Doanh nghiệp Việt: “Săn tiền” và “tiền săn”
Sau nhiều bài học đắt giá khi các thương hiệu mạnh Việt Nam rơi vào tay nước ngoài, nhiều kịch bản tương tự có lặp lại?
Khủng hoảng kinh tế kéo dài cộng với sự trượt dốc của TTCK khiến nhiều DN Việt Nam được định giá khá thấp. Bất ngờ nhất năm 2012 là dòng tiền Đông Nam Á trỗi dậy, làm mưa làm gió tại thị trường mua bán sáp nhập nội địa. Một câu hỏi mang tính thời sự là, sau nhiều bài học đắt giá khi các thương hiệu mạnh Việt Nam rơi vào tay nước ngoài, nhiều kịch bản tương tự có lặp lại?
Làn sóng Đông Nam Á
Hai tuần cuối cùng của năm 2012, thị trường mua bán sáp nhập nội địa sôi động với thông tin về hai thương vụ M&A tầm cỡ. Đầu tiên, theo tờ Bangkok Post, Prime Group - nhà sản xuất gạch men lớn nhất Việt Nam, chiếm thị phần 20%, đã ký thỏa thuận bán lại 85% vốn cổ phần cho Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) Thái Lan. Giá trị thương vụ chuyển nhượng cổ phần của công ty gạch men có công suất lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á và cũng là nhà sản xuất lớn thứ 5 trên thế giới được Bangkok Post tiết lộ vào khoảng 7,2 tỷ bạt, xấp xỉ 250 triệu USD. Thương vụ thứ hai có giá trị 230 triệu USD, khi Tập đoàn Geleximco công bố chính thức việc bán 70% vốn cổ phần tại CTCP Xi măng Thăng Long cho đối tác ngoại là Tập đoàn Semen Gresik (Indonesia).
Đây chỉ là hai thương vụ “chốt hạ” để khép lại năm 2012 đầy sôi động của dòng vốn Đông Nam Á đã chảy mạnh ở thị trường mua bán công ty Việt Nam. Vào quý I, TTCK Việt Nam đã ồn ào với thông tin Công ty Nhựa Thái Lan The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co. Ltd âm thầm mua gom và bất ngờ trở thành cổ đông lớn của hai công ty nhựa hàng đầu Việt Nam là CTCP Nhựa Bình Minh và CTCP Nhựa Tiền Phong. Sau đó vài tháng, Quỹ đầu tư Platinum Vitory Pte đến từ Singapore bỗng lộ diện khi trở thành cổ đông lớn nhất tại CTCP Cơ điện lạnh (REE). Trước đó. “đồng hương” của Platinum Vitory Pte - Quỹ đầu tư Orchid Fund cũng đã mua gom và trở thành cổ đông lớn nhất tại CTCP FPT (FPT). Theo công bố chính thức, cả hai định chế tài chính đến từ đảo quốc sư tử đang sở hữu lượng cổ phần tại hai công ty hàng đầu Việt Nam ở mức trên 10%.
Các thương vụ M&A đình đám giữa thương hiệu Việt Nam và đối tác Đông Nam Á thực tế diễn ra suốt trong năm qua. Có những thương vụ ồn ào như trường hợp Phở 24 bán 100% vốn cho Highland Coffee, rồi Highland Coffee lại bán 50% vốn cho Jobillibee (Philippines). Có những thương vụ thực sự gây chú ý, nhưng đổ vỡ ở phút chót như việc CP Thái Lan thất bại trong dự định mua lại 40% cổ phần của CTCP Minh Phú (MPC)…
NĐT phía sau
Nếu như Prime Group, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, REE, FPT, CII… là các thương hiệu đầu ngành trong các lĩnh vực đang kinh doanh tại Việt Nam thì các cổ đông ngoại vừa nhắc đến có một lịch sử huy hoàng không kém. Chẳng hạn, ngoài các khoản đầu tư vào Prime Group, SCG Thái Lan chính là NĐT “giấu mặt” phía sau các khoản đầu tư vào Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong khi SCG đang là cổ đông lớn nhất tại Saraburi. Về SCG, năng lực của NĐT Thái Lan được thể hiện trong phần tự bạch ở trên website Tập đoàn: Hiện nay, SCG là một trong những tập đoàn công nghiệp hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á, hoạt động đa ngành, tập trung vào 5 lĩnh vực chính: hóa dầu, giấy, xi-măng, vật liệu xây dựng và phân phối. SCG có hơn 200 công ty thành viên, tổng tài sản đạt gần 13 tỷ USD. Chín tháng đầu năm 2012, SCG ghi nhận doanh thu đạt 10,026 tỷ USD, lợi nhuận trong kỳ đạt 543 triệu USD.
