Doanh nghiệp nhà nước đồng loạt cắt giảm 5-10% chi phí

(Dân trí) - Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết: Việc cắt giảm chi phí tài chính của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước không còn là việc động viên mà là yêu cầu bắt buộc.

Sáng nay 14/2, tại Hà Nội, Bộ Tài chính và Tập đoàn Bảo Việt đã tổ chức Hội thảo “Tái cấu trúc tập đoàn Tài chính Bảo hiểm – Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”. Hội thảo đã chỉ ra những vấn đề cốt lõi và nhiệm vụ hàng đầu cho các tập đoàn kinh tế Nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - bảo hiểm - ngân hàng khi thực hiện đề án Tái cấu trúc.

Trong khuổn khổ hội thảo, Tập đoàn Bảo Việt công bố cắt giảm chi phí 5% (tương đương 145 tỷ đồng) nhưng vẫn đảm bảo được lợi nhuận tương ứng như kế hoạch đặt ra.

Chia sẻ về chủ trương của Chính phủ về tái cấu trúc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết: “Nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ trong năm 2012 là tái cấu trúc nền kinh tế, tập trung vào đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống tài chính nhằm tăng cường hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phát huy vài trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước. Trong đó doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò quan trọng, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung”.
 
Doanh nghiệp nhà nước đồng loạt cắt giảm 5-10% chi phí - 1
Bộ trưởng Vương Đình Huệ (ảnh: NH)
 
Theo Bộ trưởng Huệ, tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước là một vấn đề lớn, đòi hỏi phải xem xét từ nhiều góc độ, với nhiều kiến thức quản lý và cơ sở khoa học làm nền tảng, do đó không thể thiếu những kinh nghiệm thực tiễn. Việc cắt giảm chi phí tài chính của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước không chỉ là việc động viên nữa mà là yêu cầu bắt buộc thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong năm 2012.
 
Cũng theo thông tin từ ông Huệ, vào thứ 5 tuần này, Tập đoàn dệt may Việt Nam cũng sẽ công bố kế hoạch cắt giảm chi phí và lộ trình cổ phần hóa. Tuần sau là EVN, Vinalines, Petrolimex. Từ nay đến hết quý I, tất cả các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ thực hiện Nghị quyết này và có kế hoạch báo cáo Bộ Tài chính để Bộ tổng hợp và báo cáo với Chính phủ. Mức tiết giảm tối thiểu mà các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải thực hiện là từ 5-10% chi phí.

Theo đánh giá từ Bộ trưởng Huệ, trong điều kiện lạm phát đã được kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao, lãi suất ngân hàng chưa giảm được thì việc tăng cường quản trị tài chính, trước hết là giảm chi phí giá thành có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đây không chỉ là giải pháp trước mắt mà còn là giải pháp căn cơ và lâu dài cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay, chiến lược số 1 của doanh nghiệp là đi sâu vào quản trị tài chính và giảm chi phí giá thành. Việc tiết giảm chi phí giá thành không chỉ có ý nghĩa thiết thực với nền kinh tế mà còn cho chính bản thân doanh nghiệp.

Nguyễn Hiền