Doanh nghiệp Việt đón đầu xu thế “không rác thải nhựa”

(Dân trí) - Ngày 24/10 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã thông qua dự luật cấm đồ nhựa dùng một lần. Đoán định trước xu thế “tiêu dùng xanh” này, ở Việt Nam, đã có một số doanh nghiệp tiên phong đầu tư mạnh cho công tác R&D cũng như công nghệ máy móc hiện đại để tạo ra sản phẩm túi vi sinh phân hủy hoàn toàn.

Theo dự luật mới về cấm đồ nhựa dùng một lần, các nước thành viên EU buộc phải tái chế 90% chai nhựa vào năm 2025 và các nhà sản xuất đồ nhựa phải đóng góp chi phí cho việc quản lý rác thải. Hiện EU chỉ mới tái chế được 1/4 trong tổng số khoảng 24 tấn rác nhựa khu vực này thải ra mỗi năm.

Dự luật cũng bao gồm các thời điểm hạn chót đặt ra cho việc giảm thiểu hoặc tái chế các đồ nhựa khác như chai nhựa, dây cước cho cần câu cá, màng bọc thực phẩm và các đầu lọc thuốc lá. 10 sản phẩm đồ nhựa dùng một lần như ống hút, đĩa nhựa, thìa cà phê nhựa, que tăm bông… sẽ bị cấm vào năm 2021.

Động thái mới của châu Âu cho thấy rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu

Rác thải nhựa: Hiểm họa môi trường toàn cầu

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, mỗi năm lượng rác nhựa thải ra đủ để bao quanh Trái đất 4 lần. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế.

Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác thải nhựa đến năm 2050 ở các đại dương, sẽ nặng hơn khối lượng của cá. Và Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới.

Đại diện thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Kamal Malhotra cho biết: “60% lượng rác thải nhựa thải ra biển có nguồn gốc từ 6 nước ở châu Á, trong đó có Việt Nam”.

Rác thải nhựa trên đảo Nusa Penida tại Bali, Indonesia.
Rác thải nhựa trên đảo Nusa Penida tại Bali, Indonesia.

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng".

Theo các chuyên gia môi trường, túi nilon là vật dụng hết sức gần gũi với mọi người, mọi nhà. Việc sử dụng túi nilon đã thành thói quen của mỗi người dân vì tính tiện lợi của nó. Bên cạnh đó, giá thành của mỗi chiếc túi nilon khá rẻ khiến cho việc tiêu thụ loại túi này ngày càng lớn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết tác hại của túi nilon gây ra cho con người và môi trường sống. Như chúng ta đã biết, quá trình phân hủy của một chiếc túi nylon có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm tùy điều kiện tác động của môi trường.

Doanh nghiệp Việt đón đầu xu thế “không rác thải nhựa” - 2

Doanh nghiệp Việt Nam làm gì để đáp ứng xu thế?

Ở Việt Nam hiện nay, các loại túi nilon ta thường thấy được bày bán trên quầy kệ siêu thị vẫn được gắn mác “tự hủy sinh học” hay “phân hủy sinh học”, tiếng Anh là “Biodegradable”.

Theo bà Nguyễn Lệ Hằng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings (APH), một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sản xuất nhựa công nghệ cao và thân thiện với môi trường hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á cho hay: “Chúng ta cần phải phân biệt được các khái niệm để tránh nhầm lẫn. Theo Hiệp hội Thử nghiệm và Vật liệu Hòa Kỳ (ASTM) thì “Biodegradable” là quá trình phân hủy do tác động của các vi sinh vật tự nhiên như vi khuẩn, nấm và tảo.

