Doanh nghiệp “thoi thóp”, đốt tiền “dân chơi”

(Dân trí) - Dù số vốn bỏ ra là thật, song nhiều nhà đầu tư lại không rành rẽ kiến thức về tài chính doanh nghiệp, không dành thời gian tìm hiểu và không có mục tiêu cụ thể. Mong muốn “lướt sóng”, đầu tư ngắn hạn nhưng cuối cùng lại rơi vào tình thế “kẹp hàng” và “chôn vốn” hàng năm ròng rã, “bỏ thì thương, vương thì tội”.

Có những mã chứng khoán một thời là hàng nóng nay hết bị đuổi khỏi sàn HSX đến bị cảnh báo, đình chỉ giao dịch trên UPCoM
Có những mã chứng khoán một thời là "hàng nóng" nay hết bị "đuổi" khỏi sàn HSX đến bị cảnh báo, đình chỉ giao dịch trên UPCoM

“Nhà đầu tư phong trào”

Cách đây hơn 10 năm, chị Hằng Nga theo lời một người cô, bỏ ra 100 triệu đồng để góp “chơi chứng khoán”, dù chị không hề biết thế nào là cổ phiếu, thế nào là đặt lệnh mà đặt trọn niềm tin vào vụ đầu tư này chỉ vì chứng khiến rất nhiều người quanh chị giàu lên nhanh chóng từ cổ phiếu.

Số tiền không hề nhỏ. Vào thời điểm đó, khoản này là một gia tài với chị. Thế nhưng, ngay sau đó, chứng khoán không vực dậy nổi. Chị Nga hết năm này năm khác vẫn nuôi hy vọng thị trường sẽ phục hồi trở lại và gỡ gạc phần nào số vốn đã bỏ ra.

Đến 2017, khi VN-Index bật tăng mạnh và qua một số lần chuyển mã đầu tư thì số tiền còn lại của chị chỉ còn hơn 10 triệu đồng. Chị vẫn được an ủi rằng “chưa bán nghĩa là chưa lỗ”.

Thế nhưng, những hi vọng của chị Nga đang lụi dần khi mà mới đây, chị được thông báo, mã chứng khoán chị vừa mua lại bị đình chỉ giao dịch sau khi “rớt” xuống UPCoM.

Trên thực tế, những “nhà đầu tư phong trào” trên thị trường chứng khoán như chị Hằng Nga không phải là ít. Dù số vốn bỏ ra là thật, song họ lại không rành rẽ kiến thức về tài chính doanh nghiệp, không dành thời gian tìm hiểu và không có mục tiêu cụ thể. Mong muốn “lướt sóng”, đầu tư ngắn hạn nhưng cuối cùng lại rơi vào tình thế “kẹp hàng” và “chôn vốn” hàng năm ròng rã, “bỏ thì thương, vương thì tội”.

Sau “bong bóng” chứng khoán 2008, chất lượng “người chơi” trên thị trường chứng khoán hiện đã được cải thiện. Tuy nhiên, trên các diễn đàn chứng khoán vẫn thường xuyên nhận được các câu hỏi của một số nhà đầu tư nhỏ lẻ: “Nên mua mã nào hôm nay?”, “Có chừng này tiền thì chơi được không?” v.v

Siêu thị chứng khoán “thượng vàng hạ cám”

Trong khi đó, theo thống kê, trên thị trường hiện có trên 1.500 mã cổ phiếu: HSX có trên 360 mã, HNX gần 380 mã và UPCoM có tới hơn 760 mã đang hoạt động. Nhiều người ví von, thị trường chứng khoán hiện nay giống như một “siêu thị” thượng vàng hạ cám, nguy cơ mua phải hàng không chất lượng là hiện hữu. Mà một khi đã “ôm vào” thì không phải muốn “thoát hàng” là bán được, vì rất nhiều mã cổ phiếu bán cũng chẳng có người mua.

Lấy ví dụ, phiên giao dịch cuối tuần vừa rồi (3/8), có tới 721 mã cổ phiếu không diễn ra giao dịch, còn sáng 6/8, con số này đã lên tới hơn 900 mã. Ở những mã này, ngoại trừ các cổ phiếu được nhà đầu tư nắm giữ nhằm hưởng cổ tức thì phần lớn phần lớn rơi vào tình trạng “chết” lâm sàng.

Chính vì vậy, để bảo vệ nhà đầu tư, cơ quan chức năng thời gian qua cũng đã tích cực “phân loại hàng hoá” trên sàn, đặc biệt là sàn UPCoM, nơi vẫn được cho là kém minh bạch hơn và dễ tính với doanh nghiệp đại chúng hơn so với hai sàn HSX và HNX.

Đến phiên 6/8, đã có 106 mã cổ phiếu trên UPCoM bị đưa vào diện cảnh báo, trong đó, tới 10 mã bị đình chỉ giao dịch gồm: KSA của CTCT Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận; VKP của CTCP Nhựa Tân Hoá; BAM của CTCP Khoáng sản và Luyện kim Bắc Á; KSS của CTCP Khoáng sản Na Rì Hamico; MTM của CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung; KTB của CTCP Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc; PTK của CTCP Luyện kim Phú Thịnh; VSP của CTCP Vận tải Biển và Bất động sản Việt Hải; FBA của CTCP Tập đoàn Quốc tế FBA và BGM của CTCP Khai thác và Chế biến Khoáng sản Bắc Giang.

KSA là mã mới nhất vừa lọt vào danh sách này. Trong khi đó, có những mã đã bị đình chỉ giao dịch tới hơn 2 năm như VSP bị đình chỉ từ 6/4/2016, PTK và KTB bị đình chỉ từ 13/4/2016, FBA bị đình chỉ từ 26/5/2016…

Ngoài 10 mã bị đình chỉ thì còn có 89 mã bị hạn chế giao dịch và có 7 mã bị cảnh báo vì có vốn dưới 10 tỷ đồng.

Nói chung, mong muốn kiếm lời từ cổ phiếu là chính đáng, song hoạt động đầu tư cần gắn với kiến thức và đòi hỏi sự tìm hiểu của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp đang đầu tư trên sàn. Bởi không phải doanh nghiệp nào cũng đủ minh bạch, có triển vọng tốt, và cũng không phải nhà đầu tư nào cũng có thể “ăn may”. Và như ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch công ty chứng khoán SSI từng nói: "Đầu tư chứng khoán chứ không phải là... chơi chứng khoán!".

Mai Chi

Doanh nghiệp “thoi thóp”, đốt tiền “dân chơi” - 2