Truy xuất ngược nguồn gốc của Quỹ Platinum Victory PTE Ltd cũng có lý lịch dữ dội không kém. Platinum Victory hiện trực thuộc Jardine Cycle & Carriage (JC&C) hoạt động trong lĩnh vực phân phối ô tô ở khu vực Đông Nam Á. JC&C không chỉ là một trong các công ty hàng đầu Singapore, mà còn là thành viên của Tập đoàn Jardine Matheson lừng danh. Tập đoàn nổi tiếng này có nguồn gốc từ Trung Quốc, khởi nghiệp từ thời kỳ “chiến tranh nha phiến”, tính đến nay có bề dày lịch sử 180 năm. Ở Việt Nam, cánh tay của Jardine Matheson đã vươn dài với nhiều nhánh hoạt động khác nhau. Không chỉ xây dựng cao cao ốc lớn tại khu đất vàng ở TP. HCM mà thông qua các công ty con, Jardine Matheson còn đầu tư vào các công ty hàng đầu, tiêu biểu như việc nắm 7,28% cổ phần của Ngân hàng ACB, 30% cổ phần của Ô tô Trường Hải, nắm 49% vốn góp Trung tâm thương mại Crescent Mall (Phú Mỹ Hưng), nắm 100% vốn của Pizza Hut Việt Nam, sở hữu 25% vốn tại KFC Việt Nam... Vào năm 2011, doanh thu hợp nhất và lợi nhuận của Tập đoàn Jardine Matheson đạt lần lượt 37 và 4 tỷ USD!
Nếu như Philippines có một vị thế kinh tế khá khiêm tốn trong cộng đồng kinh tế ASEAN thì trái lại, Tập đoàn Ayala lại có lịch sử và vị thế không kém gì Jardine Matheson hay SCG, thậm chí còn có ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội và kinh tế quốc gia này! Trên website của mình, Ayala cho biết: Gia tộc Ayala là một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất tại Philippines hoạt động trong 4 lĩnh vực chính: ngân hàng, viễn thông, BĐS và cung cấp nước sạch. Ayala có tuổi đời tương tự Jardine Matheson, nhưng có lúc đóng vai trò “Rothschild của Philippines” khi mảng ngân hàng từng được ủy quyền như vai trò của ngân hàng trung ương để phát hành tiền. Năm 2011, doanh thu hợp nhất của cả Tập đoàn Ayala đạt 107,532 triệu peso, tổng tài sản đạt 357 triệu peso (1 peso tương đương 0,246 USD).
Tương tự, lý lịch trích ngang của các tên tuổi còn lại đều ấn tượng: Orchild được chống lưng bởi tỷ phú Singapore, Richard Chandler người có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes; Semen Gresik - tập đoàn xi măng lớn nhất Indonesia có bề dày hơn 50 năm, chiếm 40% thị phần tại quốc gia này, Semen Gresik đang niêm yết trên sàn chứng khoán Jakarta, vốn hóa thị trường hiện hơn cả Vinamilk và PV Gas gộp lại.
Bán rồi có mất?
