Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lại đang nhỏ đi

(Dân trí) - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, số lượng doanh nghiệp thành lập mới gia tăng, nhưng khu doanh nghiệp tư nhân lại đang nhỏ đi cả về quy mô vốn và lao động. Hội chứng thiếu vắng các doanh nghiệp cỡ vừa đã không được khắc phục...

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới gia tăng, nhưng khu doanh nghiệp tư nhân lại đang nhỏ đi cả về quy mô vốn và lao động.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới gia tăng, nhưng khu doanh nghiệp tư nhân lại đang nhỏ đi cả về quy mô vốn và lao động.

Ngôi sao cải cách vẫn chỉ quẩn quanh ở mức 70/100

Phát biểu công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2017 sáng nay (22/3), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã cho biết PCI là tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân và cũng chính là niềm trăn trở, là suy tư và là động lực cho những nỗ lực cải cách theo hướng xây dựng chính quyền kiến tạo tại các địa phương trong cả nước.

“Báo cáo PCI hàng năm không chỉ chỉ ra những dư địa của cải cách, mà còn góp phần tổng kết và nhân rộng những mô hình và công nghệ cải cách cho các địa phương”, ông Lộc nhấn mạnh.

Đề cập tới kết quả PCI năm 2017, ông Lộc cho biết, điểm số PCI bình quân cao nhất kể từ giai đoạn khởi đầu của Báo cáo PCI từ năm 2005 đến nay, và gần như tất cả các tỉnh đều tăng điểm số của mình.

Điều này, phản ánh rõ ràng môi trường kinh doanh ở các địa phương đã có những cải thiện rất ấn tượng dưới sự điều hành của Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hành trình chuyển lửa về các địa phương đã mang lại kết quả tích cực.

Chủ tịch VCCI cũng cho biết, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy khi 52% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 60% doanh nghiệp FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới.

“Đây là chỉ số niềm tin cao nhất của cộng đồng kinh doanh kể từ năm 2011 trở lại đây”, ông Lộc nói.

Tuy nhiên, theo ông Lộc, mặc dù điểm số PCI trung vị có được cải thiện, nhưng đang có sự chững lại của các Ngôi sao cải cách thuộc nhóm tiên phong với điểm số chỉ quẩn quanh ở mức 70/100. "Điều này cho thấy cải cách cần có thêm những động lực mới, mà việc tiếp tục cải cách thể chế với khâu đột phá là cải cách thủ tục hành chính ở cấp các bộ ngành trung ương cần được đẩy mạnh để có thể nâng trần thể chế, tạo thêm dư địa cho cải cách ở cấp địa phương và cơ sở", ông Lộc nói.

Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lại đang nhỏ đi - 2

Ngoài ra theo người đứng đầu VCCI, môi trường kinh doanh vẫn còn những "điểm tối" mà chúng ta chưa thể hài lòng như tính minh bạch của môi trường kinh doanh còn chưa cao, thiết chế pháp lý, hệ thống giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp chưa tốt, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu...

Đặc biệt, năm 2017, trung bình vẫn có trên 59% doanh nghiệp cho biết họ vẫn còn phải trả các chi phí không chính thức, dù chỉ số này đã giảm so với những năm trước, 28% doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng với kết quả giải quyết công việc của các công chức.

Doanh nghiệp cũng đang lo lắng hơn về những phiền hà trong việc tiếp cận đất đai và sự rủi ro trong việc bảo đảm quyền sử dụng đất. Tình hình an ninh trật tự ở một số địa phương cũng là mối quan ngại cho nhiều doanh nghiệp…, ông Lộc cho hay.

Doanh nghiệp tư nhân đang "teo" lại

TS. Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao (gấp tới gần 2 lần GDP). Tuy nhiên, khu vực tư nhân vẫn hướng vào thị trường trong nước là chủ yếu, xuất khẩu vẫn lệ thuộc vào các FDI, tới 70%.

"Chỉ 11% doanh nghiệp tư nhân trong nước có sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu. Chỉ 6% doanh nghiệp tư nhân có cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI. Hệ số chuyển giao công nghệ từ FDI cho các doanh nghiệp nội địa thấp nhất trong ASEAN", ông Lộc nêu thực trạng.

Cũng theo Chủ tịch VCCI, qua điều tra PCI cũng cho thấy Việt Nam có chất lượng quản trị doanh nghiệp thấp so với các chuẩn mực quốc tế và so với chính các FDI đang hoạt động tại Việt Nam.

Đáng lưu ý, ông Lộc cho biết tại Việt Nam, dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới gia tăng, nhưng khu doanh nghiệp tư nhân lại đang nhỏ đi cả về quy mô vốn và lao động. Hội chứng thiếu vắng các doanh nghiệp cỡ vừa “Missing the Middle” đã không được khắc phục. Sau 30 năm đổi mới, chúng ta vẫn chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp ngang tầm thế giới. Chỉ 14% doanh nghiệp Việt có lĩnh vực hoạt động chính là chế tạo.

Kết quả từ báo cáo điều tra PCI năm 2017 đã minh chứng rất rõ cho nhận định trên của ông Vũ Tiến Lộc. Cụ thể theo điều tra PCI 2017, có trên 50% doanh nghiệp có ít hơn 10 lao động (85% có dưới 50 lao động). Tỷ lệ đóng góp vào GDP của khu vực tư nhân chính thức đã tăng lên trong 2 năm trở lại đây, song vẫn chưa trở lại mức đỉnh cao từng đạt được trước khi gia nhập WTO.

Tỷ lệ đóng góp vào GDP của khu vực tư nhân chính thức đã tăng lên trong 2 năm trở lại đây, song vẫn chưa trở lại mức đỉnh cao từng đạt được trước khi gia nhập WTO.
Tỷ lệ đóng góp vào GDP của khu vực tư nhân chính thức đã tăng lên trong 2 năm trở lại đây, song vẫn chưa trở lại mức đỉnh cao từng đạt được trước khi gia nhập WTO.

Điều tra từ PCI 2017 cũng cho thấy, tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam thiếu khả năng phát triển lên quy mô lớn. Theo số liệu điều tra, chỉ có 11% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người mua hàng quốc tế và chỉ 14% bán cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Những con số này cho thấy khu vực tư nhân đang chủ yếu sản xuất cho thị trường trong nước. Do vậy, thách thức chủ yếu hiện nay là làm thế nào để tăng quy mô của những doanh nghiệp nội địa này và tạo điều kiện để họ hội nhập tốt hơn cùng các doanh nghiệp nước ngoài và nâng cao được giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị.

Ngoài ra những người tham gia điều tra PCI cũng cho rằng, một trong các nguyên nhân của tình trạng quy mô doanh nghiệp thu nhỏ một phần đến từ các tập đoàn lớn. Các tập đoàn này có nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau nhưng lại đăng ký và nộp thuế theo từng công ty con riêng lẻ. Điều này có thể lý giải từ sự gia tăng rất rõ ràng của số lượng doanh nghiệp.

Nguyễn Khánh

Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lại đang nhỏ đi - 4