Dòng tiền nóng sẽ ồ ạt vào chứng khoán Việt Nam

(Dân trí) - Nhà đầu tư sẽ lại tìm đến Việt Nam bởi thị giá cổ phiếu hiện ở mức quá hấp dẫn để có thể bỏ qua và vì nhiều yếu tố tích cực khác.

Dòng tiền nóng sẽ ồ ạt vào chứng khoán Việt Nam - 1
Chứng khoán Việt Nam được nhận định đã xuống đến đáy.
 
Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam

Chỉ số VnIndex đã hạ 25% trong 12 tháng qua, chỉ số HNX trên sàn Hà Nội cũng giảm với mức độ tương tự. Trong khi đó chỉ số chính của thị trường chứng khoán Sri Lanka tăng 116%, chỉ số chính trên thị trường Malaysia tăng 43% còn chỉ số chính của thị trường Jakarta - Indonexia và Bangkok - Thái Lan tăng lần lượt 41% và 35%.

Thị trường chứng khoán non trẻ của Việt Nam đầy biến động những năm vừa qua. Năm 2006, khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, chỉ số chính tăng tới 116%, mức tăng mạnh nhất trên toàn thế giới.

Thị trường tăng trưởng quá nóng và sau đó suy thoái kinh tế xảy ra. Nhà đầu tư rút tiền. Năm 2008, thị trường chứng khoán Việt Nam sụt 66% và trở thành thị trường đi xuống tồi tệ nhất thế giới.

Năm 2009, chỉ số chính trên thị trường đi lên cùng với triển vọng kinh tế toàn cầu trước khi trở nên thiếu liên kết vào tháng 10. Nhà đầu tư cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ yếu tố bất ổn về kinh tế vĩ mô.

Số liệu từ công ty chứng khoán Lipper Securities cho thấy các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam “lãnh đủ”. Từ cuối năm 2009 đến đầu tháng 10/2010, 17/20 quỹ ghi nhận mức tăng trưởng kém nhất trên thế giới là quỹ đầu tư trọng tâm vào Việt Nam.

Khoảng cách chiết khấu giữa thị giá và NAV của các quỹ ngày một rộng hơn. Tháng 9/2010, Indochina Capital giải tán quỹ niêm yết trên sàn London năm 2007 với giao dịch thấp hơn so với NAV 50%.

Đã đến lúc tin vào thị trường Việt Nam

Tháng 8/2010, công ty chứng khoán Numis Securities công bố báo cáo 115 trang cho rằng đã đến lúc nhìn lại yếu tố vững mạnh và triển vọng sáng sủa của Việt Nam.

Nhiều quỹ tại Việt Nam dự báo thị trường Việt Nam sắp hồi phục. Chuyên gia phân tích quốc tế trong khi đó thận trọng hơn.

Ông Don Lam, giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Vinacapital, cho rằng hiện đã đến thời điểm đầu tư vào Việt Nam bởi cổ phiếu ở mức hấp dẫn, kinh tế vĩ mô đã ổn định sau thời kỳ 2007 - 2009, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp ở mức trung bình khoảng 15%.

Theo số liệu của Thomson Reuters StarMine, chỉ số P/E của Việt Nam hiện là 11,2 lần, thấp nhất trong khu vực. Chỉ số P/E của Thái Lan là 17,2 lần còn Indonesia là 23,1 lần.

Chỉ số P/B của Việt Nam thấp hơn so với mức trung bình của các quốc gia châu Á (trừ Nhật Bản); thấp hơn nhiều so với P/B của Thái Lan, Philippines, Trung Quốc và Indonesia.

Ông Chris Freund, cựu sáng lập Mekong Capital, quỹ đầu tư chứng khoán tập trung vào thị trường Việt Nam, cho rằng chu kỳ mới đã hình thành và mọi chuyện sẽ thay đổi: “Tôi đã chứng khiến mô hình trên nhiều lần và trong bối cảnh thị trường như thế này, vốn sẽ vào ồ ạt.

Tất nhiên hiện tại, chúng ta đang ở trong giai đoạn khi vốn chỉ vào nhỏ giọt thế nhưng nếu để chờ dòng vốn vào ồ ạt, sẽ chỉ còn vấn đề thời gian. Tôi chưa nhìn thấy dấu hiệu của sự thay đổi lớn thế nhưng thật khó để cho rằng sẽ phải chờ lâu hơn”.

Thị trường sẽ lên mạnh vào đầu năm tới

Khi nhà đầu tư nội địa tham gia mạnh vào thị trường, dòng vốn ngoại sẽ dâng cao thế nhưng mọi chuyện chưa thể xảy ra cho đến đầu năm 2011.

Gần đây, Thông tư 13 quy định về tỷ lệ an toàn vốn đã khiến thị trường lo lắng còn các ngân hàng đau đầu trong huy động vốn. Dù vậy, giới chuyên gia đánh giá thông tư sẽ giúp ngành ngân hàng mạnh hơn trong tương lai.

Mặt bằng lãi suất cao, nhiều công ty cũng sẽ tìm đến thị trường chứng khoán để huy động vốn. Sau vụ việc Vinashin, nỗ lực cải tổ doanh nghiệp nhà nước sẽ đẩy cao, nhóm doanh nghiệp này sẽ hoạt động hiệu quả hơn.

Dragon Capital trong báo cáo mới đây nhận định: “Hiện nay, giá cổ phiếu đang ở mức thấp, hoạt động cải tổ doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng được thực hiện. Thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh khi các ngân hàng hoàn thành tăng vốn. Điều này có thể diễn ra trong vài năm tới khi nhà đầu tư nước ngoài chưa trở lại”.

Vũ Nguyễn
Theo Reuters