Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:

Dòng vốn đầu tư gián tiếp đã quay trở lại Việt Nam hậu Covid-19

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và cũng theo ông, những đề xuất về điều chỉnh, gia hạn, miễn các sắc thuế trong thời gian qua sẽ tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

“Đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn, khiến cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp bị thu hẹp hoặc mất thị trường, đứt gẫy chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu, ngưng dòng tiền, gặp khó khăn trong thanh khoản, hàng triệu người lao động giảm thu nhập, mất việc làm” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phân tích, và cũng theo ông, những đề xuất về điều chỉnh, gia hạn, miễn các sắc thuế trong thời gian qua sẽ tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.  

Dòng vốn đầu tư gián tiếp đã quay trở lại Việt Nam hậu Covid-19 - 1

Thưa Bộ trưởng, nếu nhìn vào Bộ Tài chính thời gian vừa qua có thể thấy hàng loạt những chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm phục hồi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đó là cả một sự “thần tốc”, vậy mục tiêu cao nhất mà Bộ Tài chính mong muốn đạt được là gì?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Những năm qua, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tài chính luôn bám sát diễn biến tình hình thực tế trong nước và quốc tế cũng như phản ánh của doanh nghiệp, người dân, thường xuyên rà soát, đánh giá để đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tế, các biện pháp phòng, chống dịch đã được người dân và cả hệ thống chính trị ủng hộ và đồng tâm thực hiện. Nhờ đó, công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam đã đạt được kết quả rất tích cực, được nhiều tổ chức và bạn bè quốc tế công nhận, đánh giá cao.

Chúng tôi cho rằng, tác động của đại dịch Covid-19 là rất lớn, các biện pháp chúng ta đã và đang thực hiện cũng rất chủ động, tích cực, quy mô lớn ở mức chưa có tiền lệ. Trong bối cảnh đó, chúng tôi thấy rất cần có sự chia sẻ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, đồng thời, kêu gọi sự chung tay giúp sức, chia sẻ và ủng hộ từ cộng đồng xã hội, doanh nghiệp và người dân. Hiện Bộ Tài chính vẫn đang phối hợp tích cực với các Bộ, ngành để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ với cùng mục tiêu cao nhất, thống nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch bệnh hậu Covid-19.

Dòng vốn đầu tư gián tiếp đã quay trở lại Việt Nam hậu Covid-19 - 2

Việt Nam kiểm soát rất tốt dịch Covid-19 là lợi thế quan trọng để thu hút thêm các dòng vốn đầu tư từ nước ngoài

Rất khó khăn khi đối phó với đại dịch có sức tàn phá lớn

Sau hàng loạt đề xuất hỗ trợ, trong khi con số thu ngân sách sụt giảm là thấy rõ, xin hỏi Bộ trưởng, ngân sách Nhà nước có thể “chịu đựng” được không?

- Mọi số liệu đưa ra đến thời điểm hiện nay chỉ là dự báo, kể cả số liệu tăng trưởng kinh tế, hoạt động xuất nhập khẩu, giá dầu thô, và tác động do việc điều chỉnh chính sách thu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân tới cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, một điều đáng mừng là trong thời gian vừa qua, chúng ta đã tiến được một bước khá dài trong việc củng cố lại ngân sách Nhà nước và nợ công, từng bước cơ cấu lại theo hướng vững chắc hơn, an toàn hơn.

Vì vậy, kể cả trong trường hợp phải điều chỉnh tăng bội chi, chúng tôi cho rằng mức tăng cũng có thể chấp nhận được theo hướng vẫn giữ được mục tiêu giữ bội chi ngân sách Nhà nước bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 không quá 3,9% GDP và nợ công dù năm nay có thể tăng, nhưng khả năng vẫn thấp hơn mức 60% GDP, giảm so với thời điểm bước vào kỳ kế hoạch 5 năm này (63,7% GDP) và thấp hơn mục tiêu là không quá 65% GDP. 

Xin hỏi Bộ trưởng, ông có thực sự lo lắng khi áp lực về những con số “nhảy múa” khi dịch bệnh ập tới? 

Chắc chắn! Khi tình hình dịch bệnh xảy ra, đặc biệt là khi dịch lan rộng trong khu vực và trên thế giới, thực sự chúng tôi có lo lắng, bởi quy mô nền kinh tế của ta còn nhỏ, nền tảng vĩ mô tuy đã được củng cố, nhưng còn chưa vững chắc khi 93% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, có độ mở rất cao bởi kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm khoảng 200% GDP, nên khi đối phó với đại dịch có sức tàn phá lớn như dịch Covid-19 thì rất khó khăn.

Trên tinh thần đó, chúng tôi đã chủ động bám sát diễn biến dịch bệnh, xây dựng phương án điều hành; đề xuất các giải pháp về tài khóa để ứng phó, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và an toàn xã hội. Các vấn đề đều được xử lý nhanh nhất ở mức có thể, trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Chống dịch như chống giặc”.

Không e ngại trước những thông tin trái chiều 

Bộ trưởng có e ngại trước những thông tin trái chiều, không đồng tình với các chính sách do chính Bộ mình đề xuất? 

