Đối tác cá mập nuốt dần bánh kẹo, rượu bia nội

Cuộc cạnh tranh khốc liệt khiến cho nhiều doanh nghiệp bia rượu bánh kẹo đã lần lượt từ bỏ sân chơi và bị các đại gia nước ngoài thâu tóm.

Vị đắng của bia

 

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và sự gia tăng trong quy mô dân số với cơ cấu trẻ, bánh kẹo và đồ uống là những ngành có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định tại Việt Nam. Miếng bánh béo bở của thị trường này luôn được đánh giá là tiềm năng và được nhiều DN nước ngoài ngòm ngó.

 

Sự đầu tư và chiến lược dài hạn của các tập đoàn đa quốc gia, với sự hậu thuẫn về thương hiệu lâu đời và tài chính dồi dào, đã khiến nhiều DN Việt phải "rơi" khỏi sân, các doanh nghiệp ngoại thì liên tục bành trướng.

 

Thâu tóm DN nội là phương thức nhanh nhất để các DN ngoại lấn sân, cách thức này rất "khôn" bởi họ sẽ được ưu đãi về đầu tư, thuế, rút ngắn các thủ tục cấp phép. Thay vào đó họ chỉ thay đổi công nghệ. Thương vụ mua lại phần vốn tại Bia Huda của Carlsberg được đánh giá là bước đi vững chắc để đại gia nước ngoài này dần tiến tới thâu tóm toàn bộ thị trường bia miền Trung.

 

Năm 1994, Bia Huế đã hợp tác với tập đoàn Carlsberg (Đan Mạch) dưới hình thức liên doanh, mỗi bên góp 50% vốn. Từ đó trở đi, công ty TNHH bia Huế (Huda) chính thức ra đời. Sau gần 2 thập kỷ hoạt động dưới dạng liên doanh, liên kết, tới cuối năm 2011, Carlsberg lộ rõ ý đồ thâu tóm khi mua lại phần vốn của đối tác Việt Nam là ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế để từ một đơn vị liên doanh trở thành công ty 100% vốn nước ngoài.

 

Đây không phải lần đầu tiên Carlsberg có sở hữu cổ phần tại một doanh nghiệp bia Việt. Carlsberg thâm nhập thị trường Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1993 thông qua việc thiết lập liên doanh với Công ty Bia Việt Hà và Carlsberg sở hữu 60% cổ phần của liên doanh nhà máy bia Đông Nam Á. Tỷ lệ vốn góp ban đầu của Carlsberg tại Việt Hà chỉ là 35%.

 

Năm 2007, Carlsberg đã mua lại 30% cổ phần của công ty bia Hạ Long và cuối năm 2007, Habeco và Carlsberg cùng nhau thành lập liên doanh mới tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Gần đây, Bộ Công thương đã quyết định chọn Carlsberg làm đối tác chiến lược của Habeco với việc bán lại cho Carlsberg thêm cổ phần.
 
Đối tác cá mập nuốt dần bánh kẹo, rượu bia nội

 

Trường hợp Tribico bị "nuốt" trọn bởi Uni-President thông qua con đường vòng vèo liên doanh cũng là một hiện tượng cho thấy các DN nội rất dễ dàng bị rơi trên thị trường này. Tập đoàn đồ uống Anh quốc Diageo đã sẵn sàng chi đến 90 triệu USD để sở hữu 45% cổ phần của Halico, nhà sản xuất rượu lớn nhất Việt Nam, dù cho tình hình kinh doanh hiện tại của Halico khá èo uột. Tương tự như vậy, Masan, đơn vị mới được một quỹ của Mỹ rót 200 triệu USD cũng công bố đang tiến hành mua lại Công ty Bia & nước giải khát Phú Yên.

 

Kirin Holdings, một tập đoàn từ Nhật Bản từng nhảy vào thương vụ thâu tóm bia Tiger - mua lại Interfoods, công ty sở hữu thương hiệu trà bí đao Wonderfarm. Tiếp đến, Suntory mua lại 51% cổ phần trong mảng sản xuất và kinh doanh đồ uống của Pepsi Việt Nam. Còn Aneuser-Busch Inbev (AB Inbev) - hãng sản xuất bia lớn nhất thế giới lên kế hoạch vào Việt Nam cuối năm sau sẽ khiến cuộc chiến giữa các hãng vốn đã nóng sẽ càng khốc liệt hơn.