Tuy nhiên, có những sản phẩm nhựa phân hủy sinh học vẫn chỉ là phân rã thành những mảnh nhựa nhỏ hơn do tác động của UV, nhưng không thực sự “trở về với đất” và không thể bị chuyển hóa “ăn” bởi các vi sinh vật. Hầu hết các sản phẩm đó đang xuất hiện khắp nơi trên thị trường Việt Nam, gắn mác “Tự hủy sinh học” nhưng thực tế là đó chỉ là sản phẩm nhựa thông thường (PE/PP) có trộn thêm với phụ gia oxy hóa gốc kim loại, trên thế giới gọi là OXO-biodegradable.

OXO-biodegradable – là một nguyên liệu được sản xuất từ việc trộn phụ gia oxy hóa có gốc kim loại với các loại nhựa thông thường. Dưới tác động của ánh sáng mặt trời (UV), nhiệt và/ hoặc sức ép cơ học, các phụ gia này có khả năng cắt đứt các mạch dài của nhựa truyền thống, phân rã thành các các mảnh nhựa có kích thước rất nhỏ, thường không nhìn thấy được bằng mắt thường nhưng bản chất nhựa vẫn không thay đổi. Những mảnh nhựa này là một mối hiểm họa của môi trường vì nó rất khó để thu thập và tái chế, có thể bị phân tán trong môi trường và thành thức ăn độc hại của các loài động vật.

Compostable - Có thể hiểu là Phân hủy hoàn toàn thành phân ủ “compost”. Đây là quá trình phân hủy sinh học tạo ra khí CO2, nước, hợp chất vô cơ và sinh khối (mùn) trong thời gian ngắn và hoàn toàn không để lại những chất hóa học có thể gây hại tới môi trường.

“Một chiếc túi mang nhãn “Compostable” chắc chắn là “Biodegradable”, nhưng một chiếc túi “Biodegradable” trên thị trường chưa chắc đã phân hủy hoàn toàn thành nước và các hợp chất không gây hại cho môi trường như “Compostable””, bà Hằng nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hằng, An Phát Holdings là đơn vị sản xuất tại Việt Nam đầu tiên được cấp chứng chỉ TUV Vincotte OK HOME COMPOST cho các sản phẩm túi vi sinh phân hủy hoàn toàn và là đơn vị Việt Nam duy nhất được công nhận là thành viên chính thức của Hiệp hội Nhựa Sinh Học tại Châu Âu (European Bioplastic Association).

Dây chuyền sản xuất của Tập đoàn An Phát Holdings.
Dây chuyền sản xuất của Tập đoàn An Phát Holdings.

Có thể nói phán quyết của Nghị viện châu Âu vừa tạo ra thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nhựa thế giới nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Doanh nghiệp nào theo đuổi xu thế “xanh”, sản phẩm thân thiện với môi trường thì chắc chắn sân chơi vào thị trường châu Âu sẽ rộng mở hơn rất nhiều.

Hiện nay, sản phẩm túi AnEco của Tập đoàn An Phát Holdings đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn là sản phẩm vi sinh phân hủy hoàn toàn, thành phần bao gồm tinh bột ngô và đang được khách hàng châu Âu đánh giá cao. Bên cạnh đó, định hướng của APH trong thời gian tới sẽ phát triển các sản phẩm vi sinh phân hủy hoàn toàn thân thiện với môi trường khác như ống hút, dao, thìa, dĩa, cốc tự hủy… AnEco khi được chôn xuống đất, trong vòng 6 tháng sẽ phân hủy thành CO2, nước và phân mùn nuôi cây trồng, 100% compostable.

Sản phẩm túi vi sinh phân hủy của tập đoàn APH.
Sản phẩm túi vi sinh phân hủy của tập đoàn APH.

Ngày 12/10/2018 vừa qua, Trong khuôn khổ hưởng ứng Chiến dịch "“Làm cho thế giới sạch hơn” 2018 do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động, Tập đoàn An Phát Holdings đã trao bản cam kết đến Thứ trưởng bộ này, trong việc tuyên truyền, phổ biến đến người tiêu dùng thay đổi thói quen, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần. Hiện nay, APH đang từng bước thực hiện cam kết đó.

H.Nguyễn