Doanh nghiệp niêm yết ôm nợ… hơn 10% GDP
(Dân trí) - Dù các ngân hàng năm vừa qua đã siết chặt hơn điều kiện để cấp tín dụng song con số nợ ngắn hạn cũng như dài hạn của các doanh nghiệp niêm yết khiến nhiều người phải “choáng”. Chi phí tài chính bằng 3/5 lợi nhuận sau thuế.
Doanh nghiệp ít vay vốn hoặc ít được vay hơn, song vẫn chìm ngập nợ nần.
Mặt phải của tín dụng yếu: nhẹ gánh nặng nợ nần?
Câu chuyện tăng trưởng tín dụng thấp, thậm chí âm không chỉ đến mới đây mới được nhắc đến như một nút thắt của nền kinh tế khi ngân hàng thì ứ tiền còn doanh nghiệp lại khát vốn mà đã là câu chuyện của cả năm 2012.
Thế nhưng, nhìn ở một góc độ khác, khi tăng trưởng tín dụng chậm lại, thì gánh nặng nợ nần của các doanh nghiệp lại “nhẹ” hơn!
Có thể dễ dàng thấy tình hình tăng trưởng tín dụng thông qua dư nợ của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Qua quan sát của Dân trí, tại 685 doanh nghiệp (trong tổng số 705 doanh nghiệp) đã công bố báo cáo tài chính, dư đều giảm nhẹ so với năm 2011.
Trong cơ cấu dư nợ, tuy mức độ có giảm ở khu vực nợ ngắn hạn (tăng mức độ an toàn tài chính của các doanh nghiệp) song nợ dài hạn so với 2011 lại gia tăng.
Cụ thể, năm vừa rồi, tổng dư nợ ngắn hạn của 685 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính - loại trừ các tổ chức tín dụng và cho thuê tài chính – là hơn 142,7 ngàn tỷ đồng, giảm 5,5% so với năm 2011. Song cùng với đó, tổng dư nợ dài hạn tăng gần 2%, từ 146,7 ngàn tỷ đồng năm 2011 lên 149,6 ngàn tỷ đồng trong năm 2012.
Tính ra, tổng nợ của các doanh nghiệp niêm yết năm vừa qua đã lên tới 292,3 tỷ đồng, tương ứng với gần 14 tỷ USD (chiếm hơn 10% GDP cả nước năm 2012).
Câu hỏi đặt ra là: Dư nợ suy giảm có làm cho sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp an toàn hơn?
Giữa năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán đã tính toán hệ số nợ phải trả/tổng tài sản của 162 doanh nghiệp nhà nước niêm yết trên thị trường chứng khoán là 0,85. Một con số thể hiện tính rủi ro cao khi dư nợ quá lớn, đồng thời cũng dẫn tới áp lực lớn về chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tới cuối năm 2012, theo tính toán của Dân trí dựa trên Báo cáo tài chính của 685 doanh nghiệp niêm yết, thì tỷ lệ này đã giảm còn 0,30. Trong đó, chỉ có 88 doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả/tổng tài sản trên 0,5.
Như vậy, theo cái nhìn tích cực, hệ số dư nợ giảm cho thấy sức ép nợ nần lên "vai" các doanh nghiệp ở mức vừa phải.
Thế nhưng, quan sát báo cáo tài chính của các doanh nghiệp giữa bối cảnh lãi suất vẫn còn ở mức tương đối cao sẽ thấy, 685 doanh nghiệp này đang phải gánh chi phí tài chính lên tới hơn 30 ngàn tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay. Con số này tương đương với 3/5 lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết.
Như vậy, trung bình cứ nợ 100 đồng, chi phí tài chính của các doanh nghiệp là 10 đồng. Trừ đi các khoản khác trong chi phí tài chính, có thể thấy các doanh nghiệp đã chịu mức lãi suất từ 8-10% trong năm 2012.
Vay đường vòng cũng nản!
