Dòng vốn loay hoay tìm kênh đầu tư

(Dân trí) - Đầu tư vào đâu đang là mối băn khoăn của nhiều người dân trong bối cảnh lạm phát tăng, thị trường vàng miếng im ắng, giao dịch ngoại tệ khó khăn, chứng khoán “lình xình”, lãi suất tiết kiệm không hấp dẫn, thị trường bất động sản gần như đóng băng như hiện nay.

Thị trường vàng miếng trầm lắng

Giao dịch vàng miếng tại các tiệm vàng từ nửa tháng nay gần như đóng băng, sức mua giảm hơn 30% sau khi có thông tin tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Người dân với thói quen tích cóp vàng miếng nay lại chuyển sang tích trữ vàng nữ trang, nhẫn tròn trơn bất chấp những rủi ro giá cả của loại hàng này.
 
Dòng vốn loay hoay tìm kênh đầu tư - 1
(ảnh minh họa)

Ông Trần Nhật Nam, Trưởng phòng kinh doanh vàng của Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, cho biết giao dịch vàng nhẫn những ngày này tăng mạnh, tăng khoảng 50-60% so với trước ngày 24/2. Trong số lượng vàng bán ra hằng ngày, từ mức chiếm 20% thì hiện tại số lượng vàng nhẫn bán ra đã chiếm khoảng 60%.

Theo ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, với người dân thì vàng vẫn là phương tiện đầu tư tích trữ lý tưởng, nhất là khi về mặt dài hạn, do đó, vàng vẫn có triển vọng tăng giá.

“Nếu dân chỉ được bán vàng miếng cho Nhà nước mà không được quyền mua thì đến một lúc nào đó, nhu cầu tăng cao ắt sẽ xuất hiện "cung" dưới dạng một thị trường ngầm”, ông Phú nhận định.

Tại cuộc họp của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia với Chính phủ hôm 17/3 về các vấn đề quản lý thị trường vàng, ngoại tệ, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng kết luận người dân được quyền sở hữu, mua bán vàng miếng với một số đầu mối do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, cũng cho biết, vấn đề quản lý thị trường vàng sẽ theo hướng chặt chẽ. Người dân vẫn được mua bán vàng miếng nhưng chỉ giao dịch tại các điểm giao dịch được cấp phép kinh doanh vàng miếng. Đặc biệt, người dân không được sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.

Căng thẳng trên thị trường ngoại tệ

Thị trường ngoại tệ tự do từ cuối tháng 2 đến nay gần như ngừng giao dịch. Khách có nhu cầu mua ngoại tệ cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Dường như thị trường này đã bị dẹp bỏ sau những biện mạnh tay của cơ quan chức năng gần đây trong việc xử lý mua bán ngoại tệ trái phép. Tuy nhiên, tại không ít ngân hàng thương mại, việc người dân gõ cửa mua USD tại đây vẫn rất khó khăn. Một số ngân hàng thừa nhận do cung ngoại tệ chưa dư dả để có thể cung cấp đủ cho khách hàng cá nhân. Nhiều ngân hàng chỉ bán tối đa từ 100-500 USD cho khách hàng cá nhân.

Có “cầu” ắt có “cung”, những giao dịch ngầm tại một số đại lý thu đổi đã xuất hiện. Thậm chí tại một số điểm trên khu vực ven hồ Hoàn Kiếm, và ở một số địa phương, hoạt động mua bán ngoại tệ “ngầm” vẫn diễn ra với các hình thức tinh vi. Mức giá được dân buôn ở đây đưa ra khá cao với 22.400 VND/USD trong khi đó giá mua vào dao động trong khoảng từ 20.900 - 21.000 VND/USD, tùy vào sự khéo léo mặc cả của từng khách hàng khi giao dịch.

Chính sự căng thẳng trên thị trường ngoại tệ tự do, giá USD hạ nhiệt lại khó dự đoán, nên nhiều nhà đầu tư dù có tiền cũng không dám mạo hiểm mua.

Thị trường bất động sản đóng băng

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, thị trường vẫn còn nhiều cơ hội tốt để phát triển, có thể lạc quan về trung và dài hạn. Nhưng một trong những vấn đề khó khăn nhất là nguồn vốn đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện nay.

Trong khi đó, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành chỉ thị “lượng hoá” chủ trương thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát. Theo đó, tín dụng với lĩnh vực phi sản xuất, nhất là tín dụng với bất động sản và chứng khoán được yêu cầu phải giảm tốc độ và tỷ trọng, đến tháng 6/2011 còn tối đa 22% so với tổng dư nợ và tiếp tục giảm còn tối đa 16% đến hết năm nay.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang suy giảm hiện nay thì chỉ thị này dường như càng khiến cho nhiều nhà đầu tư “lực bất tòng tâm”.

Chứng khoán ảm đạm

Sự lình xình của thị trường này trong suốt thời gian dài khiến nhà đầu tư mất niềm tin, nhất là trong bối cảnh thiếu những thông tin tích cực. Một số phiên tăng điểm mạnh đầu tháng 3 nhưng rồi lại nhanh chóng tụt dốc. Liên tiếp trong mấy phiên gần đây, VN-Index bị mất điểm, thậm chí phiên giao dịch sáng 17/3 đã về sát mốc 460 điểm, HNX-Index cũng chưa vượt xa mốc 90 điểm. Thị trường đang chờ đợi những thông tin tiếp theo về CPI tháng 3 và những tín hiệu trên thị trường tiền tệ.

Gửi tiết kiệm có phải là tối ưu?

Với những người có tiền nhàn rỗi còn chưa biết đầu tư vào đâu thì gửi tiết kiệm được xem là kênh đầu tư an toàn nhất, vừa là kênh tạm trú, có thể rút tiền ra đầu tư khi có cơ hội. Thế nhưng, với việc khống chế trần lãi suất huy động ở mức 14%/năm và việc NHNN ban hành Thông tư 04/2011/TT-NHNN quy định các tổ chức tín dụng áp mức lãi suất không kỳ hạn ở mức thấp nhất đối với tiền gửi rút trước hạn khiến không ít người gửi tiền tiết kiệm phải cân nhắc lại.

Vậy nhưng, thực tế, tại một số ngân hàng thương mại, với những khách quen có số tiền gửi lớn từ trên 500 triệu đến 1 tỷ đồng có thể nhận được mức lãi suất tới 18%/năm qua các thỏa thuận “ngầm” và các chiêu lách luật của nhà băng.

Chưa kể, mấy ngày gần đây, để giữ chân khách hàng, các ngân hàng đã điều chỉnh mức lãi suất tiền gửi VND không kỳ hạn lên tới 8-9%/năm (như tại VPBank, MaritimeBank…), cá biệt tới 12%/năm với khách hàng đăng ký sử dụng tài khoản tiết kiệm thông minh SeASave Smart tại Ngân hàng SeABank…

Và như vậy, so với lãi suất huy động USD, lãi suất VND vẫn đang chiếm lợi thế, nhất là hiện nay lãi suất tiền gửi ngoại tệ đang được các nhà băng điều chỉnh giảm sau một loạt các biện pháp chống đôla hóa và giảm găm giữ ngoại tệ của cơ quan chức năng cũng như siết tín dụng ngoại tệ.

Kim Chi