"Đốt" 10 triệu USD/ngày vì chiến tranh, kinh tế Ukraine kiệt quệ
(Dân trí) - Bộ trưởng tài chính Ukraine Natalia Yaresko ngày 3/2 cho biết, mỗi ngày nước này phải chi ra từ 5-10 triệu USD vì giao tranh với phe ly khai ở miền Đông. Dù vậy, tổn thất thực tế vì chiến tranh theo các chuyên gia còn cao hơn nhiều và nó đang khiến kinh tế Ukraine kiệt quệ.
Thông tin được bà Natalia Yaresko tiết lộ trong một cuộc hội thảo trực tuyến, do Hội đồng Mỹ - Đại Tây Dương tổ chức.
Dù vậy, tổn thất tài chính không phải là yếu tố chính, bà Yaresko nói. Số người chết đã vượt con số 5000 người và số người tị nạn lên tới 650.000 người. Và do hậu quả của chiến tranh, kinh tế Ukraine giảm 20% sản lượng và bị mất 7% lãnh thổ.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
“Mỗi ngày chúng tôi chi hơn 10 triệu USD cho chiến tranh. Đó là một áp lực rất lớn đối với đất nước tôi. Không một nước nào trên thế giới có thể đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong một cuộc chiến như vậy, bởi chúng tôi đang phải đối đầu, có lẽ với lực lượng vũ trang mạnh nhất tại châu lục”, vị Tổng thống trả lời khi được hỏi về tình hình kinh tế Ukraine.
Cùng với việc đưa ra con số chi phí cho chiến tranh, ông Poroshenko cho biết chính quyền Kiev sẽ cần thêm 13-15 tỷ USD để khôi phục nền kinh tế và hạ tầng trong vòng 2 năm tới.
Tình hình kinh tế tồi tệ nhất từ Thế chiến II
Những xung đột triền miên trong năm 2014 đã khiến kinh tế Ukraine rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Theo công bố của thống đốc ngân hàng trung ương Valeria Gontareva hồi cuối tháng 12, tăng trưởng GDP của Ukraine năm qua ở mức -7,5%, tồi tệ nhất trong nhiều thập niên.
“Đất nước chúng ta chưa từng trải qua một năm khó khăn như vậy ít nhất kể từ Thế chiến II”, bà Gontareva phát biểu tại buổi họp báo cuối năm.
Hồi cuối năm, quốc hội Ukraine đã phải thông qua chính sách thắt lưng buộc bụng, để đổi lại khoản cứu trợ khẩn cấp của IMF. Trong năm qua, lạm phát tại nước này đã lên mức 24,9%, cao nhất 14 năm qua. Chỉ một năm trước đó, CPI của Ukraine chỉ là 0,5%.
Lần gần nhất quốc gia thuộc Liên Xô (cũ) từng chứng kiến CPI cao như vậy là năm 2000, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu tràn tới quốc gia này, đẩy lạm phát vọt lên 25,8%.
Khủng hoảng khiến cho dự trữ vàng và ngoại tệ của nước này bị mất đi hơn một nửa, sụt xuống dưới mức 10 tỷ USD, thấp nhất trong 5 năm qua. Tình hình khiến ngân hàng trung ương buộc phải thả nổi đồng nội tệ hryvnia, khiến nó mất giá gần 100% so với USD, từ 8,24 hryvnia đổi 1 USD đầu năm 2014, lên trên 16 hryvnia đổi 1 USD hiện nay.
Phương Tây thờ ơ trước tiếng kêu cứu từ Kiev
Để ngăn nền kinh tế Ukraine khỏi sụp đổ, nước này sẽ cần thêm 15 tỷ USD trong năm 2015, sau khi đã được thu xếp IMF cứu trợ 17 tỷ USD hồi năm ngoái, Washington Post dẫn số liệu của Liên minh châu Âu cho biết.
Tổng thống Petro Poroshenko và thủ tướng Arseniy Yatsenyuk đã nhiều lần hối thúc, kêu gọi EU, IMF và Washington hỗ trợ, nhưng đáp lại là những phản hồi không mấy tích cực.
Đến nay, Mỹ mới chỉ đồng ý cung cấp các khoản vay trị giá 2 tỷ USD trong năm nay. Tương tự, EU hồi đầu tháng trước cũng đưa ra con số cam kết 1,8 tỷ euro (2,13 tỷ USD) dành cho Ukraine.
Chính phủ các quốc gia phương Tây từng khẳng định, những hỗ trợ tiếp theo phải gắn liền với một chương trình cải cách kinh tế đáng tin cậy. Những cải cách đó bao gồm cắt giảm chi tiêu chính phủ 10%, thả nổi giá khí đốt theo giá thị trường, dỡ bỏ những hạn chế về nhập khẩu và lao động, cổ phần hóa hàng trăm doanh nghiệp quốc doanh cùng nhiều điều kiện khó khăn khác.
Trước tình cảnh khốn khó, quốc hội Ukraine đã phải phê chuẩn các biện pháp này để nhận các khoản cứu trợ. Nhưng số tiền trên vẫn nhỏ hơn nhiều khoản nợ dự kiến lên tới 10 tỷ USD mà Kiev phải hoàn trả trong năm nay, Viện kinh tế quốc tế, có trụ sở tại Washington cho biết.
Tình hình sẽ càng ngặt nghèo hơn cho Ukraine khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 3/2 khẳng định nước này muốn đòi lại khoản vay 3 tỷ USD đã cấp cho Kiev hồi năm ngoái, để phục vụ chương trình kích thích kinh tế của mình.
Hồi tuần trước, Moscow đã công bố gói kích thích 34,7 tỷ USD, nhằm mục tiêu cứu trợ các ngân hàng và các công ty lớn. Dự kiến khoản vay 3 tỷ này sẽ đến hạn vào tháng 12/2015, và khi đó, tình hình của Ukraine sẽ thực sự càng khó khăn chồng chất.
Tổng hợp