Gia nhập WTO:

Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp khó về vốn

(Dân trí) - Trong khi các ngân hàng đang ứ đọng tiền thì khó khăn về vốn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh xuất khẩu vẫn là thách thức lớn cho các DN. Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Bửu Quang - Giám đốc dịch vụ tài chính DN của HSBC Việt Nam về vấn đề này.

Vấn đề vốn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh xuất khẩu hiện nay luôn là vấn đề thách thức với hầu hết DN, nhất là DN tư nhân ở Việt Nam. Vậy theo ông cần phải làm gì để giải quyết khó khăn này?

 

Theo tôi, con số 16.000 doanh nghiệp đang có hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam thực sự là con số ấn tượng và tôi tin rằng con số này sẽ tăng hơn nữa khi Việt Nam gia nhập WTO và các DN xuất khẩu nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ các bên liên quan trong đó có các cơ quan nhà nước và các ngân hàng thương mại.

 

Theo quan sát của tôi, đa số các NHTM tại Việt Nam hiện nay cho vay chủ yếu dựa trên tài sản đảm bảo. Điều này là cần thiết nhưng đôi khi lại hạn chế khả năng phát triển kinh doanh của DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ.

 

Các DN này vừa cần nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng nhà xưởng, nâng cấp máy móc thiết bị vừa cần nguồn vốn ngắn hạn để sản xuất hàng xuất khẩu. Vì vậy trong nhiều trường hợp giá trị tài sản không đủ để đảm bảo cho các khoản vay, dẫn đến việc các ngân hàng không thể đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp.

 

Cũng phải nói thêm là có một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc minh bạch tài chính khiến các ngân hàng thiếu niềm tin vào doanh nghiệp và dè dặt trong việc cho vay.

 

Để có thể giải quyết tận gốc vấn đề vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo tôi cần phải có nỗ lực và sự phối hợp hành động từ nhiều phía trong đó có Chính phủ, các ngân hàng thương mại và cả các doanh nghiệp.

 

Vậy ông đánh giá như thế nào về hoạt động của các tổ chức tín dụng liên doanh và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam trong thời gian vừa qua?

 

Hiện tại, Việt Nam có 6 NHTM Nhà nước với thị phần hơn 70%, 36 NHTM cổ phần và một số ngân hàng liên doanh cùng với 29 chi nhánh NHNN chia nhau phần còn lại với tỷ lệ tương đương.

 

Theo Standard & Poor’s (Cơ quan đánh giá mức độ tín nhiệm quốc tế), Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng đáng quan tâm nhất thế giới và mức độ tín nhiệm tài chính của Việt Nam đã tăng đáng kể từ “ổn định” lên “tích cực”.

 

Đây là một trong những lý do khiến các tổ chức tín dụng nước ngoài muốn tham gia nhiều hơn vào thị trường Việt Nam.

 

Hiện tại, ngoài những tên tuổi lớn đã có mặt, chúng ta thấy có một số tên mới như GE Money đã mở VPĐD nhằm chuẩn bị cho việc khai thác thị trường.

 

Các ngân hàng nước ngoài lớn đã chủ động tạo nền móng để đẩy mạnh hoạt động của mình tại đây khi thị trường được mở cửa toàn bộ bằng cách mua cổ phần của các ngân hàng thương mại trong nước. (Ví dụ cụ thể HSBC mua 10% cổ phần của Techcombank, ngân hàng thương mại đứng thứ ba tại Việt Nam). 

 

Bên cạnh các ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng liên doanh cũng đang mở rộng hoạt động của mình. Họ mở thêm nhiều chi nhánh, mở rộng mạng lưới kinh doanh và đối tượng khách hàng bao gồm cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam, đa dạng hóa sản phẩm như cho vay cầm cố bất động sản, cho vay mua xe hơi... Hoạt động của khối ngân hàng liên doanh cũng rất sôi động.  

 

Tài trợ hoạt động xuất nhập khẩu luôn là một thế mạnh của các ngân hàng nước ngoài. Vậy với HSBC vấn đề này như thế nào, thưa ông? 

 

Chúng tôi có một bề dày kinh nghiệm hơn 130 năm trong hoạt động tài trợ xuất khẩu. Tập đoàn HSBC là ngân hàng hoạt động mạnh nhất trong lĩnh vực tài trợ thương mại quốc tế và chúng tôi đã đạt rất nhiều giải thưởng trong lĩnh vực này.

 

Tại Việt Nam, tài trợ thương mại cũng là mảng hoạt động chính của HSBC và nó chiếm tới hơn 30% doanh thu của ngân hàng. Năm 2005, chúng tôi đã được Thời báo kinh tế Việt Nam và Bộ Thương mại bình chọn là Ngân hàng xuất nhập khẩu tốt nhất Việt Nam năm 2005.

 

Đây cũng là sự công nhận giành cho những nỗ lực và thành tựu mà HSBC tại Việt Nam đã đạt được trong những năm vừa qua.

 

Vậy các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là DN vừa  và nhỏ ở Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì từ những dịch vụ HSBC cung cấp? 

 

DN xuất khẩu Việt Nam khi đến với HSBC sẽ nhận được sự hỗ trợ chuyên nghiệp, tận tình và có thể tiếp cận nguồn vốn với các điều kiện đơn giản, linh hoạt và đặc biệt là rất rõ ràng, minh bạch.

 

Ngoài việc cung cấp vốn, HSBC còn cung cấp các dịch vụ như giao dịch xuất nhập khẩu trực tuyến, thông báo tín dụng thư xuất nhập khẩu bằng thư điện tử, dịch vụ dò tìm bộ chứng từ chuyển phát toàn cầu, dịch vụ thông báo thư tín dụng nhanh… để giúp khách hàng có thể quản lý tài chính hiệu quả hơn, giảm thiểu rủi ro, tăng tốc độ giao dịch và tiết kiệm chi phí.

 

Đặc biệt, khi đến với HSBC họ sẽ được hướng dẫn tận tình về cách thức hoàn tất bộ chứng từ xuất khẩu một cách chính xác và tránh rủi ro về tranh chấp.

 

Trong trường hợp gặp khó khăn trong thanh toán, HSBC có thể hướng dẫn họ cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp và đảm bảo quyền lợi cho họ.

 

HSBC cũng đã, đang và sẽ tiếp tục tổ chức các khóa huấn luyện nghiệp vụ xuất nhập khẩu miễn phí cho các khách hàng tại Việt Nam để giúp nâng cao nghiệp vụ cho các nhân viên của họ.

 

Xin cám ơn ông!

 

                                                         Mạnh Hùng (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm