1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đón làn sóng đầu tư vào dịch vụ

Thương mại - dịch vụ hiện vẫn đang là khu vực có nhiều hạn chế đối với đầu tư nước ngoài, nhưng mọi việc sẽ thay đổi khi Việt Nam gia nhập WTO. Rất nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi để được đầu tư vào lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng này.

Trong quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về mở của thị trường, tư do hoá thương mại, dịch vụ cũng như các cam kết về tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư liên quan đến thương mại.

 

Điều này, chắc chắn sẽ kéo theo một làn sóng đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực dịch vụ, trong đó các lĩnh vực quan trọng như bảo hiểm, phân phối, ngân hàng, viễn thông... sẽ có sự cạnh tranh sôi động hơn.

 

Bộ Thương mại cho biết, để gia nhập WTO, Việt Nam phải cam kết đảm bảo các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ở mức độ nhất định. Mở cửa thương mại dịch vụ là vấn đề nóng nhất tại các vòng đàm phán song phương và đa phương về gia nhập WTO. Đa số các nước đều đòi hỏi có sự cam kết này, ở mức độ mở cửa cuối cùng còn phụ thuộc vào quá trình đàm phán.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO Lương Văn Tự, thì tại bản chào mới nhất, Việt Nam đã cam kết mở cửa khá rộng, gần bằng các cam kết của Trung Quốc trước đây và có thể đến khi kết thúc đàm phán những cam kết mở cửa dịch vụ của Việt Nam về diện rộng có thể bằng Trung Quốc nhưng về độ mở sâu các dịch vụ có thể sẽ được cân nhắc hơn.

 

Theo ông Lương Văn Tự, tại bản chào 4, Việt Nam đã chào mở cửa tới 92/155 phân ngành thuộc 10/11 ngành dịch vụ. Bao gồm: dịch vụ kinh doanh, dịch vụ thông tin, dịch vụ tài chính- ngân hàng, dịch vụ phân phối, dịch vụ xây dựng và các dịch vụ kỹ thuật đồng bộ liên quan, dịch vụ y tế - xã hội, dịch vụ du lịch, dịch vụ văn hoá - giải trí, dịch vụ vận tải, dịch vụ giáo dục.

 

Như vậy, Việt Nam đã cam kết mở cửa hầu hết các ngành dịch vụ, chỉ trừ dịch vụ môi trường là chưa chào mở cửa nhưng không có nghĩa là không phải mở.

 

Việt Nam cũng đã cam kết mở cửa đa số các phân ngành dịch vụ, và gần như chắc chắn, một làn sóng đầu tư vào thương mại dịch vụ sẽ diễn ra và sự cạnh tranh trong nhiều lĩnh vưc dịch vụ quan trọng như: viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm sẽ gia tăng đáng kể khi Việt Nam gia nhập WTO.

 

Trong bản chào 4, Việt Nam cam kết sẽ cắt giảm thuế tới 99,7% số dòng thuế của biểu thuế 8 số bao gồm 10.800 dòng thuế cụ thể nhất dành cho từng mặt hàng với mức thuế bình quân là 18%. Trong đó hàng công nghiệp 16%, nông nghiệp 24%, thuỷ sản 18%. Lộ trình cắt giảm hầu hết các mặt hàng là từ 3 - 5 năm.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải thực hiện các cam kết phi thuế quan bằng việc xây dựng lộ trình cắt giảm hàng rào phi thuế quan một cách hợp lý. Một số biện pháp bảo hộ trước đây như quota, giấy phép nhập khẩu, tỷ lệ nội địa hoá sẽ dần được bãi bỏ...

 

Sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại dịch vụ sẽ có tác động dây chuyền tích cực làm tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường, giúp các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi thêm cách quản lý, phục vụ khách hàng, đồng thời tạo điều kiện để Việt Nam tiếp tục cải cách chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiếp thu khoa học công nghệ và khả năng quản lý...

 

Trước đây, khi bắt đầu mở cửa thị trường bảo hiểm, rất nhiều ý kiến lo ngại về sự cạnh tranh không cân sức giữa các tập đoàn bảo hiểm quốc tế lớn với các doanh nghiệp quy mô nhỏ trong nước. Nhưng thực tế đã cho thấy, trước sức ép cạnh tranh, các doanh nghiệp trong nước đã đổi mới mạnh mẽ hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn lên khẳng định vị trí trên thị trường.

 

Việt Nam cũng cam kết tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư liên quan đến thương mại. Đến nay, Việt Nam đã cam kết tuân thủ hoàn toàn Hiệp định về đầu tư trong WTO (TRIMs), nhằm hướng đến xoá bỏ các rào cản đầu tư với mức độ cam kết sẽ cao hơn nhiều so với cam kết của Việt Nam trong Hiệp định thương mại Việt- Mỹ.

 

Theo Lê Phong
VnEconomy