Dồn dập tăng giá, suy kiệt sức mua
Để trụ được qua thời bão giá, người dân tiếp tục áp dụng chiến lược "thắt lưng buộc bụng", chắt bóp chi tiêu. Hệ quả, cả, tiểu thương và doanh nghiệp đều lao đao khi sức mua ngày càng suy kiệt, hàng hóa ế sưng ế xỉa.
Dân cạn tiền, hàng hóa "ngóng" khách
Bà Ngô Phương Lan ở Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội), than thở: "Chưa hết sốc vì điện bất ngờ tăng giá hồi đầu tháng 7, nay tôi gần như ngã ngửa khi hay tin xăng, gas rồi cả viện phí rủ nhau tăng giá ồ ạt cùng lúc, trong khi thu nhập của gia đình không tăng, thậm chí còn có phần hao hụt khi công ty làm ăn ngày một sa sút".
Theo tính toán của bà Lan, mặc dù giá mỗi mặt hàng tăng không nhiều nhưng cộng dồn lại, mỗi tháng, gia đình bà phải chi thêm khoảng 300.000-400.000 đồng cho các khoản điện nước, gas, xăng dầu. Chưa kể, các khoản chi khác cũng đội lên tới cả triệu đồng do các mặt hàng tăng giá ăn theo.
Thu không tăng nhưng chi tăng. Để cân bằng, người dân lại phải cắt khoản này để bù khoản kia bởi túi tiền của ai cũng đang vơi dần.
Không chỉ người dân gặp khó, ngay cả đến các tiểu thương, chủ kinh doanh lớn nhỏ đều đánh vật bởi hàng hóa đã sẵn ế ẩm từ trước, nay thêm "cú" tăng giá dồn dập của nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết yếu khiến thị trường chao đảo. Vì vậy, hàng hóa lại được thời ngóng khách.
Theo ghi nhận của PV tại một số chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá các mặt hàng thực phẩm khá ổn định; một số chỉ tăng nhẹ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Đây được cho là mức tăng vừa phải chứ không ào ào như những lần trước khi xăng dầu tăng. Tuy nhiên, sức mua tại chợ từ nhỏ lẻ đến đầu mối đều suy giảm rõ rệt.
Chị Ly, một tiểu thương bán thịt gà, thịt lợn tại chợ đầu mối Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), không khỏi lo lắng bởi trước kia, mỗi ngày chị lấy hàng tạ thịt bán đến 10h sáng là hết hàng. Giờ hàng ế ẩm, lượng thịt lấy về chỉ còn chưa đầy 60kg mà ngồi "vêu" đến gần 12h trưa vẫn còn". Mặc dù giá gà, giá thịt lợn nhập vào đều tăng theo cước vận chuyển, song các tiểu thương vẫn giữ giá vì sợ hàng vốn đã ế sẽ ế hơn.
Tương tự, chị Nguyễn Hồng Anh, một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) cũng khẳng định sức mua tại chợ đã yếu sẵn từ trước, nay các mặt hàng thiết yếu thi nhau tăng giá đồng loạt hỏi làm sao hàng hóa tại chợ không "ngóng" khách? "Khách không những thưa dần mà số lượng mua cũng bị cắt giảm phân nửa. Trước, một người thường mua 4-6 lạng thịt là chuyện thường, nay ai cũng ngắm nghía rồi mua chỉ 2-3 lạng. Nhiều người chỉ cần cắt thừa ra một ít là bắt bỏ ra ngay. Ngồi bán cả ngày hiếm lắm mới có người mua tới 5-6 lạng như trước kia", chị Hồng Anh phàn nàn.
Khảo sát tại chợ Cổ Nhuế (Từ Liêm), giá thực phẩm tươi sống đang có xu hướng nhích nhẹ. Hiện, tại chợ này, các mặt hàng thịt lợn tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg lên 90.000 - 95.000 đồng/kg đối với thịt ba chỉ; riêng mông sấn, vai, sườn, nạc thăn giá 100.000 đồng/kg. Giá các loại rau xanh tương đối ổn định, chỉ có một số ít loại giá nhích lên khoảng 500 - 1.000 đồng do vào thời điểm cuối vụ.
