Doanh nhân Triệu Văn Dương: “Khởi nghiệp phải có triết lý”
(Dân trí) - Ông Triệu Văn Dương, thành viên Ban tư vấn chương trình Khởi nghiệp Quốc gia - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI cho hay để đạt được thành công, các startup cần xác định triết lý hoạt động cho doanh nghiệp mình.
Triết lý doanh nghiệp – điều tạo nên sự khác biệt
Nhiều người thường nói kinh doanh thành công cần “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Thiên thời là thời cơ, là thị trường, là cơ hội. Địa lợi là môi trường kinh doanh, tài chính, vốn, mạng lưới quan hệ… Nhân hòa là yếu tố con người, là bản thân CEO và đội ngũ cộng sự, đồng nghiệp.
Là một người có nhiều trải nghiệm thực tế trong lĩnh vực tư vấn và đào tạo doanh nghiệp, ông Triệu Văn Dương - người đứng đầu Tổ chức Giáo dục Đào tạo PTI đã khẳng định những yếu tố trên là đúng, nhưng chưa đủ. Theo ông, còn hai yếu tố quan trọng nữa trong khởi nghiệp mà ít người nhắc đến, đó là “đạo” và “pháp”.
Có thể hiểu Đạo là triết lý, là sứ mệnh tồn tại của công ty, là thứ gắn kết giữa tư tưởng, tầm nhìn và các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Pháp là những phương pháp, chiến lược, chiến thuật, kỹ năng cần thiết trong công tác quản trị. Trong năm yếu tố “Đạo – Thiên – Địa – Nhân – Pháp”, yếu tố “đạo”, tức triết lý công ty được đặt lên làm đầu.
Bất kì công ty nào cũng có thể kinh doanh sản phẩm X, dịch vụ Y tương tự như nhau. Điều khiến một doanh nghiệp trở khác biệt so với những doanh nghiệp khác, đó chính là triết lý kinh doanh. Ông Dương từng chứng kiến rất nhiều startup tại Việt Nam đã thành công khi xây dựng đúng hướng triết lý sản phẩm gắn với những điểm mạnh về giá cả, chất lượng, tính đặc thù ưu việt. Còn triết lý kinh doanh thường có hiệu quả tốt khi gắn với dịch vụ chăm sóc và hậu mãi, tạo ra những giá trị cảm xúc tích cực cho khách hàng.
Xây dựng triết lý công ty một cách đơn giản và thực hiện nó
“Thực hành theo triết lý của công ty là phương pháp tốt nhất để hoàn thiện nó”, ông Triệu Văn Dương nhấn mạnh.
Là người sáng lập hoặc chủ sở hữu công ty, bạn nên ngoại suy các giá trị của mình bằng cách chạy qua một số tình huống giả định. Tạo ra những khó khăn cho chính bạn, trong đó có sự đánh đổi giữa lợi nhuận, trải nghiệm của khách hàng và thực tiễn vấn đề về đạo đức. Hãy tưởng tượng ra cách công ty sẽ hành xử trong từng trường hợp này và một bức tranh về các giá trị cốt lõi của bạn sẽ bắt đầu xuất hiện.
Tuy nhiên, để một triết lý thực sự có thể thực hiện và thực hiện hiệu quả, nó nên được khái quát đơn giản, đủ ý và dễ hiểu để bất kỳ nhân viên nào cũng có thể nhớ được mỗi khi đắn đo giữa ngã tư lựa chọn.
Mặt khác, tuyển dụng những nhân viên phù hợp với môi trường văn hóa của doanh nghiệp cũng vô cùng quan trọng, đặc biệt khi công ty mở rộng với quy mô lớn dần. Những nhân viên mới trước khi làm việc nên được giới thiệu về lịch sử hình thành và triết lý của công ty. Điều này sẽ giúp họ hiểu và gắn bó nhiều hơn với doanh nghiệp.
Mỗi lần hít thở trong truyền thống văn hóa của công ty là mỗi lần nhân viên có thêm động lực và sáng tạo để hoàn thành công việc đúng theo triết lý của công ty mình.