 

Chia nhau miếng bánh ngọt

 

Thị trường bánh kẹo Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng rất lớn song các DN nội chiếm thị phần lớn nhưng sản phẩm lại chưa đa dạng nên còn gặp khó khăn khi cạnh tranh với bánh kẹo ngoại.

 

Chính vì thế, thị trường bánh kẹo, sự cạnh tranh với đối thủ ngoại cũng gay cấn không kém. Từ một liên doanh, Lotte - nhà sản xuất bánh kẹo hàng đầu Hàn Quốc nay đã "nhảy" vào ghế làm chủ CTCP Bibica với hơn 39% cổ phần sở hữu. Có thể thấy rõ con đường mà Lotte đang nhắm đến, là vừa phát triển Bibica trở thành thương hiệu bánh kẹo và sản phẩm dinh dưỡng mạnh ở Việt Nam, tận dụng cơ sở Bibica để thiết lập hệ thống riêng cho Lotte tại Việt Nam. Những nhà hàng thức ăn nhanh Lotteria, trung tâm thương mại Lottemart, khách sạn, cửa hàng... sẽ cùng tạo nên sức mạnh cho tập đoàn này.

 

Sau 4 năm hợp tác, cả doanh thu và lợi nhuận của Bibica đều tăng gấp đôi so với năm 2008, nhưng nếu như doanh thu mỗi năm tăng khá đều đặn từ 15-20% thì lợi nhuận của Bibica 2 năm gần đây đã thụt lùi. Lãnh đạo Công ty Bibica còn tố cáo Lotte thực hiện chuyển giá với nhóm sản phẩm xuất khẩu làm công ty chịu thiệt hại khoảng 18% về giá bán và Bibica thua thiệt trong các dự án hợp tác.

Glico, nhà sản xuất bánh kẹo hàng đầu Nhật Bản, thông qua liên doanh với Kinh Đô cũng đã mở rộng thị phần và đầu tư vào Việt Nam. Mới đây, nhiều thông tin cho biết nhãn hiệu Nabati, một thương hiệu nổi tiếng có doanh thu bán hàng cao của Indonesia, đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

 

Trong khi đó, các nhà sản xuất nước ngoài trên khắp thế giới cũng đang không ngừng tăng lượng hàng đưa vào Việt Nam thông qua các nhà nhập khẩu trong nước.

 

Đầy tiềm năng

 

Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, xu hướng phát triển của ngành thực phẩm và thức uống cũng như thị trường này tại Việt Nam là tất yếu. Bởi lẽ, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nên nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm, thức uống bao giờ cũng tăng cao cả chất lẫn lượng. Nhu cầu này cũng kéo theo nền công nghiệp chế biến thực phẩm, thức uống đổi mới theo hướng hiện đại hơn.

 

Số liệu của Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, tốc độ tăng trưởng của ngành kỹ nghệ thực phẩm thời gian qua tương đối tốt, giai đoạn 2006-2010 tăng trên 17%, trong đó sản xuất bánh kẹo tăng gần 35%. Giá trị sản xuất của ngành cũng có mức tăng khá, từ 6.000 tỷ đồng (2005) lên gần 17.000 tỷ đồng (2011).

 

Trong khi đó, theo thống kê của Hiệp hội Bia rượu Việt Nam, năm 2012 mức tiêu thụ của người Việt Nam là 2,38 tỉ lít bia, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu các công ty nghiên cứu thị trường, Việt Nam với mức tiêu thụ trung bình khoảng 2,7 tỉ lít bia/năm (khoảng 24 lít/đầu người/năm), Việt Nam đã trở thành nước thứ ba có lượng tiêu thụ bia cao nhất châu Á, sau Nhật và Trung Quốc. Có thể thấy với mức tiêu thụ tại Việt Nam như vậy nên thị trường này đã khiến các công ty bia ngoại lớn không thể làm ngơ.

 

Tổng mức tiêu dùng thực phẩm ở thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2009-2014 sẽ tăng 67,3%, đó là dự báo đầy lạc quan của tổ chức Giám sát Kinh doanh quốc tế (BMI).

 

Xét về lợi thế, DN nội đang yếu thế ngay trên sân nhà không chỉ vì vốn, công nghệ và khả năng cạnh tranh. Nếu không thay đổi chiến lược, các đơn vị này có nguy cơ bị mất miếng bánh ngay trên sân nhà, các DN nhỏ đứng độc lập, sức cạnh tranh yếu nên dễ bị đào thải hoặc bị thâu tóm.

 

Theo D.Anh

VEF