1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Doanh nghiệp nước ngoài chuyển trụ sở đến Việt Nam

(Dân trí) - Đang xuất hiện xu hướng một số hãng nước ngoài chuyển trụ sở của họ tại các nước Đông Nam Á về Việt Nam. Điều này tạo cho Việt Nam vị thế mới nhưng cũng đặt ra yêu cầu quản lý để chống gian lận thương mại và thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nước ngoài chuyển trụ sở đến Việt Nam - 1
Hoạt động nhượng quyền tại Việt Nam đang diễn ra khá sôi nổi (ảnh minh họa)
 
Theo Bộ Công Thương, năm 2009, trong năm 2009, Bộ đã xác nhận đăng ký hoạt động nhượng quyền tại Việt Nam cho 25 doanh nghiệp nước ngoài. Hầu hết trong số này là các doanh nghiệp đã có thương hiệu uy tín lớn trên thế giới và đến từ các nước phát triển như Anh, Mỹ, Canada, Thụy Sỹ, Italia, Úc, Singapore...

Hoạt động nhượng quyền chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như đồ ăn nhanh, nhà hàng, thực phẩm, thời trang, đào tạo, bất động sản, bán lẻ (cửa hàng tiện ích, cửa hàng bán lẻ), cho thuê xe ô tô, kinh doanh dịch vụ internet, dịch vụ đóng gói và vận chuyển đồ đạc...

Cùng với nhận định của một số chuyên gia kinh tế rằng hoạt động nhượng quyền thương mại sẽ bùng nổ tại Việt Nam trong tương lai không xa, Hiệp hội Kinh doanh nhượng quyền Việt Nam cũng dự báo doanh thu của ngành này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới và có khả năng đạt hơn 36 triệu USD trong năm 2010 này.

Đáng chú ý, theo báo cáo hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực thương mại năm 2009 của Bộ Công Thương, hiện đang xuất hiện xu hướng các doanh nghiệp nước ngoài một mặt đăng ký nhượng quyền thương mại vào Việt Nam, mặt khác xin thành lập pháp nhân để cung cấp hàng hóa và quản lý các doanh nghiệp nhận quyền thương mại.

“Hình thức mới này sẽ làm cho việc kinh doanh thương mại mang tính văn minh, hiện đại nhưng sẽ gây cạnh tranh trực tiếp với các cửa hàng nhỏ lẻ ở Việt Nam” - Bộ Công Thương cảnh báo.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Công Thương, trong năm 2009 các địa phương đã cấp phép cho 169 dự án đầu tư vào mua bán hàng hóa (bao gồm nhập khẩu và phân phối). Trong đó, có 26 dự án là phân phối hàng tiêu dùng, 143 dự án là phân phối máy móc thiết bị và nguyên vật liệu cho sản xuất.

Địa bàn thu hút nhiều dự án là Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, và Long An. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa có nhà đầu tư nước ngoài đề nghị thành lập cơ sở bán lẻ theo mô hình trung tâm thương mại.

“Hiện đang xuất hiện xu hướng một số hãng nước ngoài chuyển trụ sở của họ tại các nước Đông Nam Á về Việt Nam. Điều này tạo cho Việt Nam vị thế mới nhưng cũng đặt ra yêu cầu quản lý để chống gian lận thương mại và thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp” - Bộ Công Thương nhận định.

LH