Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2025 đến từ đâu?
(Dân trí) - Giới chuyên gia cho rằng quyết tâm của Chính phủ về hoàn thiện thể chế, đưa ra những quyết sách tháo gỡ pháp lý để khơi thông nguồn lực kinh tế là động lực tăng trưởng năm 2025.
Sáng nay (8/11), Diễn đàn đầu tư Việt Nam 2025 với chủ đề "Khai thông và bứt phá" được tổ chức tại TPHCM.
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội khóa XV - cho rằng bối cảnh kinh tế vĩ mô 2024-2025 có nhiều cơ hội tăng trưởng. Năng lực quản trị, điều hành của Chính phủ và thể chế được cải thiện, có nhiều quyết sách đầu tư mới, mở ra cơ hội lạc quan hơn trong những năm tiếp theo.
Ông Hiếu nhấn mạnh đến thông điệp, quyết tâm của Chính phủ về hoàn thiện thể chế, đưa ra những quyết sách tháo gỡ pháp lý để khơi thông nguồn lực. Nhiều luật được sửa đổi, 2 nghị quyết thí điểm về xử lý tài sản và cơ chế sử dụng đất cho nhà ở thương mại.
Quốc hội còn thực hiện giám sát tối cao với thị trường bất động sản, sắp tới đây sẽ có nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc dự án để phát triển dài hạn thị trường. Việc tháo gỡ khó khăn tại dự án là cách nhanh nhất để tạo nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, song song với phát triển dự án mới.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương - cho rằng một trong những động lực lớn nhất năm 2025 là sự quyết liệt trong điều hành, tổ chức thực hiện, có nhiều cách làm mới.
Thông điệp cao nhất của Chính phủ là phát triển nhanh để ổn định, thay đổi so với mục tiêu nhanh, bền vững mà trước nay luôn nhắc đến. Các chính sách điều hành cũng chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn nhưng đảm bảo ổn định vĩ mô, như mục tiêu lạm phát khoảng 4,5%, thâm hụt ngân sách khoảng 3,7%... Chính phủ cũng quyết liệt xóa bỏ những rào cản sử dụng nguồn lực sẵn có của nền kinh tế.
Nói về động lực tăng trưởng năm 2025, ông Tú Anh cho rằng đến từ cầu đầu tư, bao gồm đầu tư nhà nước và đầu tư tư nhân. Trong đó, đầu tư công sẽ được đẩy mạnh.
Làm rõ hơn, ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam - cho rằng trong năm 2024, xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài là động lực tăng trưởng chính, duy trì xu hướng tích cực. Tuy nhiên, xu hướng chung của kinh tế thế giới đang hạ nhiệt nên năm 2025, mảng này sẽ khó duy trì là động lực tăng trưởng chính của vĩ mô.
Trong nước, tiêu dùng còn yếu, đầu tư tư nhân tăng yếu, còn chi tiêu Chính phủ bao gồm đầu tư công, chi tiêu ngân sách thấp hơn kế hoạch. Do đó, năm 2025, chi tiêu Chính phủ còn dư địa tăng trưởng, có thể kéo tiêu dùng nội địa và đầu tư nội địa tăng lên.
Một số diễn giả tại diễn đàn thừa nhận mục tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2026-2030 ở mức 7,5-8% là chưa bao giờ có trong lịch sử. Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc đầu tư Dgragon Capital - nói cần phải nghĩ lớn, làm lớn. Nếu mục tiêu đặt ra chỉ loanh quanh 6,5-7% thì nền kinh tế sẽ mãi mãi như vậy.
Với triển vọng kinh tế vĩ mô như vậy, ông Nguyễn Bá Hùng đánh giá Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để thu hút dòng vốn ngoại (FDI). Theo ông Hùng, xu hướng chung của thế giới và khu vực đang giảm đầu tư vào Trung Quốc và tìm kiếm nền kinh tế thứ 3. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nhóm được hưởng lợi từ xu hướng này.
Bên cạnh xu hướng chung, Việt Nam cũng có nhiều yếu tố nội tại có thể thu hút FDI. Thực tế cho thấy, sức hút này đã đạt ngưỡng gây áp lực lên hạ tầng năng lượng, giao thông, bến cảng, hàng hóa, chi phí vận tải logistics vẫn trong nhóm cao. Sự hấp dẫn của Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới là tháo gỡ nút thắt hạ tầng và khó khăn phát triển nguồn nhân lực thì có thể tranh thủ tốt hơn cơ hội này.