Đồng rúp rớt giá thảm vì căng thẳng Ukraine

(Dân trí) - Chiến sự leo thang ở miền Đông Ukraine mấy ngày qua đây đã đẩy tỷ giá đồng Rúp của Nga xuống mức thấp kỷ lục so với USD. Thị trường chứng khoán Nga cũng xuống dốc do lo ngại nước này sẽ lĩnh thêm đòn trừng phạt mới từ phương Tây.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* Hàng loạt chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ hôm nay 1/9
* Uẩn khúc sau vụ vỡ nợ hàng chục tỉ đồng do buôn bán gỗ Lào
* Hà Nội bắn pháo hoa tại 30 điểm dịp Giải phóng Thủ đô
* "Đường bay vàng": Vì sao không phải bao giờ mà là bây giờ?
*
Dân ngán hàng hiệu lỗi mốt, cận đát

Phiên giao dịch ngày thứ Sáu vừa rồi tại Moscow, tỷ giá đồng Rúp có lúc giảm xuống mức thấp chưa từng có trong lịch sử là 37,0260 Rúp/USD. Vào cuối ngày giao dịch, tỷ giá của đồng tiền này là 37,0130 Rúp/USD, giảm 0,7% so với mức chốt của phiên giao dịch trước đó.

Mức tỷ giá thấp kỷ lục trước đó của đồng Rúp được ghi nhận là ngưỡng 37 Rúp/USD thiết lập sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3 năm nay.

Chỉ số Micex của thị trường chứng khoán Nga “bốc hơi” 1,6% trong phiên cuối cùng của tuần, nâng mức giảm của cả tuần lên 3,1%.

Mấy ngày gần đây, cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine đang bước sang một giai đoạn mới căng thẳng hơn khi quân nổi dậy phản công mạnh mẽ quân chính phủ trong mấy ngày gần đây và mở thêm chiến địa mới. Kiev và đồng minhphương Tây cáo buộc Nga đã đưa thêm quân và vũ khí sang Ukraine để hỗ trợ cho quân nổi dậy tạo ra sự thay đổi cục diện này.

Tại cuộc họp thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vào ngày thứ Bảy (30/7), các nhà lãnh đạo khối này nhất trí chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới dành cho Nga nếu Tổng thống Vladimir Putin không thay đổi lập trường. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới sẽ sẵn sàng trong vòng 1 tuần và ông Putin cần hành động để tránh sự trừng phạt này.

“Sẽ có quyết định về lệnh trừng phạt mới nếu tình hình như hiện nay tiếp diễn hoặc xấu đi”, bà Merkel phát biểu sau cuộc họp.

Vào hôm thứ Năm, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo, Nga sẽ đối mặt với “thêm tổn thất và hậu quả” vì điều mà phương Tây cho là Nga xâm phạm lãnh thổ Ukraine.

Trong một báo cáo mới ra, ngân hàng JPMorgan Chase nhận định, thị trường chứng khoán Nga có thể sẽ đối mặt một cú sốc tương tự như những gì nước này đã trải qua sau vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers hồi năm 2008. Theo một báo cáo của JPMorgan, những rủi ro mà lệnh trừng phạt mang lại đối với Nga là không có hồi kết, đặt chỉ số Micex của thị trường chứng khoán nước này trước nguy cơ giảm thêm 50%.

“Các nhà đầu tư đang lo ngại trước các hoạt động quân sự được tăng cường”, ông Artem /Roschin, một nhà giao dịch ngoại hối tại ngân hàng OOO KB Aljba Alliance ở Moscow, nhận định.

Dưới tác động của các lệnh trừng phạt, nền kinh tế Nga đã giảm tốc mạnh và ngấp nghé bờ vực suy thoái. Theo dự báo của Bộ Kinh tế Nga, nền kinh tế nước này sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm 2014.

Tuy vậy, theo chuyên gia của JPMorgan, nguy cơ đối với kinh tế Nga hiện nay có thể sẽ không nghiêm trọng như những gì xảy ra sau vụ Lehman hồi năm 2008, bởi dầu thô - nguồn thu nhập chính của Moscow - vẫn giữ giá và sự suy giảm tăng trưởng kinh tế Nga có thể sẽ không lớn như ở thời điểm đó.

Theo số liệu từ hãng tin tài chính Bloomberg, trong tháng 8, đồng Rúp mất giá khoảng 3,8% so với USD. Giới phân tích cảnh báo rằng, đồng Rúp có thể lập thêm những mức đáy mới nếu cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp tục leo thang, vì các nhà đầu tư nước ngoài là lực lượng bán ra chủ yếu đối với đồng tiền này.

Vào tháng 3 sau khi Nga sáp nhập Crimea, Ngân hàng Trung ương Nga đã can thiệp vào thị trường ngoại hối và tăng lãi suất khẩn cấp để ngăn đà lao dốc của đồng nội tệ.

Tuy nhiên, vào giữa tháng 8, Ngân hàng Trung ương Nga đã nới rộng biên độ dao động tỷ giá đồng Rúp và chấm dứt mọi biện pháp can thiệp bên trong khoảng biên độ này. Động thái này là một phần trong mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Nga chuyển sang chính sách lấy lạm phát làm mục tiêu dự kiến từ năm 2015, nhưng việc chấm dứt can thiệp đồng nghĩa với việc đồng Rúp sẽ không được hỗ trợ trong trường hợp áp lực giảm giá gia tăng.

Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng khiến đồng Hrvynia của nước này mất giá mạnh. Trong phiên giao dịch thứ Tư tuần trước, đồng Hrvynia mất giá 1,7% so với đồng USD, còn 14 Hrvynia/USD, từ mức khoảng 8 Hrvynia/USD trước khi Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bị lật đổ hồi tháng 2.

Quý 2 năm nay, kinh tế Ukraine suy giảm 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm sâu nhất kể từ năm 2009. Kiev và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cùng dự báo, kinh tế Ukraine sẽ suy giảm 6,5% trong năm nay.

Không chỉ khiến kinh tế Nga và Ukraine điêu đứng, cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine còn khiến một số quốc gia láng giềng của hai nước này bị “vạ lây”. Ba Lan là một trong những quốc gia như vậy.

Đồng Zloty của nước này đã giảm giá xuống mức thấp nhất so với đồng Euro vào hôm thứ Sáu tuần trước. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ba Lan Marek Beka dự báo, cuộc khủng hoảng Ukraine có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này giảm 0,2-0,3 điểm phần trăm.

Phương Anh
Tổng hợp
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước