Doanh nghiệp Trung Quốc muốn xây nhà máy kẽm tại Chân Mây - Lăng Cô

(Dân trí) - Một công ty Trung Quốc muốn đầu tư nhà máy sản xuất kẽm tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để xuất khẩu kẽm sang Nhật Bản và Trung Quốc, ước tổng mức đầu tư giai đoạn đầu khoảng 5 triệu USD.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, chiều ngày 19/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã tiếp và làm việc với bà Lu Xin Xin, Giám đốc Công ty TNHH công nghiệp fuda Bắc Kinh (Trung Quốc) đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tại buổi tiếp, bà Lu Xin Xin cho biết, Công ty TNHH công nghiệp fuda Bắc Kinh là một công ty tư nhân, hoạt động chính là sản xuất kẽm với công nghệ tiên tiến.

Qua tìm hiểu, cảng Chân Mây có thể tiếp nhận tàu hàng trên 50 nghìn tấn, vì vậy công ty muốn đầu tư nhà máy sản xuất kẽm tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để xuất khẩu kẽm sang Nhật Bản và Trung Quốc, ước tổng mức đầu tư giai đoạn đầu khoảng 5 triệu USD.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, để tạo điều kiện cho công ty triển khai các bước tiếp theo, tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng cung cấp các thông tin về thủ tục đầu tư và chính sách thu hút đầu tư của tỉnh.

Sản xuất kẽm cũng là một trong số những ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hồi năm 2013, từng có trường hợp Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản đề nghị nhà máy kẽm điện phân tại Thái Nguyên do ô nhiễm môi trường.

Biên bản đo kiểm tra từ cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cho thấy, tại thời điểm đó, không khí xung quanh nhà máy bị ô nhiễm nghiêm trọng - một số chỉ tiêu hóa học có trong không khí có thể gây chết người luôn vượt quá quy chuẩn. Mẫu và phân tích mẫu nước từ nhà máy nước điện phân chảy vào mương La Vang phân tích cũng cho thấy nhiều chỉ tiêu vượt ngưỡng chỉ tiêu chất thải nguy hại.

Trong khi đó, vịnh biển Lăng Cô - Chân Mây là một trong 10 vịnh biển được bình chọn đẹp nhất thế giới, có nhiều tiềm năng lớn về du lịch. Hiện Khu du lịch Lăng Cô kết nối cùng Cảnh Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong 4 khu du lịch quốc gia nằm trong Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng chú trọng việc quy hoạch phát triển để Lăng Cô trở thành đô thị phát triển dịch vụ du lịch biển năng động phía Nam của tỉnh.

Theo những thông tin trước đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đã thu hút được 88 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 2,26 tỷ USD; trong đó, vốn thực hiện đến nay hơn 849 triệu USD, chiếm 32,4% tổng số vốn đã đăng ký. Thừa Thiên - Huế hiện đứng thứ 25 toàn quốc và thứ 6/13 tỉnh của miền Trung - Tây Nguyên về thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện đã có các nhà đầu tư lớn của nước ngoài hoạt động tại Thừa Thiên-Huế như Tập đoàn Banyan Tree (Singapore), Công ty HBI (Hoa Kỳ), Công ty CP (Thái Lan)...

Điển hình là Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế Laguna Lăng Cô, với tổng vốn đầu tư 850 triệu USD, thực hiện hơn 500 triệu USD do Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) đầu tư xây dựng đã đưa vào sử dụng. Cảng biển Chân Mây cũng được Hãng tàu Royal Caribbean lựa chọn để hợp tác đầu tư 5 triệu USD, nâng cấp cầu cảng bến số 1 để đón tàu Quantum of the Seas và Oasis of the Seas - tàu du lịch lớn nhất thế giới.

Phương Dung