Doanh nghiệp Trung Quốc xem Việt Nam là điểm đến đầy hứa hẹn

(Dân trí) - Do sự gần gũi về mặt địa lý, ưu đãi về thuế quan cùng môi trường đầu tư thuận lợi, Việt Nam đang được các doanh nghiệp Trung Quốc xem là điểm đến với những cơ hội rất lớn.

Đây là kết luận của tờ Người quan sát kinh tế, một tờ báo tiếng Trung chuyên sâu về phân tích kinh tế, sau khi phỏng vấn một số chủ doanh nghiệp Trung Quốc. Bài viết được đăng tải lại trên tờ Want China Times.

Môi trường đầu tư tại Việt Nam được xem là rất thuận lợi (Ảnh: internet)
Môi trường đầu tư tại Việt Nam được xem là rất thuận lợi (Ảnh: internet)

“Do lợi nhuận trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc ngày càng thấp trong khi xuất khẩu sụt giảm, rất nhiều ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động của Trung Quốc đang mở rộng sản xuất ra nước ngoài, trong đó Việt Nam chính là điểm đến thay thế quan trọng”, bài báo viết.

Ông Teng, chủ tịch một công ty sản xuất da giày tại thành phố Ôn Châu nhận định so với Trung Quốc thì Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn do mức lương của người lao động thấp, chi phí thuê nhà xưởng rẻ và chính sách đầu tư thân thiện. Theo nhà đầu tư này “Việt Nam đang đem đến những cơ hội kinh doanh khổng lồ cho Trung Quốc và là thị trường mới nổi đầy hứa hẹn”.

Bài báo cũng phân tích thêm rằng sự thuận tiện trong giao thông đường biển, đất liền và cả đường không giữa hai nước, hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tăng trưởng rất mạnh. “Quan trọng hơn, nền kinh tế tăng trưởng nhanh của Việt Nam mở ra những cơ hội rất lớn. Kể từ sau công cuộc Đổi mới năm 1986, kinh tế Việt Nam luôn tăng trưởng mạnh và đạt kỷ lục 7,4% vào năm 2003”, tuần báo có trụ sở tại Bắc Kinh viết.

Bên cạnh đó, ông Teng nhận định khoảng cách về công nghệ, hạ tầng và dịch vụ giữa 2 nước chính là cơ hội “khổng lồ” cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Dù vậy vị chủ doanh nghiệp này cũng khuyến cáo rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc muốn vào đầu tư tại Việt Nam trước hết cần tham khảo ý kiến tư vấn của các chuyên gia Trung Quốc tại Việt Nam.

“Khi các doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn tại Việt Nam họ phải chấp nhận những thay đổi về chính sách và các luật lệ tại đây”, ông Teng giải thích. “Các doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc có thể dễ dàng chế biến nguyên liệu thô tại Việt Nam rồi bán hàng hóa thành phẩm ngay tại đây hoặc xuất khẩu tới châu Âu, Mỹ hoặc thậm chí là chính Trung Quốc”.

Một lợi thế lớn mà các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam được hưởng đó là sản phẩm của họ sẽ được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ. Ông Teng chia sẻ với tờ Người quan sát kinh tế.

Ngoài ra, việc Trung Quốc đã ký Thỏa thuận tự do mậu dịch với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ là một bàn đạp tốt cho những doanh nghiệp có ý định mở rộng thị trường quốc tế. Bởi hiện ASEAN đã xây dựng khu vực tự do mậu dịch với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand.

Điều đó có nghĩa là hàng hóa của các nước ASEAN trong đó có Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%. Trong khi đó Trung Quốc mới chỉ có Thỏa thuận tự do mậu dịch với New Zealand. Nhờ vào những thỏa thuận này cùng các quốc gia ASEAN, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể thành lập các nhà máy tại đây để sơ chế nguyên liệu thô trước khi xuất khẩu hàng hóa thành phẩm vào ASEAN.
 
Thanh Tùng