Chúng tôi cho rằng, đất nước chúng ta ngày càng đi theo hướng dân chủ, cởi mở, công khai, minh bạch. Vì vậy, trước yêu cầu xử lý một vấn đề, có thể có những ý kiến khác nhau, xuất phát từ quan điểm, cách nhìn nhận, thậm chí do thông tin, tuyên truyền không đầy đủ, kịp thời.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, chúng tôi không e ngại trước việc những thông tin trái chiều đối với các chính sách do Bộ mình đề xuất. Trái lại, chúng tôi coi đây là nguồn thông tin quan trọng, đóng góp tâm huyết, có trách nhiệm đối với các hoạt động của Bộ, để từ đó soát xét lại các đề xuất của mình, để từ đó có những điều chỉnh cần thiết, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền có các giải pháp chính sách tài khóa phù hợp nhất.

Đồng thời, chúng tôi cũng thấy rõ trách nhiệm của bản thân khi đề xuất xây dựng chính sách, cần nghiên cứu kỹ tình hình thực tiễn trong nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý..., đặc biệt là cần có trao đổi, cung cấp đầy đủ thông tin đến các đối tượng quan tâm để mọi doanh nghiệp, cá nhân hiểu và từ đó tạo sự đồng thuận cao hơn.

Thưa Bộ trưởng, dấu hiệu tích cực nhất mà chúng ta có được sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tại Việt Nam? 

Đó là sự vận hành trở lại bình thường của nền kinh tế và cả xã hội. Đó là sự giao thương hàng hóa, du lịch, đầu tư không chỉ trong phạm vi nước ta mà cả trong khu vực và trên thế giới. Đó là sự hoạt động trở lại của hàng trăm nghìn doanh nghiệp, hộ gia đình và theo đó là hàng triệu người lao động quay lại làm việc, có thu nhập để trang trải cuộc sống...

Và trên hết, đó là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại những yếu kém của nền kinh tế, để có những quyết tâm cải cách, đổi mới mạnh mẽ hơn, sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới từ việc nâng cao vị thế của Việt Nam qua công tác phòng, chống dịch và từ việc mở cửa, hội nhập đem lại. Bên cạnh đó, qua dịch bệnh lần này, chúng ta cần có các bước chuẩn bị tích cực hơn, đầy đủ hơn, cả về tâm thế, nguồn lực gồm cả tài chính lẫn con người để đối phó với các tình huống thiên tai, dịch bệnh trong tương lai có thể ở quy mô lớn hơn.

Bài học nâng dần khả năng độc lập, tự chủ của nền kinh tế và doanh nghiệp 

Bộ trưởng đánh giá thế nào về sức “chống chịu” của doanh nghiệp Việt khi dịch bệnh đi qua? Nhiều ý kiến đánh giá cho rằng “non, yếu, không có dự trữ, không có dòng tiền”?

Đại dịch Covid-19 đã có những tác động mạnh mẽ, từ lĩnh vực y tế mở rộng sang các lĩnh vực kinh tế và xã hội. Giám đốc Điều hành IMF nhận định, cuộc khủng hoảng do dịch bệnh lần này không giống bất kỳ cuộc khủng hoảng nào mà IMF từng thấy trong 75 năm qua và sẽ nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đại dịch Covid-19 sẽ khiến kinh tế thế giới tăng trưởng âm trong năm 2020 và gây ra sự sụp đổ tồi tệ nhất kể từ sau cuộc đại suy thoái năm 1930 đến nay. Tổ chức thương mại thế giới đánh giá, dịch Covid-19 có thể làm giảm tới 1/3 thương mại toàn cầu, cao hơn nhiều so với mức giảm 12,5% trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.

Chúng tôi nói như vậy để thấy rằng, không chỉ có các doanh nghiệp Việt Nam mà doanh nghiệp ở nhiều nước trên thế giới đang gặp nhiều khó khăn do tác động làm đứt gãy nguồn cung ứng đầu vào và bế tắc trong việc tìm thị trường đầu ra, từ đó gián đoạn dòng tiền, mất khả năng thanh khoản và phải đóng cửa, phá sản. Ở nước ta, 93% doanh nghiệp đang hoạt động là nhỏ và siêu nhỏ - đây là những đối tượng chịu tác động lớn nhất. Trong bối cảnh đó, các chính sách tài khóa của chúng tôi đề xuất như giãn nộp thuế, đẩy sớm lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp... đã tập trung chủ yếu cho các đối tượng này, nhằm giảm gánh nặng chi phí, giúp doanh nghiệp, người kinh doanh cầm cự, vượt qua khó khăn trước mắt về tài chính, duy trì sản xuất và việc làm cho người lao động; đồng thời nắm bắt được các cơ hội để phục hồi và phát triển. 

Còn góc chuỗi cung ứng toàn cầu của ta? Nhiều nhận định cho rằng, “đứt, gãy” ngay khi “bung” một “mắt xích” nào đó?

Thời gian qua, mặc dù tình trạng tranh chấp thương mại, bảo hộ thị trường có gia tăng, nhưng xu thế chung trên thế giới vẫn là hội nhập, phân phối lại sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của từng nền kinh tế ở từng giai đoạn. Trong bối cảnh đó, chúng ta cần phải xác định được vị thế của mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tận dụng được các thế mạnh để nhanh chóng vươn lên.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong thời gian qua cho chúng ta và nhiều nước trên thế giới bài học về việc phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng từ một hoặc một vài nền kinh tế. Chúng ta cũng đã thấy nhiều ngành sản xuất trong nước phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu ở nước ngoài (kể cả các doanh nghiệp lớn như Samsung) đã gặp khó khăn như thế nào khi dịch bệnh xảy ra, hay nói cách khác khi “một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu bị bung”.