 tỷ đồng khấu hao và 52 tỷ đồng chi phí duy trì nhà máy.

Theo Kiểm toán Nhà nước, tính đến cuối năm 2018, Nhà máy ethanol Bình Phước thua lỗ khoảng 1.280 tỷ đồng và Công ty OBF đã mất toàn bộ vốn chủ sở hữu khoảng 660 tỷ đồng, trong đó PVOIL mất 198 tỷ đồng, ITOCHU mất 339 tỷ đồng và LICOGI 16 mất 122 tỷ đồng.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, đến nay Công ty OBF - chủ dự án Nhà máy ethanol Bình Phước - không có khả năng trả nợ gốc, lãi vay lên đến hơn 1.600 tỷ đồng.

Dự án không có khả năng trả nợ gốc và lãi vay cho các ngân hàng thương mại đến cuối năm 2018 dự kiến là 1.623 tỷ đồng. Trong đó nợ gốc là 489 tỷ đồng và 30 triệu USD (tương đương 1.112 tỷ đồng); lãi vay 328 tỷ đồng và 8 triệu USD.

Chưa hẹn ngày vận hành trở lại

Về tiến độ thực hiện dự án, dự án được khởi công năm 2010, đến năm 2018, công trình vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận ban đầu, tiến độ đã chậm 79 tháng so với tiến độ hợp đồng.

Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước, chủ đầu tư đã ký phụ lục hợp đồng thay đổi điều khoản phạt do chậm tiến độ dẫn đến chủ đầu tư không thể yêu cầu nhà thầu bồi thường khoản tiền phạt do vi phạm tiến độ thực hiện, gây thiệt hại cho chủ đầu tư ước tính gần 3 triệu USD.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, có dấu hiệu bất thường trong quá trình thương thảo ký hợp đồng có thể làm thất thoát khoản tiền 4,12 triệu USD do phát sinh chi phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy ethanol Bình Phước.

Cơ quan kiểm toán cũng phát hiện hàng loạt tồn tại về chất lượng tại Nhà máy ethanol Bình Phước. Phần lớn thiết bị nhập ngoại do nhà thầu TTCL&PVE nhập về thi công không có chứng chỉ chất lượng của nhà sản xuất, không có chứng nhận về nguồn gốc, xuất xứ thiết bị.

“Việc nhà máy phải dừng hoạt động từ năm 2013 đến nay khiến cho dự án không đạt được các mục tiêu đầu tư như đã đề ra, toàn bộ phần vốn nhà nước đầu tư vào dự án chưa phát huy được hiệu quả, làm mất vốn nhà nước khoảng 207 tỷ đồng”, Kiểm toán Nhà nước cho biết.

Ngoài ra, nhà máy dừng hoạt động đồng nghĩa với việc gần 200 lao động địa phương bị mất việc làm, đời sống các hộ dân trồng sắn trong vùng bị ảnh hưởng.

Với nhiều điều kiện không thuận lợi, Hội đồng thành viên Công ty OBF cũng đã quyết định duy trì tình trạng nhà máy như hiện tại, tức là không thực hiện chạy lại.

Nguyễn Khánh