Doanh nghiệp nông nghiệp muốn có 100 ha đất phải ký với 1.000 hộ dân
(Dân trí) - "Với các doanh nghiệp như chúng tôi, muốn có 100 ha đất để sản xuất nông nghiệp thì phải ký với 1.000 hộ dân. Điều này gây nhiều trở ngại cho quá trình sản xuất kinh doanh, nếu làm trên 6.000 ha thì phải ký với bao nhiêu hộ mới đủ?", sếp một doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp cho biết.
Trước thềm Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam (VPSF) lần thứ 2 dự kiến sẽ diễn ra tại thủ đô Hà Nội vào cuối tháng 7/2017 với sự chủ trì và điều hành đối thoại của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Nhóm công tác về Nông nghiệp của VPSF đã bàn thảo về các chủ đề: Tổ chức lại hệ thống sản xuất Nông nghiệp; Chính sách về thị trường trong NN; Nhân lực cho nông nghiệp công nghệ cao.
Cần tổ chức lại hệ thống sản xuất nông nghiệp
Nhóm công tác VPSF cho rằng, cần phải tổ chức lại hệ thống sản xuất nông nghiệp, theo đó, thay vì lấy hộ làm trọng tâm thì lấy doanh nghiệp làm trọng tâm và từ đó điều chỉnh mọi thứ khác phù hợp với đặc điểm, đặc tính hoạt động của doanh nghiệp.
"Đất đai cần cơ chế tập trung/tích tụ với quy mô linh hoạt để doanh nghiệp có thể sản xuất lớn; đánh thuế công bằng không dồn gánh nặng cho doanh nghiệp nhưng lại có chính sách ưu đãi tùy khu vực, tùy mảng, tùy trọng tâm ưu tiên đầu tư; tạo sự thuận lợi tối đa để doanh nghiệp tập trung sản xuất kinh doanh thay vì phải ứng phó với sự biến động chính sách/sự hạn chế trong thực thi chính sách pháp luật và thủ tục... Giải pháp đặt ra là xóa bỏ hạn điền (Luật đất đai); xóa bỏ hoặc điều chỉnh một loạt thuế (VAT, TNCN, TNDN...), cải cách thủ tục hành chính...", VPSF cho biết.
Tham gia VPSF, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch nhóm công tác nông nghiệp VPSF, Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (Thai Binh Seed) cho biết, nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam muốn phát triển, đáp ứng yêu cầu các thị trường có trình độ cao như Nhật, Hàn thì nhất định phải thiết lập hệ thống sản xuất nông nghiệp theo hướng đi phù hợp.
"Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn rất manh mún. Với các doanh nghiệp như chúng tôi, muốn có 100 ha đất để sản xuất nông nghiệp thì phải ký với 1.000 hộ dân. Điều này gây nhiều trở ngại cho quá trình sản xuất kinh doanh, nếu làm trên 6.000 ha thì phải ký với bao nhiêu hộ mới đủ ? Riêng việc in giấy tờ lưu trữ cũng đã rất nặng nề, thêm vào đó, nhiều người nông dân cầm hợp đồng nhưng không hề đọc", ông nói.
Ông Báo cũng cho rằng, điều mà các doanh nghiệp cần hỗ trợ nhất là thủ tục hành chính khi doanh nghiệp đầu tư như thủ tục tiếp cận thuê đất, thủ tục thu hút đầu tư mua máy móc công nghệ hay thủ tục về thuế. Ngoài ra doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có rất nhiều rủi ro nên chính sách về thuế cần phải khác.
Quan trọng là thị trường
Còn theo ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc The Pan Group, một trong những vấn đề quan trọng nhất với doanh nghiệp là thị trường bởi nếu có thị trường và có nguồn nhân lực thì tiền khắc đến.
"Về thị trường, đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng được mùa mất giá của một số mặt hàng nông sản trong thời gian qua. Mặt khác, nếu xuất phát từ thị trường thì sẽ định hướng được sản phẩm, chẳng hạn, sản phẩm thay thế nhập khẩu, xuất khẩu, sản phẩm có giá trị cao chứ không chỉ năng suất cao", ông Hải nói.
Theo ông Hải, riêng về thị trường cho xuất khẩu nông sản, đây là thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam không hiểu biết nhiều, do đó, khi xuất khẩu hay phải phụ thuộc vào đối tác nước ngoài. Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích cơ chế hợp tác, tổ chức nhiều cuộc xúc tiến gặp gỡ để doanh nghiệp có cơ hội trao đổi và hiểu về thị trường xuất khẩu tốt hơn.
Về thị trường trong nước, doanh nghiệp rất hiểu thị trường, nên Nhà nước chỉ cần làm vai trò định hướng. Nếu doanh nghiệp là trọng tâm của hệ thống sản xuất nông nghiệp thì sẽ hạn chế được tình trạng được mùa rớt giá và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tốt hơn.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, TGĐ Công ty Đầu tư Thủy sản miền Trung thì kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước làm sao phải nhanh chóng quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong đó hướng đến và xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn nông nghiệp sạch, công nghệ cao nhằm khuyến khích doanh nghiệp an tâm và sẵn sàng đầu tư.
"20 năm trong nghề thủy sản, tôi thấy, các tiêu chí mà mình đặt ra với doanh nghiệp khác xa với thực tiễn đang ứng dụng và cũng nói thêm cơ chế chính sách dành cho ứng dụng cũng không đúng. Chính sách không hợp lý, xa rời thực tiễn nên chúng ta phải quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, phải có bộ tiêu chí rõ ràng để đánh giá và chính sách để khuyến khích việc doanh nghiệp khi họ muốn đầu tư phát triển vào lĩnh vực này thì họ rất là yên tâm, phấn khích, sẵn sàng được hỗ trợ", ông nói thêm.
Phương Dung