1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

ĐS Cát Linh - Hà Đông: Vì sao tư vấn Trung Quốc thiếu chứng chỉ ở Việt Nam?

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Các nhân sự tư vấn đều có bằng cấp chuyên môn phù hợp, có chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát do Trung Quốc cấp, nhưng không đủ điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát PCCC tại Việt Nam.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Bộ Công an kiến nghị Cục cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CHCN) tiếp tục hỗ trợ nghiệm thu PCCC Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tới để bàn giao, đưa dự án vào vận hành trong quý 1/2021.

Trước khuyến nghị về một số tồn tại của dự án do Cục Cảnh sát PCCC & CHCN, Công an TP. Hà Nội và các quận sau khi kiểm tra nêu lên, Bộ GTVT đã đưa ra các lý giải.

Về vấn đề hồ sơ năng lực pháp nhân theo quy định của tư vấn giám sát, Bộ GTVT cho biết: Đơn vị tư vấn giám sát đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh, được phê duyệt trúng thầu và ký hợp đồng tháng 3/2010 - thời điểm này Nghị định 79/2014/NĐ-CP chưa bàn hành, nên chưa đáp ứng được yêu cầu điều kiện về chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát PCCC.

ĐS Cát Linh - Hà Đông: Vì sao tư vấn Trung Quốc thiếu chứng chỉ ở Việt Nam? - 1

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được bàn giao, đưa dự án vào vận hành trong quý 1/2021 (ảnh: Tiến Tuấn)

Nghị định số 79/2014/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 15/9/2014, trong quá trình thực hiện, Ban quản lý dự án đường sắt (QLDA) không hướng dẫn nhà thầu tư vấn giám sát dự án hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam là có thiếu sót.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng đánh giá đây là nhà thầu tư vấn giám sát nước ngoài có kinh nghiệm trong giám sát các dự án đường sắt đô thị tại Trung Quốc, trong đó có giám sát thi công, lắp đặt hệ thống thiết bị chuyên ngành PCCC.

Mặt khác, sau khi trúng thầu, đơn vị tư vấn không lập văn phòng, chi nhánh tại Việt Nam để thực hiện dự án mà chỉ tiến hành huy động nhân sự, chuyên gia theo yêu cầu, đảm bảo tiến độ thi công các chuyên ngành của dự án.

"Các nhân sự này đều có bằng cấp chuyên môn phù hợp và có chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát do phía Trung Quốc cấp. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ, điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng thì đơn vị phải có đăng ký kinh doanh phù hợp tại Việt Nam. Do đó, đơn vị tư vấn giám sát này không đủ điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát PCCC tại Việt Nam" - Bộ GTVT nêu rõ.

Vì các nguyên nhân chủ quan và khách quan nói trên, với tính chất đặc thù của dự án trải qua nhiều thời điểm mà chính sách Nhà nước có sự thay đổi, để có cơ sở cho việc hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, bàn giao dự án và đưa vào vận hành, khai thác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị Cục Cảnh sát PCCC & CNCH xem xét, chấp thuận chứng chỉ tư vấn giám sát PCCC mà Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh đã được cấp tại Trung Quốc, làm cơ sở để nghiệm thu công tác PCCC của dự án.

Đối với khoảng cách lối lên xuống của các nhà ga, tường ngăn phía tiếp giáp với công trình xung quanh và 2 cây xăng dầu số 40, 45 tại vị trí nhà ga Văn Khê và La Khê không đảm bảo khoảng cách an toàn về PCCC mà Cục Cảnh sát PCCC & CHCN khuyến cáo, Bộ GTVT cũng đưa ra giải thích: Ngày 7/1, Bộ GTVT đã tổ chức cuộc họp với đại diện Bộ Công an, Xây dựng, UBND TP.Hà Nội, các bên đã cùng thống nhất phương án giải quyết, nhưng phải có lộ trình và kế hoạch cụ thể. Bộ GTVT cũng đang giao Ban QLDA triển khai các công việc tiếp theo.

Để đảm bảo tiến độ thực hiện công tác nghiệm thu, bàn giao, sớm đưa dự án vào vận hành, khai thác. Bộ GTVT đề nghị Cục Cảnh sát PCCC chấp thuận nghiệm thu có điều kiện. Lộ trình kế hoạch thực hiện, khắc phục các tồn tại sẽ được Bộ GTVT phối hợp với UBND TP.Hà Nội, Cục Cảnh sát PCCC tiếp tục giải quyết trong thời gian vận hành, khai thác dự án, đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ theo quy định.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.

Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.