1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Doanh nghiệp với thuế, hải quan vẫn còn độ “vênh” lớn

(Dân trí) - Cuộc đối thoại giữa DN với chính sách thuế và hải quan do Bộ Tài chính phối với VCCI tổ chức tại Hà Nội ngày 16/6 cho thấy: Dù đã có nhiều sửa đổi, cắt giảm những thủ tục hành chính thừa nhưng chính sách thuế vẫn còn độ “vênh” khá lớn so thực tế.

Doanh nghiệp với thuế, hải quan vẫn còn độ “vênh” lớn - 1
Trong điều kiện hiện nay, DN rất cần sự hỗ trợ của ngành hải quan và thuế.
 
Theo phản ánh từ ông Phí Văn Cương, Phòng xuất nhập khẩu, Công ty Electronics Việt Nam: Hải quan điện tử giúp doanh nghiệp (DN) giảm nhiều thủ tục, giấy tờ không cần thiết nhưng khi đến ngân hàng, cơ quan thuế, kiểm toán vẫn yêu cầu những giấy tờ đã giảm đi đó, khiến DN phải in chứng từ gốc và tốn thời gian đi lại như xưa. Chưa kể, xu thế làm việc với đối tác ngoại, đa phần qua fax, email khiến yêu cầu trên làm khó DN.
 
Đại diện Công ty thương mại và Đầu tư phát triển miền núi Thanh Hóa bức xức nói: Nhiều năm nay, DN hoạt động trong lĩnh vực thu mua lương thực, nông sản của người dân và đưa đi tiêu thụ.
 
Tuy nhiên, việc tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy hải sản chưa qua chế biến… ở khâu kinh doanh thương mại khiến giá thu mua sản phẩm cao hơn và khiến việc mua bán của DN gặp khó khăn.
 
Khi DN không mua được hàng của nông dân, nông sản không tiêu thụ được, người nông dân khó lòng thoát khỏi đói nghèo và buộc phải chờ đợi chính sách xóa đói, giảm nghèo trực tiếp từ Chính phủ. Trong khi đó, về mặt chủ trương, Chính phủ luôn ưu ái cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.
 
Theo đó, đại diện DN bày tỏ mong muốn, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế sẽ sớm có những sửa đổi phù hợp nhằm tạo điều kiện cho các DN hoạt động thương mại cũng như hỗ trợ nông dân tiêu thụ được sản phẩm.
 
Không đồng tình với cách thực thi vận dụng chính sách của cả người làm chính sách và cơ quan thực thi, đại diện Công ty TNHH Hoàng Trà cho biết: DN khẩu khẩu cùng một loại ô tô nhưng hải quan Quảng Ninh lại áp thuế suất 10% trong khi Lạng Sơn lại áp thuế 20%. Không những vậy, sau khi Bộ Tài chính có văn bản thống nhất là áp thuế 10% thì lại có DN được hoàn lại khoản chênh lệch thuế, có DN lại không…
 
Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận: Việc đưa ra chính sách và vận dụng trong thực tiễn thời gian qua vẫn còn có độ “vênh” bởi nhiều nguyên nhân như do những lộ trình cam kết thuế khi hội nhập ASEAN, WTO hay thực tế cuộc sống quá đa dạng, văn bản nhiều khi không thể bao trùm hết được. Nhưng điều đáng lưu ý, chính bản thân doanh nghiệp tiếng là nhiều bức xúc nhưng nhiều khi vẫn thờ ơ khi đóng góp hoàn thiện các vấn đề liên quan.
 
Ông Tuấn ví dụ: Bộ Tài chính đã mở các diễn đàn trên website để định kỳ trao đổi, giải đáp các vướng mắc của DN nhưng trung bình 1 tháng chỉ nhận được 2 ý kiến đóng góp. Có những vấn đề đòi hỏi sự đóng góp của DN như thuế giá trị gia tăng thì 2 tháng mới nhận được 3 ý kiến.
 
Theo Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Phụng: Chính sách vĩ mô tiếp tục được cải tiến với việc hạ mức thuế suất thu nhập DN từ 28% xuống còn 25%; bỏ thuế suất 15%, bỏ thuế suất lũy tiến để áp dụng thống nhất mức 25% đối với thu nhập từ bất động sản; mức khống chế về chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi được điều chỉnh lên 15% trong 3 năm đầu với doanh nghiệp thành lập mới…
 
Liên quan đến thủ tục hải quan vướng nhiều về mã và giá nhập một phần do hệ thống thuế phức tạp, đại diện Bộ Tài chính lưu ý Bộ này đã ban hành biểu thuế lộ trình theo từng năm đến 2018 và đề nghị doanh nghiệp cần cập nhật khi Bộ thực hiện để nắm được phương thức xử lý thế nào.
 
Bên cạnh đó, các DN cần phải đóng góp ý kiến khi Bộ lấy ý kiến đóng góp các vấn đề về luật, bởi cải cách thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tài chính trong năm 2010.
 
An Hạ