Ngoài thị trường, trên các phố thời trang như: Cầu Giấy, Chùa Bộc, Minh Khai, Kim Mã... các biển khuyến mãi, giảm giá sốc được treo la liệt: giảm giá 60-90%, mua hai tặng một, mua một tặng một, xả hàng giảm giá 50%, đồng giá 60.000 đồng/sản phẩm, giảm giá sốc... Tuy nhiên, "khách hàng nhiều nhưng hầu như chỉ ngó nghiêng, nhìn ngắm chứ không mua" - một nhân viên shop thời trang trên đường Cầu Giấy ca thán.
Còn tại các siêu thị lớn nhỏ như: BigC Thăng Long, Fivimart chi nhánh Nguyễn Phong Sắc, siêu thị điện máy Pico Xuân Thủy... cũng chỉ thưa thớt khách qua lại. Một nhân viên siêu thị Fivimart Nguyễn Phong Sắc nhận xét: "Gần đây người mua ít hơn mặc dù giá cả không dao động nhiều, nhiều mặt hàng giá còn thấp hơn khi nằm trong chương trình khuyến mãi".
"Lượng hóa đơn thanh đoán của khách vẫn đảm bảo như trước nhưng giá trị hóa đơn của mỗi khách khi thanh toán thì có phần giảm đi đáng kể", một nhân viê thu ngân tại siêu thị BigC Thăng Long cho biết.
Gánh "bão giá" cùng người tiêu dùng
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, nhận định: "Tăng giá không minh bạch thời gian qua như một cú đấm vào các doanh nghiệp, làm sức mua vốn đã thấp nay còn suy giảm mạnh hơn".
Ông Phú nói rằng, việc tăng giá hàng loạt các mặt hàng xăng dầu, điện, gas, viện phí... là gánh nặng đè lên vai người dân, khiến lượng tồn kho của doanh nghiệp tăng cao (có mặt hàng tồn kho đến 90%). Đại diện nhiều doanh nghiệp kêu cứu vì hàng sản xuất ra đắp chiếu không bán được.
Theo ông Phú, để cải thiện sức mua, các doanh nghiệp và tiểu thương cần phải giữ giá cả ổn định, đặc biệt tránh tăng giá ăn theo; ăn lãi ít hơn để cùng chia sẻ với người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông cho rằng, hành động đáng khen này cũng chỉ như muối bỏ bể nếu Chính phủ không có những biện pháp quyết liệt hơn.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart, cho hay: "Sức mua giảm là quy luật tất yếu khi có quá nhiều thứ liên tục tăng giá trong thời gian qua khiến người dân phải thắt chặt chi tiêu". Song, bà Hậu cũng khẳng định thời gian tới, hệ thống siêu thị tiếp tục thực hiện các chương trình khuyến mãi lớn, giảm giá sâu hơn, bán hàng ưu đãi và tặng quà cho các khách hàng quen để cải thiện sức mua. Theo bà Hậu, sở dĩ các siêu thị đỡ ế ẩm hơn so với chợ lẻ là nhờ các chương trình khuyến mại, bình ổn giá cả.
Còn theo bà Dương Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại hệ thống siêu thị BigC, "việc giảm chi tiêu hầu như chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày, thậm chí họ nhạy cảm hơn về giá và sẵn sàng so sánh giá giữa các địa điểm bán".
Bà Trang cho rằng, các siêu thị cần nỗ lực hơn trong việc phối hợp với nhà cung cấp, doanh nghiệp để giảm và giữ mặt bằng về giá, tạo niềm tin và tăng sức mua, giảm tồn kho.
Theo Bảo Hân
VEF