"Doanh nghiệp tư nhân như đội quân thuyền thúng"

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội ví von, với tình trạng sức khỏe cùng với sự quá tải, gánh nặng về chi phí, thủ tục rào cản do mô hình nhỏ lẻ, năng lực, trình độ quản trị thì căn bệnh kinh niên chậm lớn của doanh nghiệp tư nhân sẽ khó có thể chữa.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội sáng 26/5. (Ảnh: Việt Hưng).
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội sáng 26/5. (Ảnh: Việt Hưng).

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Nghị trường sáng nay (26/5), đại biểu Nguyễn Như Son (Bắc Ninh) đánh giá, năm 2017 khép lại với thắng lợi GDP lên tới 6,81% trở thành đòn bẩy của GDP quý I năm 2018 tăng trưởng ngoạn mục với 7,38%, trong khi đó đóng góp quan trọng của khối FDI đạt 13,9%, trong khi 2017 chỉ đạt 7,8%.

"Tuy vậy, nhìn những con số tăng trưởng, diễn biến trong nước và quốc tế đặt ra câu hỏi: mức tăng trưởng trên liệu có thể tạo đà cho nền kinh tế tăng tốc năm 2018. Sức khỏe của doanh nghiệp và đời sống của người dân có thực sự được cải thiện song hành với tăng trưởng GDP?", ông đặt câu hỏi.

Đại biểu tỉnh Bắc Giang cho rằng, về phát triển kinh tế tư nhân, một điểm nhấn quan trọng năm 2017 là khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 10 xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Chính phủ đã có các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 cải thiện môi trường kinh doanh, tác động đến nền kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân, tăng cả về số lượng và vốn.

Tuy nhiên, hiện chỉ có 56% doanh nghiệp đăng ký đang hoạt động và cũng chỉ có 47,3 hoạt động có lãi. Trong kết cấu phần vượt thu ngân sách cũng chủ yếu về tài nguyên đất, dầu thô, cổ tức và lợi nhuận còn lại của các doanh nghiệp nhà nước mà không phải xuất phát từ khu vực sản xuất kinh doanh.

"Kinh tế tư nhân vẫn như một đội quân thuyền thúng, thuyền thúng gặp gió sẽ khó mà chịu được. Với tình trạng sức khỏe cùng với sự quá tải, gánh nặng về chi phí, thủ tục rào cản do mô hình nhỏ lẻ, năng lực, trình độ quản trị thì căn bệnh kinh niên chậm lớn sẽ khó có thể chữa", ông Son nói.

Để tháo gỡ khó khăn, ông Son cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ chế cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, đặc biệt là giấy phép con cháu. Chỉ tính các chi phí thực hiện 5.917 điều kiện kinh doanh chuyên ngành tại các cửa khẩu thì mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 18,6 triệu ngày công với chi phí là 14.300 tỷ đồng.

"Do đó, cần sớm đồng bộ và hoàn thiện thể chế kinh tế, cải cách hành chính công và tài chính công như cách làm của Singapore. Thay vì đặt ra quá nhiều điều kiện trói buộc doanh nghiệp thì họ quản lý nghiêm túc và giám sát, phát hiện sai để xử lý kịp thời", ông kiến nghị.

Đồng thời, đầu tư thiết kế hạ tầng trúng đích, tăng cường kết nối hệ thống giao thông mạng thông tin xây dựng các trung tâm kiểm định, những thành phố đáng sống, đặc khu kinh tế có mức độ tự chủ cao, nhằm giảm chi phí logistic đang ở mức quá cao, gấp 2 lần các nước phát triển và đứng đầu trong khu vực là 20,9% GDP, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ông cũng cho rằng, tạo môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng, đoạn tuyệt hoàn toàn với phân biệt đối xử trên thực tế khu vực kinh tế tư nhân, đẩy mạnh cổ phần hóa, tất cả các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện chức năng kinh doanh, bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu tư nhân về tài sản để yên tâm kinh doanh lâu dài, phát triển một cách lành mạnh.

Ngoài ra, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân với gói tín dụng lãi suất thấp, mở rộng kênh hỗ trợ vốn, hỗ trợ với mô hình quản trị đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ công nghệ, đây chính là một trong những yếu tố quan trọng.

Phương Dung

"Doanh nghiệp tư nhân như đội quân thuyền thúng" - 2