Doanh nghiệp phản ứng việc dự trữ thép bắt buộc

(Dân trí) - Dự thảo dự trữ lưu thông bắt buộc đối với mặt hàng thép đang gặp phải sự phản ứng của doanh nghiệp. Đặc biệt, việc yêu cầu giá bán lẻ hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc thấp hơn giá thị trường 10% có thể phát sinh nhiều tiêu cực.

Doanh nghiệp phản ứng việc dự trữ thép bắt buộc - 1
Thép có nên dự trữ bắt buộc khi đang phải đối mặt với nguy cơ thừa?
Theo quy định của bản Dự thảo đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến của các doanh nghiệp, mức dự trữ lưu thông bắt buộc tối đa dự kiến là 10% lượng thép và 3-5% lượng phôi thép mà thương nhân nhập khẩu năm trước.

Giá mua hàng hóa đưa vào dự trữ lưu thông thực hiện theo cơ chế giá thị trường. Giá bán lẻ hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán ra ít nhất 10%, giá thị trường do Bộ Tài chính công bố tại thời điểm bán ra.

Về việc này, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho rằng, dự thảo này không phù hợp với quy luật thị trường cũng như phản ánh đúng tình hình thực tế hiện nay.

Theo VSA, tính đến cuối tháng 3 vừa qua, tổng công suất sản xuất thép xây dựng của cả nước đạt gần 9 triệu tấn/năm, trong khi tổng tiêu thụ thép năm 2010 mới đạt 6,3 triệu tấn. Tiêu thụ thép 5 năm gần đây chỉ chiếm 50 - 60% tổng công suất của các doanh nghiệp. Trên thị trường chưa bao giờ thiếu thép xây dựng kể cả khi giá cả thép biến động mạnh, và việc giá thép biến động không phải do thiếu mà do nguyên liệu đầu vào quyết định.

Bên cạnh đó, hàng tháng các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng đều dự trữ 500 nghìn tấn phôi thép, 300 nghìn tấn thép xây dựng thành phẩm, chưa kể phôi và sản phẩm thép tồn ở các công ty thương mại. Như vậy, lượng phôi và sản phẩm tồn cao hơn nhiều so với mức quy định dự trữ trong dự thảo.

Về nội dung trong Dự thảo quy định giá bán hàng dự trữ của doanh nghiệp thấp hơn giá thị trường 10% cũng không thực tế, đại diện các doanh nghiệp thép – VSA khẳng định việc này chỉ có lợi cho các công ty trung gian, không đến người sử dụng như những năm trước đã từng áp dụng ở một số công ty.

“Quy định giá thấp như vậy sẽ hình thành cơ chế xin cho, dễ phát sinh tiêu cực trong khâu lưu thông phân phối, Nhà nước chịu thiệt mà người tiêu dùng cũng không được hưởng.” – Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch VSA khẳng định.

Ông Cường còn cho biết thêm, hiện trong VSA có 21 doanh nghiệp sản xuất phôi, 31 doanh nghiệp sản xuất cán thép xây dựng. Những doanh nghiệp này không những phải cạnh tranh khốc liệt với nhau mà họ còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ từ ASEAN và Trung Quốc, nên không thể có độc quyền trong lưu thông và giá bán thép.

Hiện giá bán ở các doanh nghiệp đều khác nhau tùy vào thương hiệu, công nghệ và hàng tháng đều công khai báo cáo cho VSA. Ngoài ra, mỗi khi giá thép biến động, các bộ, ngành chức năng đều đến doanh nghiệp kiểm tra nhưng chưa hề phát hiện tình trạng đầu cơ tích trữ thép để trục lợi…

Thậm chí, theo VSA, tình hình đầu tư sản xuất thép xây dựng ở Việt Nam cũng giống như xi măng đang dư thừa công suất, nếu không tìm được thị trường xuất khẩu thì các nhà máy cán chỉ có thể vận hành 50-60% công suất nên cũng không cần phải quy định dự trữ lưu thông bắt buộc.

Trong công văn mới đây gửi Bộ Công Thương, VSA đã đề nghị bộ này kiến nghị Thủ tướng những biện pháp hữu hiệu bình ổn thị trường, tránh những quy định hành chính với doanh nghiệp thép. Bởi sản xuất thép xây dựng ở Việt Nam hoàn toàn đảm bảo nhu cầu và đang vận hành theo cơ chế thị trường, phải cạnh tranh gay gắt không chỉ trong nước mà cả với doanh nghiệp nước ngoài.

Lan Hương