Doanh nghiệp xuất khẩu gạo lách luật

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, vừa qua đã phát hiện một số trường hợp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thơm, nếp… với giá chỉ bằng gạo thường. Thực chất của việc này là các doanh nghiệp muốn lợi dụng kẽ hở trong điều hành xuất khẩu gạo.

Do nếp và gạo thơm không được tính vào chỉ tiêu gạo xuất khẩu, nên khi Chính phủ quyết định tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới hồi tháng 3 vừa qua, các doanh nghiệp trên đã cố tình duy trì xuất khẩu bằng cách báo cáo xuất gạo thơm và nếp nhưng thực tế là xuất gạo thường.          

Tuần rồi, hiệp hội lương thực đã đưa ra phương án chỉ cho thực hiện những hợp đồng xuất gạo thơm và nếp với giá cao hơn gạo thường (đúng với thực tế). Bà Trần Ngọc Sương, Giám đốc Công ty Nông nghiệp Sông Hậu, còn cho biết sắp tới hiệp hội sẽ tính cả hai mặt hàng này vào chỉ tiêu xuất khẩu gạo nhằm tránh tình trạng gian lận.

Tại ĐBSCL, hiện vụ lúa đông xuân đã sắp thu hoạch xong với sản lượng khoảng 9,3 triệu tấn. Theo tính toán của bà Sương, với 70% sản lượng là lúa hàng hóa thì vùng ĐBSCL đủ cung ứng khoảng 2,5 triệu tấn gạo xuất khẩu trong vụ đông xuân này.

Nhưng tính đến cuối tháng 3/2008, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất 828.959 tấn gạo các loại (đạt kim ngạch trên 324 triệu đô la Mỹ), cộng với con số còn phải xuất trong ba tháng tới thì lượng xuất trong sáu tháng đầu năm đã lên trên 2,1 triệu tấn.

Năm 2008 này, chỉ tiêu xuất khẩu gạo tối đa mà Chính phủ đề ra là 3,5- 4 triệu tấn. Tuy nhiên, vào quí 3 năm nay, sau khi cân đối lại sản lượng, mùa vụ, con số này có thể được điều chỉnh. Với diễn tiến của thị trường thế giới hiện nay, xuất gạo sớm hay chậm cũng không lo về giá.

Theo Hồ Hùng
Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm