Đổi số điện thoại cố định để chống “cháy số”

(Dân trí) - Bắt đầu từ 0h ngày 5/10, VNPT sẽ tiên phong thực hiện đổi số điện thoại cố định bằng cách thêm số 3 vào trước số thuê bao hiện hành. Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ TT&TT) đã trao đổi với báo giới về những vấn đề liên quan.

Tại sao chúng ta lại phải đổi số điện thoại cố định. Sau lần đổi này liệu bao lâu nữa sẽ tiến hành đổi số tiếp thưa ông?

Theo kế hoạch phải đến năm 2010, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) mới tiến hành đổi số điện thoại cố định. Tuy nhiên, hiện nay ngoài VNPT còn có nhiều doanh nghiệp nữa đang cung cấp dịch vụ nên kho số điện thoại cố định cho dải 6 số đã bắt đầu “cháy số” cần phải nâng lên 7 số để giải quyết tình trạng này.

Tập đoàn VNPT vừa có công văn số 3431/VT-QLM về việc kéo dài số thuê bao điện thoại cố định tại Hà Nội, TPHCM và 53 tỉnh, thành phố. Theo đó, thời điểm chính thức áp dụng một cách quay số duy nhất được điều chỉnh lại là 0h ngày 19/10/2008, sớm hơn quy định của Bộ TT&TT 1 tuần (dự kiến ngày 26/10/2008).

 

Ngày 5/10/2008, VNPT sẽ chính thức đổi số điện thoại cố định cho các thuê bao tại 55 tỉnh thành. Để cho khách hàng làm quen dần với việc đổi số, VNPT giữ số song song trong vòng 2 tuần.  

Vì vậy, Bộ TT&TT quyết định tiến hành đổi số cùng một lúc cho tất cả các doanh nghiệp lên 7 số và tại Hà Nội và TPHCM là 8 số. Mục đích của đổi số lần này để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đủ kho số để phát triển.

Với điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay, sau khi đổi số lần này nhiều khả năng sẽ còn rất lâu mới phải thực hiện đổi số tiếp bởi mỗi tỉnh đã có 10 triệu số còn tại Hà Nội và TPHCM có tới 100 triệu số cho mỗi nhà khai thác.

Trước đây, Bộ có quy hoạch dùng đầu số 3 để phục vụ cho việc đổi số. Vậy tại sao lần này các doanh nghiệp lại thêm nhiều đầu số khác nhau?

Đúng là trước đây đầu số 3 được sử dụng cho việc đổi số khi tiến hành quy hoạch kho số. Đầu số này được giữ lại không phân cho doanh nghiệp nào để cho khách hàng chỉ cần nhớ thêm đầu số 3 khi đổi số.

Tuy nhiên, khi Bộ họp với các doanh nghiệp để bàn về việc đổi số, các doanh nghiệp đều có ý kiến muốn hình thành một bảng quy hoạch kho số tốt hơn trong tương lai, không nhất thiết phải sử dụng số 3.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch kho số của mỗi doanh nghiệp, Bộ đã quyết định cho phép các doanh nghiệp sử dụng các đầu số khác nhau, trong đó VNPT sử dụng đầu 3, Viettel sử dụng đầu số 6...

Việc đổi số với nhiều đầu số có ảnh hưởng đến khách hàng hay không thưa ông?

Đổi số điện thoại cố định để chống “cháy số” - 1
  

Ông Phạm Hồng Hải.

Tôi cho rằng việc đổi số điện thoại cố định lần này ở một chừng mực nào đó có thể gây cảm giác không thuận tiện cho người sử dụng do phải quay số dài hơn, thậm chí sẽ phải thông báo lại về số liên lạc của mình nhưng xét về lợi ích lâu dài cho khách hàng và cho toàn xã hội thì đây là vấn đề cần thiết.

Hiện nay, đa số thị phần dịch vụ điện thoại cố định là của VNPT (khoảng 10 triệu thuê bao), vì vậy Bộ đề nghị VNPT triển khai đổi số trước để rút kinh nghiệm. Còn các doanh nghiệp khác, số lượng thuê bao ít sẽ tiến hành đổi số sau khi có kinh nghiệm của VNPT thì sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Hiện các doanh nghiệp đã lên phương án đổi số điện thoại cố định nhưng về mặt kỹ thuật có gì đáng lo ngại hay không?

Về mặt kỹ thuật, việc đổi số này cơ bản là không có vấn đề gì, kể cả hai nơi có số lượng thuê bao lớn như Hà Nội và TPHCM.

Cũng còn có chút lo ngại là mạng cục bộ của VNPT ở các tỉnh với nhiều loại tổng đài khác nhau nên sẽ gặp những khó khăn đòi hỏi doanh nghiệp phải có những giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, việc triển khai đổi số của VNPT cũng có điểm thuận lợi vì tại một số tỉnh trước đó VNPT đã tiến hành đổi số lên 7 số nên có kinh nghiệm tốt.

Xin cám ơn ông!

Tháng 1/1996, VNPT đã tiến hành đổi số điện thoại cố định lên 6 chữ số trên toàn quốc riêng Hà Nội và TPHCM sử dụng 7 chữ số. Năm 2006, 2007, việc đổi số lên 7 chữ số tiếp tục được thực hiện ở 9 tỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển thuê bao tại địa phương.

Việc đổi số cho Hà Nội lần này có khó khăn hơn các địa phương khác do sự mở rộng về địa giới hành chính mới đây, tuy nhiên với sự trợ giúp của các đối tác cung cấp thiết bị cùng với kinh nghiệm của các chuyên gia VNPT, các vấn đề kỹ thuật sẽ được tháo gỡ, đảm bảo đổi số cho Hà Nội thành công như các địa phương khác.

Những bất thường xảy ra, ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng liên quan tới việc đổi số sẽ được VNPT giải quyết thỏa đáng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng rằng, điều đó không xảy ra vì VNPT đã có kinh nghiệm trong việc đổi số điện thoại cố định đảm bảo thành công và VNPT có cơ sở để khẳng định điều này.

(Ông Bùi Quốc Việt, người phát ngôn của VNPT).

Minh Tuấn - Thanh Ngọc (thực hiện)