Mức dư nợ suy giảm, ngoài lý do vay vốn tín dụng khó khăn, còn bởi đây là năm thứ 3 liên tiếp, huy động vốn qua thị trường chứng khoán đã suy giảm. Đặc biệt trong lĩnh vực IPO, số vụ thành công chỉ có 14 vụ, với số tiền huy động được giảm chỉ còn bằng 9% so với năm 2011.
Vay ngân hàng khó, vay từ nhà đầu tư chứng khoán càng khó hơn!
Tổng số tiền huy động qua kênh cổ phiếu đạt hơn 10 ngàn tỷ đồng, chỉ chiếm hơn 21% so với 2010 và chưa tới 30% so với 2011.
Điều đáng nói là huy động vốn qua thị trường cổ phiếu thành công nhất 2012 lại là một tổ chức tín dụng. Trong năm này, Ngân hàng TMCP Quân đội (MCK:MBB) đã huy động thành công hơn 2.784 tỷ đồng qua việc phát hành cổ phiếu.
Việc các doanh nghiệp liên tục phải trì hoãn và hủy kế hoạch phát hành cổ phiếu nhằm huy động vốn một phần bởi tín dụng dành cho thị trường chứng khoán trong năm 2012 đã bị kiểm soát cùng với thị trường bất động sản.
Đồng thời với nhiều cú sốc của thị trường làm cho niềm tin của nhà đầu tư bị sụt giảm mạnh.
Dễ hiểu khi dòng tiền lại “không thích” chứng khoán, khi hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết thể hiện qua các con số trong năm 2012 hầu hết có sự suy giảm như chỉ số EPS, ROA. Mặc dù hệ số ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) của hai sàn đều tăng lên, nhưng tại HNX, con số này chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với lãi suất tiết kiệm.
Với hơn 20 kế hoạch phát hành trái phiếu trong năm 2012, số kế hoạch bị thất bại hoặc phải trì hoãn lên tới hơn 60%.
Lỗ “ăn” cả vào vốn chủ sở hữu
Thực tế, việc huy động và sử dụng nguồn vốn vay nợ làm tăng cơ hội lợi nhuận của doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng dẫn tới một rủi ro rất lớn. Bằng chứng là năm 2012 chứng kiến không ít doanh nghiệp bị lỗ "ăn sâu" vào vốn chủ sở hữu.
Tỷ lệ tổng tài sản/vốn chủ sở hữu trung bình của 685 doanh nghiệp trong năm 2012 là 2,5 lần. Trong đó có những doanh nghiệp...đã âm vốn chủ sở hữu!
Cụ thể, trong 685 doanh nghiệp, có 8 doanh nghiệp đã bị âm vốn chủ sở hữu và tới 68 doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính cao hơn 5 lần.
CTCP Tập đoàn Thái Hòa là một ví dụ điển hình khi tỷ lệ đòn bẩy tài chính luôn ở mức cao, đặc biệt là tình trạng nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ câu vốn, dẫn tới chi phí lãi vay cao, doanh nghiệp thua lỗ âm vào vốn chủ sở hữu.
Cuối năm 2012, từ một Công ty lớn mạnh, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm này chỉ còn hơn 10 tỷ đồng, xấp xỉ 1/60 lần năm 2010.
Hoặc ví dụ trường hợp CTCP Hàng hải Đông đô. Tới cuối năm 2012, công ty này vẫn có tổng tài sản hơn 1.250 tỷ đồng, song tổng nợ lên nới 1.284 tỷ. Vốn chủ sở hữu âm 33 tỷ và công ty buộc phải hủy niêm yết vào 10/4 tới đây.
Rõ ràng là trên thị trường, bên cạnh những doanh nghiệp tạo được niềm tin cho nhà đầu tư bởi sự ổn định thì cũng có không ít doanh nghiệp liên tục có biến động mạnh về kết quả kinh doanh - trước khi phát hành huy động vốn có báo cáo tài chính đẹp mắt, kế hoạch kinh doanh ấn tượng, nhưng sau khi tăng vốn ồ ạt thì bảng cân đối kế toán lại ngày càng yếu kém.
Kỳ Phương