Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh:

"Doanh nghiệp Nhà nước có triển vọng không nhất thiết bán ngay”

(Dân trí) - "Doanh nghiệp đang làm ăn có lãi, không nhất thiết phải bán vội nếu giá chưa được. Quan điểm của Chính phủ, cái nào càng để càng lỗ, càng mất vốn thì bán càng nhanh càng tốt. Còn cái nào đang không lỗ, đầu tư lâu dài, triển vọng tốt không nhất thiết bán ngay”.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh.

Trước đề xuất của các đại biểu phải thu lãi từ tập đoàn, tổng công ty nhà nước về cho ngân sách để bù đắp hụt thu, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có trao đổi ngắn với báo giới, bên hành lang Quốc hội ngày 25/10.

Trong bối cảnh ngân sách hụt thu, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất với Chính phủ đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, điều tiết cổ tức từ các tập đoàn, tổng công ty. Bởi các đại biểu cho rằng, làm như vậy sẽ thu được nguồn vốn khổng lồ cho ngân sách. Phó Thủ tướng nghĩa sao về đề xuất này?

Yêu cầu, đề xuất đẩy nhanh cổ phần hóa, bán vốn, điều tiết lợi nhuận từ các tập đoàn, tổng công ty về ngân sách cũng là một quan điểm. Về vấn đề này, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, Chính phủ đang thực hiện. Kỳ họp trước đã có đề xuất như vậy và tôi đã có một bài viết phản biện việc bỏ quên nguồn này. Theo tôi, nói Chính phủ bỏ quên là hoàn toàn không đúng, nói như vậy chẳng khác nào Chính phủ không điều hành gì.

Các đại biểu cũng vì sốt ruột trước việc ngân sách khó khăn nên mới muốn đẩy nhanh cổ phần hóa, bán những doanh nghiệp nhà nước không cần giữ để thu tiền về?

Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước được triển khai hoàn toàn chủ động, không có quên một cái gì cả. Để có tiềm lực phát triển kinh tế, có nguồn thu ngân sách phải trông chờ vào doanh nghiệp. Từ lâu rồi ngân sách không bố trí cấp vốn cho doanh nghiệp, trong khi một doanh nghiệp dù trong hay ngoài nhà nước ra làm ăn phải có vốn.

Nghị quyết Trung ương 3 quy định, nguồn cổ tức và lãi của doanh nghiệp không cân đối chi ngân sách nhà nước mà tăng cường đầu tư cho doanh nghiệp, để làm cho doanh nghiệp mạnh, làm ăn tốt lên có sản phẩm cho đất nước và nền kinh tế, từ đó có nguồn lực đóng góp tài chính cho quốc gia.

Doanh nghiệp nhà nước hoạt động bằng vốn nhà nước cấp ra, hoặc nhà nước thu lại lợi nhuận rồi đầu tư trở lại. Cũng như bán những doanh nghiệp mà nhà nước không cần thiết, tập trung vào doanh nghiệp cần nắm giữ. Chủ trương, chính sách này hoàn toàn đúng, vì thu vào cũng được mà bố trí ngân sách cấp ra cũng được.

Tôi chưa bình luận cái nào đúng, cái nào sai nhưng quan trọng là lựa chọn chính sách nào cho phù hợp với hiện nay. Thu vào, thu ở mức nào, thu bao nhiêu, ra sao… cần tính kỹ chứ không phải nguồn đó là bỏ quên.

Xin Phó Thủ tướng cho biết tiến độ cổ phần hóa bán các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, cao su… mà nhà nước không nắm giữ?

Chủ trương đã rõ rồi, vấn đề là phải xác định bán vào lúc nào, bán để làm gì, tiền thu về để làm gì... Nếu bán đưa vào ngân sách dễ hết lắm và có thể tiêu rất nhanh. Cũng có thể sang năm sau, chúng ta huy động một phần vốn của các doanh nghiệp này, còn lâu dài phải tiếp tục tính.

Nhiều doanh nghiệp chuẩn bị cổ phần hóa hiện nay sợ bán giá thấp, bị lỗ phải chịu trách nhiệm làm mất vốn nhà nước. Để giải tỏa tâm lý này, Chính phủ có cơ chế xử lý như thế nào, thưa Phó Thủ tướng?

Chính phủ có nghị quyết rồi, tới đây sẽ hướng dẫn cụ thể. Hiện nay, doanh nghiệp đang làm ăn bình thường có lãi, không nhất thiết phải bán vội nếu giá chưa được. Nhưng nếu cần thiết cũng vẫn phải bán, đấy là một loại. Còn loại nữa đầu tư ra ngoài ngành, chủ trương chung rút vốn về, lùi cũng phải có trật tự. Tiến công cũng phải có phương án, thì lùi cũng vậy.

Quan điểm của Chính phủ, cái nào càng để càng lỗ, càng mất vốn thì bán càng nhanh càng tốt. Còn cái nào đang không lỗ, đầu tư lâu dài, triển vọng tốt không nhất thiết bán ngay, vì thế phải có lộ trình, nói cái làm ngay là không được, phải cân nhắc lợi ích quốc gia một cách tốt nhất.

Còn tâm trạng của doanh nghiệp khi đã đầu tư, hoạt động nay bán đi, nhất là dưới giá trị bao giờ cũng lo ngại, rồi lo lắng vì bị suy diễn thất thoát vốn. Do đó, chúng ta phải đặt ra tiêu chí, ví dụ mỗi ngày qua đi mà doanh nghiệp bị mất thêm tiền, mất thêm vốn phải bán càng nhanh càng tốt.

Vậy với những doanh nghiệp Nhà nước sau khi bán bị thâm thủng vốn, bị lỗ sẽ chịu trách nhiệm thế nào?

Đương nhiên phải tính toán, yêu cầu làm rõ nguyên nhân ra. Nếu vì trách nhiệm vì cái chung thì không sao; còn vì cá nhân, có gì trong đó không tốt thì phải chịu trách nhiệm; nhưng phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể.

Ngân sách thất thu, nhưng có thông tin cho rằng, Việt Nam hiện có 70 quỹ tài chính nằm ngoài ngân sách nhà nước. Thực hư chuyện này thế nào, thưa Phó Thủ tướng?

Cái này cần phải rà soát lại, có những quỹ từ luật quy định ra, bây giờ xem ngay luật đó cần thiết phải ra quỹ không.

Nợ đọng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản đã lên tới 90.000 tỷ đồng. Thời gian tới, gói nợ này sẽ được giải quyết thế nào, thưa Phó Thủ tướng?

Hiện tại, Chính phủ đã có chỉ thị để các địa phương không yêu cầu doanh nghiệp ứng vốn làm trước, nhằm giảm phát sinh món nợ mới. Và khi phân bổ ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản phải dành tối thiểu 30% thanh toán nợ, sau đó mới phân bổ cho các dự án đang làm. Các nơi đang làm giải quyết được một phần nợ đọng này.

- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

Nguyễn Hiền