Giai đoạn kinh tế khó khăn, trong lúc rất nhiều công ty nội địa co cụm thì đã thấp thoáng NĐT ngoại công khai, hoặc giấu mặt rủng rỉnh hầu bao trở thành cổ đông lớn của các công ty lớn Việt Nam. Điều này có đáng lo ngại?
Theo thông tin từ giới tư vấn M&A nội địa, SCG đã thông thuộc địa bàn Việt Nam đến mức các thương vụ mua cổ phần của Nhựa Bình Minh hay Nhựa Tiền Phong chính do SCG tự làm. Thực chất, Tập đoàn này đã hiện diện tại Việt Nam từ năm 1992. Ngoài dự án hóa dầu trị giá 4,5 tỷ USD đang dự định triển khai, SCG đã đầu tư và góp vốn vào 17 công ty như Việt-Thái Plastchem, TPC Vina, Giấy Vina Kraft, Công ty New Asia Industries… Hiện nay, SCG sử dụng hơn 2.000 nhân viên ở Việt Nam. trước thương vụ mua lại Primer Group, tài sản của Tập đoàn tại Việt Nam đạt gần 400 triệu USD, doanh số hàng năm đạt trên 300 triệu USD. Trong thông cáo báo chí của SGC, ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch của SCG không dấu giếm tham vọng mở rộng sự ảnh hưởng tại khu vực: “Theo đuổi tầm nhìn trở thành DN bền vững hàng đầu ASEAN”. Cũng nên nhắc lại là ngoài sự mở rộng ảnh hưởng mạnh mẽ tại Việt Nam, SCG cũng đang vươn ra nhiều quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia, Campuchia…
Sau khi trở thành cổ đông lớn nhất tại REE, thông cáo báo chí của JC&C nêu mục đích về khoản đầu tư vào REE. Theo đó, JC&C muốn mở rộng các hoạt động tại Việt Nam dựa trên các đánh giá tốt về một công ty có lợi nhuận ổn định và tiềm năng phát triển trong lĩnh vực BĐS và cơ sở hạ tầng. Trao đổi với ĐTCK, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc REE cho biết, nếu chuyển đổi thành công lượng trái phiếu mới phát hành, cổ đông ngoại lớn nhất của REE có thể nắm tới 20% cổ phần tại REE. Dù vậy họ chưa bày tỏ ý định tham gia vào hoạt động quản trị như muốn một ghế trong HĐQT. “Trước mắt, đối tác ngoại của REE bày tỏ thiện chí đầu tư vào REE với tầm nhìn rất dài hạn. REE không nghĩ đến kịch bản bị thâu tóm”, bà Mai Thanh nói.
Nhưng ở một góc nhìn khác, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc của CTCP Kinh Đô đưa ra nhận xét rằng, không phải vô cớ các nhà đầu tư chiến lược đang làm sôi động tại thị trường M&A Việt Nam. Theo ông Nguyên, một trong những lý do là giá trị các DN Việt Nam bị định giá quá thấp. Với các tiềm lực tài chính hùng mạnh, bỏ ra một số tiền không lớn, hiện nay có thể nhiều công ty Việt Nam, nhiều thương hiệu mạnh nội địa sẽ rơi vào tay nước ngoài. Điều này là đáng lo ngại.
Ông Đinh Quang Hoàn, Giám đốc tư vấn tài chính DN CTCK Bản Việt nhận xét, các cuộc hôn nhân ngoại của nhiều DN lớn Việt Nam tuân theo luật chơi khá rõ ràng. Những cái bắt tay với đối tác lớn có thể cải thiện về tài chính, tuy nhiên cũng ẩn chứa các mối nguy cơ khi đối tác ngoại gây áp lực với DN Việt Nam. Bài học trước đây của Coca Cola - Chương Dương, Colgate Palmolive - Dạ Lan hay mới đây là Uni President-Tribeco, Lotte- Bibica vẫn còn nguyên giá trị, khi các các công ty nội địa “săn tiền ngoại” có thể trở thành mục tiêu ngược lại để “tiền ngoại săn”.
Theo Giang Thanh
Đầu tư Chứng khoán